Diễn ra hôm 20/11 tại thủ đô London (Anh), Hội nghị Thượng đỉnh an ninh lương thực toàn cầu năm nay tập trung các nỗ lực quốc tế vào việc ứng dụng khoa học, công nghệ, kết nối các ý tưởng đổi mới về nông nghiệp nhằm xây dựng một hệ thống lương thực toàn cầu mới bền vững hơn, qua đó ngăn chặn tình trạng mất an ninh lương thực đang gia tăng trên toàn thế giới.
Hội nghị Thượng đỉnh an ninh lương thực toàn cầu (GFSS) năm nay được tổ chức từ ý tưởng của các chính phủ Anh, Somalia, UAE và các tổ chức, như: Quỹ đầu tư cho trẻ em (CIFF), Quỹ Bill& Melinda Gates. Hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh an ninh lương thực toàn cầu tiếp tục bị xói mòn do xung đột, bất ổn chính trị và tác động của biến đổi khí hậu gia tăng trên toàn thế giới, buộc cộng đồng quốc tế phải tìm kiếm các biện pháp ứng phó khẩn cấp và bền vững.
Mất an ninh lương thực toàn cầu gia tăng
Theo các số liệu của Liên hiệp quốc (LHQ), hiện hơn 345 triệu người trên toàn thế giới đang trong tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng. Con số này cao hơn 120 triệu người so với năm 2019, thời điểm trước khi diễn ra đại dịch Covid-19. Ngoài ra, khoảng 40 triệu người hiện được xem là ở mức đói khẩn cấp, là mức 4 theo phân loại mất an ninh lương thực gồm 5 mức của LHQ, gọi là IPC, tức là buộc phải áp dụng các biện pháp tuyệt vọng để sống sót và có nguy cơ tử vong do suy dinh dưỡng.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của LHQ (FAO) đưa ra một con số khác cho thấy nếu tính cả những người mất an ninh lương thực ở mức vừa phải thì thế giới hiện có khoảng 2,4 tỷ người, chiếm gần 30% dân số thế giới, trong tình trạng không đảm bảo an ninh lương thực. Với thực trạng hiện nay, LHQ cảnh báo thế giới sẽ không thể hoàn thành mục tiêu xóa bỏ nạn đói, một trong những mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) quan trọng nhất, vào năm 2030 theo kế hoạch.
Trong báo cáo toàn cầu về “Khủng hoảng lương thực 2023”, công bố tháng 8 vừa qua, LHQ cũng đưa ra các con số báo động khác về tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em trên toàn thế giới. Cụ thể, trong năm ngoái thế giới có 148 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị thấp còi và 45 triệu trẻ em bị gầy còm.
Phó Giám đốc điều hành Chương trình lương thực thế giới (WFP), ông Carl Skau. Ảnh: 21stcenturychronicle.com |
Theo Phó Giám đốc điều hành Chương trình lương thực thế giới (WFP), ông Carl Skau, tình trạng bất ổn về kinh tế và an ninh trên thế giới hiện nay càng khiến cho cuộc khủng hoảng lương thực và dinh dưỡng thêm trầm trọng: “Cuộc khủng hoảng lương thực và dinh dưỡng lớn nhất trong lịch sử hiện đang tiếp diễn. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng này, như: biến đổi khí hậu, thiên tai liên tiếp, sức ép lạm phát giá thực phẩm, gánh nặng nợ công tăng cao trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn. Tuy nhiên, xung đột và tình trạng mất an ninh là các nguyên nhân lớn nhất gây nên nạn đói gay gắt trên toàn thế giới”.
Bên cạnh các nguyên nhân nêu trên, một yếu tố khác cũng khiến tình trạng mất an ninh lương thực trên thế giới hiện nay gia tăng, đó là ngân sách hoạt động của WFP liên tục bị cắt giảm trong thời gian qua, khiến cơ quan này không thể duy trì công tác cứu trợ tại nhiều khu vực đang có khủng hoảng. Trong báo cáo đưa ra hôm 12/9, WFP cho biết thâm hụt ngân sách hoạt động trong năm nay của tổ chức này lên tới 60%, mức cao nhất trong lịch sử. Thực trạng này khiến WFP phải cắt bỏ hoặc thu hẹp hoạt động của 38/86 chương trình cứu trợ ở các quốc gia, dẫn đến nguy cơ có thêm khoảng 24 triệu người trên toàn thế giới rơi vào nạn đói vào cuối năm nay.
Tìm kiếm các giải pháp bền vững
Nhằm tìm giải pháp ứng phó với thực trạng đang xấu đi của an ninh lương thực toàn cầu, Hội nghị GFSS năm nay tại London tập trung thảo luận các chủ đề lớn, bao gồm : xây dựng cách tiếp cận mới nhằm ngăn chặn tình trạng trẻ em tử vong vì suy dinh dưỡng; huy động khoa học và công nghệ cho an ninh lương thực; dự báo, ngăn chặn nạn đói và các cuộc khủng hoảng lương thực; xây dựng một hệ thống lương thực toàn cầu bền vững và ứng phó tốt hơn với biến đổi khí hậu.
Tại Hội nghị, chính phủ Anh đã công bố sáng kiến thiết lập một trung tâm khoa học trực tuyến, được gọi là Nhóm tư vấn về nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (CGIAR). CGIAR sẽ kết nối sáng kiến đổi mới sáng tạo về nông nghiệp của các tổ chức, các nhà khoa học và các chuyên gia trên toàn thế giới, qua đó phát triển các loại cây lương thực có sức chống chọi dẻo dai hơn với biến đổi khí hậu và dịch bệnh đồng thời xây dựng một hệ thống lương thực toàn cầu mới bền vững hơn.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh An ninh Lương thực toàn cầu tại tòa nhà Lancaster, London, Anh, ngày 20/11/2023. Ảnh: Dan Kitwood/ PA |
Thủ tướng Anh, Rishi Sunak, cho biết nghiên cứu về các giống cây trồng mới của Anh hiện đang giúp ích cho hơn 100 triệu người dân châu Phi và nước Anh muốn nhân rộng mô hình đó ra toàn cầu: “Chúng tôi muốn tiến xa hơn bằng việc ra mắt một trung tâm khoa học tập trung vào các nghiên cứu mũi nhọn về các loại lúa chống chịu tốt với ngập lụt, các loại lúa mì chống chọi tốt với dịch bệnh và nhiều hơn thế nữa. Các nghiên cứu này sẽ mang lại lợi ích cho hàng triệu người ở các quốc gia nghèo, đồng thời cải thiện năng suất cây trồng tại Anh, qua đó hạ giá thực phẩm”.
Trước mắt, nhằm ứng phó với các cuộc khủng hoảng lương thực cấp bách tại nhiều khu vực trên thế giới, đại diện hơn 20 quốc gia cùng nhiều tổ chức quốc tế tham dự Hội nghị đã đưa ra nhiều cam kết tài chính quan trọng. Chính phủ Anh cho biết sẽ tài trợ 100 triệu bảng Anh (gần 125 triệu USD) cho các “điểm nóng” về mất an ninh lương thực, như: Ethiopia, Sudan, Nam Sudan, Afghanistan, Malawi và khu vực Sahel. 100 triệu bảng khác cũng được chính phủ Anh dành riêng cho việc trợ giúp Somalia về lương thực và phát triển các phương thức nông nghiệp ít tổn thương trước biến đổi khí hậu tại quốc gia này.
Đối với vấn đề suy dinh dưỡng của trẻ em trên thế giới, chính phủ Anh cam kết tài trợ 16 triệu bảng Anh (gần 20 triệu USD) cho Quỹ quốc tế về dinh dưỡng trẻ em. Tại Hội nghị, Bộ trưởng Biến đổi Khí hậu và Môi trường UAE, bà Mariam Al Mheiri cũng kêu gọi các quốc gia và tổ chức đưa vấn đề lương thực và nông nghiệp ứng phó bền vững trước biến đổi khí hậu thành một trong các chủ đề thảo luận trọng tâm tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu của LHQ – COP28, sẽ diễn ra từ tuần sau (30/11) tại thành phố Dubai của UAE