Châu Âu nới lỏng các quy định môi trường trong nông nghiệp

Quang Dũng
Chia sẻ
(VOV5) - Cùng lúc với các động thái xoa dịu từ EC, chính phủ nhiều quốc gia thành viên EU cũng đưa ra nhiều chính sách mới đáp ứng các đòi hỏi của nông dân.

Đối mặt với làn sóng phản kháng quy mô lớn của nông dân nhiều nước châu Âu từ đầu năm và lo ngại tác động đến cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6, Liên minh châu Âu thời gian qua đã liên tiếp có các động thái nới lỏng quy định môi trường trong nông nghiệp.

Châu Âu nới lỏng các quy định môi trường trong nông nghiệp - ảnh 1Ảnh minh họa: Liên minh châu Âu thông qua việc nới lỏng Chính sách Nông nghiệp chung - Ảnh: AFP/TTXVN

Các Bộ trưởng Nông nghiệp các nước Liên minh châu Âu (EU), hôm 08/04, cho biết thống nhất áp dụng thêm 1 số biện pháp hạn chế nhập khẩu mới với các sản phẩm nông nghiệp từ Ukraine. Đây là động thái mới nhất cho thấy Ủy ban châu Âu đang ngày càng nhượng bộ trước sức ép từ các nông dân.

Nông nghiệp trở thành ưu tiên

Quyết định liên quan đến sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu từ Ukraine chỉ là 1 trong số nhiều đòi hỏi mà các nông dân trên khắp châu Âu yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) phải thực hiện từ nhiều tháng qua, nhằm bảo vệ lợi ích của ngành nông nghiệp châu Âu. Các đòi hỏi mạnh mẽ hơn liên quan đến việc nới lỏng các quy định, chính sách về môi trường, chống biến đổi khí hậu mà các nông dân châu Âu cho rằng làm tổn hại đến năng lực cạnh tranh của nông nghiệp châu Âu.

Hôm 26/03, các nông dân châu Âu đã giành “chiến thắng” lớn nhất kể từ khi bắt đầu các cuộc phản kháng từ đầu năm, khi EC quyết định nới lỏng nhiều quy định về môi trường trong Chính sách Nông nghiệp chung (CAP) của khối, như: cho phép các nước xử lý linh hoạt hơn vấn đề độ che phủ của đất; các trang trại dưới 10 ha được miễn tuân thủ quy định kiểm soát chéo trong CAP. Đặc biệt, EC cũng đã hoãn thông qua luật về phục hồi thiên nhiên, trong đó trọng tâm là quy định về việc các nước EU phải có các chính sách để phục hồi thiên nhiên tại ít nhất 20% diện tích đất và biển vào năm 2030.  

Theo bà Anika Raisz, Bộ trưởng Nông nghiệp Hungary, quốc gia đi đầu trong việc phản đối áp dụng Luật phục hồi thiên nhiên, dù Hungary được coi là nước có diện tích rừng tự nhiên được bảo vệ tốt hàng đầu châu Âu, vấn đề đối với châu Âu hiện nay là phải thực tế trong việc theo đuổi các tham vọng về môi trường.

“Nông nghiệp là lĩnh vực rất quan trọng, không chỉ ở Hungary mà còn ở mọi quốc gia châu Âu khác. Do đó, tôi cho rằng cần phải thực tế đối với các mục tiêu mà châu Âu muốn đạt được trong việc bảo vệ môi trường và cần phải lưu tâm đến tất cả các lĩnh vực và những nhân tố giúp chúng ta đạt được các mục tiêu này” - bà Anika Raisz nói.

Cùng lúc với các động thái xoa dịu từ EC, chính phủ nhiều quốc gia thành viên EU cũng đưa ra nhiều chính sách mới đáp ứng các đòi hỏi của nông dân. Tại Pháp, Thượng viện Pháp hồi cuối tháng 3 bỏ phiếu phản đối phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do EU-Canada (CETA) với lí do Hiệp định này có các điều khoản bất lợi cho những người chăn nuôi gia súc tại Pháp. Tiếp đến, hôm 01/04,  chính phủ Pháp quyết định tạm hoãn các quy định yêu cầu giảm bớt việc sử dụng thuốc trừ sâu trong nông nghiệp. Trước đó, từ cuối tháng 1 năm nay, chính phủ Pháp cũng đã gia tăng trợ cấp tài chính cho nông dân, áp dụng chính sách ưu đãi thuế, ưu đãi năng lượng và tăng trợ cấp cho chi phí thú y.

Tại Tây Ban Nha, chính phủ của Thủ tướng Pedro Sanchez hồi đầu tháng 2 thông qua Luật Chuỗi thực phẩm, theo đó sẽ đẩy mạnh việc triển khai quỹ 4 tỷ euro được thành lập để trợ giúp nông dân từ 2022 và hứa hẹn sẽ nhanh chóng giải ngân 6,8 tỷ euro trợ cấp từ CAP cho nông dân nước này. Tại Italy, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Bỉ, Ba Lan…. một loạt các biện pháp hỗ trợ tài chính tương tự cũng được thực thi.

Bài toán bầu cử

Nông dân chỉ chiếm 4.2% lực lượng lao động của EU và lĩnh vực nông nghiệp cũng chỉ đóng góp 1,4% vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khối. Do đó, trên lý thuyết nông dân không phải là lực lượng có thể tạo nên sức ép chính trị quá lớn buộc các chính phủ châu Âu phải nhượng bộ. Tuy nhiên, theo Simone Tagliapietra, chuyên gia của Quỹ Nghiên cứu Bruegel có trụ sở tại Brussels (Bỉ), nông nghiệp có ảnh hưởng truyền thống quan trọng đến các xã hội châu Âu và luôn được coi là một phần trong bản sắc văn hóa châu Âu. Vì thế, người dân châu Âu luôn có sự ủng hộ lớn đối với nông dân. Thống kê của hãng Elabe tại Pháp vào tháng 1 cho thấy 87% người dân nước này ủng hộ phong trào phản kháng của nông dân. Tại Ba Lan, con số này là khoảng 80%.

Đây là yếu tố khiến các chính phủ lo ngại bởi các đảng cực hữu và dân túy rất dễ tận dụng sự bất mãn của nông dân để lôi kéo sự ủng hộ của dân chúng trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, diễn ra đầu tháng 6 tới. Lo ngại này hoàn toàn có cơ sở bởi báo cáo do Ủy ban các vùng của EU công bố tháng 3 cho thấy, khu vực nông thôn ở các nước EU có xu hướng ủng hộ các đảng cực hữu, dân túy cao hơn hẳn các khu vực khác. Franc Bogovic, Nghị sĩ châu Âu của Slovakia, cảnh báo nếu EC không có biện pháp cấp bách, cuộc bầu cử châu Âu năm nay sẽ là “cuộc bầu cử của những nông dân giận dữ”.

Ông David Clarinval, Bộ trưởng Nông nghiệp Bỉ, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng châu Âu, cho rằng để giải quyết vấn đề này cần phải xây dựng mô hình phát triển mới cho nông nghiệp châu Âu bền vững hơn trước các thách thức mới: “Cần phải tiếp tục theo dõi chặt chẽ các vấn đề trong một số lĩnh vực chuyên biệt, như: giá nguyên liệu đầu vào cao, thời tiết cực đoan, thu nhập thấp của nông dân. Điều quan trọng nữa là phải thực thi các biện pháp ngắn hạn và dài hạn để thúc đẩy một mô hình sản xuất bền vững, qua đó cho phép hệ thống nông lương châu Âu chống đỡ tốt hơn với các cuộc khủng hoảng”.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng về lâu dài thách thức lớn hơn đối với EU là tìm được sự cân bằng giữa các tham vọng môi trường, vốn được xem là ưu tiên hàng đầu của EC trong nhiệm kỳ qua, với các lợi ích cơ bản của nông dân khối này. Việc EC và chính phủ nhiều nước thành viên EU nhượng bộ các nông dân gần đây bị các tổ chức môi trường chỉ trích là sự thụt lùi của châu Âu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. “Bài toán khó” tiếp theo với EU sẽ là luật chống phá rừng (cấm nhập khẩu các sản phẩm liên quan đến việc phá rừng ở các nước khác), theo dự kiến sẽ chính thức có hiệu lực vào cuối năm nay, nhưng hiện đang bị 20/27 quốc gia EU yêu cầu tạm hoãn.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu