1.000 ngày xung đột Nga-Ukraine: Nhen nhóm hy vọng về giải pháp ngoại giao

Quang Dũng
Chia sẻ
(VOV5) - Ngày 19/11 năm nay đánh dấu cột mốc 1.000 ngày bùng phát xung đột Nga-Ukraine (24/02/2022). 

Cuộc xung đột hiện vẫn đang diễn biến khó lường nhưng cũng đã xuất hiện một số hy vọng về việc xung đột có thể sớm chấm dứt bằng con đường ngoại giao.

1.000 ngày xung đột Nga-Ukraine: Nhen nhóm hy vọng về giải pháp ngoại giao - ảnh 1Mọi người tìm nơi ẩn nấp khi tiếng còi báo động không kích vang lên trong đợt pháo kích ở Kiev ngày 26/02/2022. Ảnh: Reuters

Ngày 24/02/2022, xung đột Nga-Ukraine bùng phát khi quân đội Nga tuyên bố mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” trên lãnh thổ Ukraine. Cuộc xung đột lớn nhất tại châu Âu từ sau Chiến tranh thế giới 2 đã gây ra những tác động nghiêm trọng về an ninh, địa chính trị và kinh tế, không chỉ tại châu Âu mà trên toàn thế giới.

1.000 ngày xung đột Nga-Ukraine: Nhen nhóm hy vọng về giải pháp ngoại giao - ảnh 2Lửa bùng lên dữ dội sau cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga tại Kiev, Ukraine, ngày 02/01/2024. Ảnh: Reuters

Hy vọng nhen nhóm

Gần 3 năm sau khi xung đột bùng phát, triển vọng về việc kết thúc xung đột bằng biện pháp quân sự mờ mịt khi Nga và Ukraine duy trì cục diện tương đối bế tắc trên chiến trường, bất chấp chi phí và thương vong từ cả hai phía. Về mặt chính trị, hai bên cũng tuyên bố kiên quyết không nhượng bộ bất cứ yêu cầu nào của đối phương. Tuy nhiên, thế bế tắc về ngoại giao đang có dấu hiệu được phá vỡ, với nhân tố tác động lớn nhất là cuộc bầu cử Tổng thống tại Mỹ hôm 05/11.

Cuộc bầu cử này đánh dấu thắng lợi lớn của ông Donald Trump, người có quan điểm về xung đột Ukraine rất khác biệt với chính quyền Tổng thống Joe Biden. Trong chiến dịch tranh cử, ông Donald Trump từng nhiều lần phản đối gia tăng viện trợ quân sự cho Ukraine, đồng thời tuyên bố “sẽ chấm dứt xung đột tại Ukraine trong vòng 24h sau khi nhậm chức”.

Cam kết này được Tổng thống đắc cử Mỹ nhắc lại hôm 14/11 khi khẳng định xung đột Nga-Ukraine phải chấm dứt. Trước đó, hôm 10/11, tờ báo hàng đầu Mỹ là “Bưu điện Washington” (The Washington Post) cũng đưa tin ông Donald Trump đã điện đàm với Tổng thống Nga, Vladimir Putin để thảo luận về vấn đề Ukraine, dù phía Nga không xác nhận thông tin này.

1.000 ngày xung đột Nga-Ukraine: Nhen nhóm hy vọng về giải pháp ngoại giao - ảnh 3 Ông Donald Trump phát biểu trong buổi tiệc của Viện Chính sách Nước Mỹ Trước nhất (AFPI), tại dinh thự Mar-a-Lago ở Florida, ngày 14/11. Ảnh: Reuters

Các động thái mới từ Tổng thống đắc cử Mỹ bắt đầu tạo nên các thay đổi đáng kể trong tư duy của các quốc gia đồng minh phương Tây trong khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vốn đa phần theo đuổi chính sách cứng rắn với Nga. Diễn biến đáng chú ý nhất là việc Thủ tướng Đức, Olaf Scholz hôm 15/11 đã chủ động tiến hành điện đàm với Tổng thống Nga, Vladimir Putin. Đây là lần đầu tiên sau hơn 2 năm nguyên thủ một cường quốc phương Tây điện đàm với Tổng thống Nga, động thái gây bất ngờ cho chính nhiều nước đồng minh.

Thủ tướng Đức bảo vệ quyết định này bằng lập luận rằng châu Âu không thể đứng ngoài bất cứ thảo luận nào trong tương lai giữa Mỹ và Nga về vấn đề Ukraine: “Theo quan điểm của tôi, sẽ không phải là một ý tưởng tốt nếu có các cuộc thảo luận trong tương lai gần giữa Tổng thống Mỹ và Tổng thống Nga mà lãnh đạo một quốc gia quan trọng tại châu Âu lại không tự tiến hành các thảo luận. Có thể một số người tại Đức nghĩ đó là điều tốt, nhưng tôi thì không”.

1.000 ngày xung đột Nga-Ukraine: Nhen nhóm hy vọng về giải pháp ngoại giao - ảnh 4Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: Getty Images

Dù chỉ trích Thủ tướng Olaf Scholz là đã mang lại lợi thế đàm phán cho Nga nhưng theo giới quan sát, chính quyền Ukraine dường như cũng đang thay đổi quan điểm. Một ngày sau cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Đức, Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky cũng tuyên bố trên Đài phát thanh Ukraine rằng Ukraine phải làm mọi cách chấm dứt xung đột trong năm 2025 bằng con đường ngoại giao. Tuyên bố này đánh dấu sự thay đổi lớn trong lập trường của Kiev, bởi trước đó các lãnh đạo Ukraine luôn khẳng định “không đối thoại” chừng nào Tổng thống Nga, Vladimir Putin còn tại vị.

Nguy cơ leo thang vẫn hiện hữu

Bất chấp các hy vọng mong manh về việc nối lại các đối thoại để giải quyết xung đột bằng con đường ngoại giao, nguy cơ xung đột Nga-Ukraine leo thang hiện vẫn đang ở mức cao. Các thông tin liên quan đến việc Triều Tiên gửi binh lính đến Nga và mới nhất là việc chính quyền của Tổng thống Joe Biden gỡ bỏ hạn chế, cho phép quân đội Ukraine sử dụng vũ khí tấn công tầm xa do Mỹ viện trợ đang thổi bùng các lo ngại về việc xung đột sẽ leo thang lên cấp độ mới nguy hiểm hơn. Trước đó, các nhà lãnh đạo Nga từng nhiều lần cảnh báo một hành động như vậy gần như đồng nghĩa với việc NATO trực tiếp can dự vào xung đột và sẽ buộc Nga phải đáp trả một cách tương xứng.

Sáng 19/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh phê duyệt học thuyết hạt nhân với các điều khoản sửa đổi mới. Theo đó, sự xâm lược từ bất kỳ quốc gia phi hạt nhân nào, có sự tham gia hoặc hỗ trợ của một quốc gia hạt nhân, sẽ được coi là một cuộc tấn công chung vào Liên bang Nga. Ngoài ra, Liên bang Nga có thể đáp trả bằng vũ khí hạt nhân khi có mối đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền của mình. Nga cũng sẽ đáp trả khi có các cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường nhằm vào Belarus, với tư cách là một thành viên của Nhà nước Liên bang. Hoặc khi có sự phóng hàng loạt máy bay quân sự, tên lửa hành trình, máy bay không người lái, và các phương tiện bay khác xâm nhập biên giới của Liên bang Nga.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng dù nguy cơ leo thang xung đột từ cả hai phía vẫn rất cao nhưng các nước phương Tây cũng vẫn ý thức được các lằn ranh đỏ và không sẵn sàng cho phép quân đội Ukraine có các hành động quá mạo hiểm. Do đó, việc Ukraine có thể dùng vũ khí do phương Tây viện trợ để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga cũng mang tính toán chính trị nhiều hơn.

Ông Ian Kelly, cựu Đại sứ Mỹ tại Gruzia và hiện là chuyên gia tại Đại học Tây Bắc (Mỹ), nhận định: “Đến tháng Hai tới là xung đột diễn ra 3 năm và tôi nghĩ đã có sự mệt mỏi với cuộc chiến này và có một mong đợi ở cả Mỹ và châu Âu về việc cần phải tiến hành các động thái ngoại giao. Nếu làm thế thì cần phải đặt phe mình (Ukraine) vào vị thế mạnh hơn cả về quân sự và chiến thuật. Điều này đồng nghĩa với việc tiếp tục hỗ trợ quân sự để chuẩn bị cho bất cứ giải pháp thương lượng nào”.

Mấu chốt của vấn đề, theo giới quan sát, là cách Nga phản ứng trước các động thái tăng tốc hỗ trợ quân sự cho Ukraine trong những ngày cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ, Joe Biden. Nếu Nga đáp trả mạnh mẽ các động thái này, việc khởi động các đối thoại nhằm tìm giải pháp ngoại giao cho xung đột khi Tổng thống đắc cử Donald Trump chính thức nắm quyền ngày 20/01 năm sau sẽ trở nên khó khăn hơn, dù ông Donald Trump là người ủng hộ rõ ràng việc sớm chấm dứt xung đột.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu