Thế giới đối mặt thách thức đan xen của biến đổi khí hậu và xung đột

Quang Dũng
Chia sẻ
(VOV5) - Điều này cần thay đổi bởi nông dân là những người chịu tác động trực tiếp đầu tiên của biến đổi khí hậu.

Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc trong tuần qua (13-14/02) tổ chức phiên thảo luận mở về biến đổi khí hậu và xung đột, xem đây là 2 tác nhân đan xen nghiêm trọng nhất hiện nay gây nên nạn đói trên thế giới, từ đó làm xói mòn môi trường hòa bình và an ninh quốc tế.

Với chủ đề “Tác động của biến đổi khí hậu và tình trạng mất an ninh lương thực đối với việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế”, phiên thảo luận của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) diễn ra dưới hình thức mở trong 2 ngày 13-14/02, theo sáng kiến của Guyana, nước giữ chức Chủ tịch luân phiên HĐBA LHQ trong tháng 2. Đại diện của gần 90 quốc gia cùng Tổng thư ký (TTK) LHQ và lãnh đạo nhiều tổ chức quốc tế tham gia thảo luận.

Thế giới đối mặt thách thức đan xen của biến đổi khí hậu và xung đột - ảnh 1Trẻ em chờ được phát thực phẩm cứu trợ tại Rafah, Dải Gaza. Ảnh: THX/TTXVN

Xung đột và biến đổi khí hậu gia tăng đói nghèo

Tại các phiên thảo luận, lãnh đạo LHQ cùng nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế có chung nhận định rằng thế giới đang bước vào một thời kỳ bất ổn mới, khi biến đổi khí hậu và xung đột tác động đan xen lẫn nhau và cùng đẩy tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu gia tăng. Theo Tổng thư ký LHQ, Antonio Guterres, xung đột buộc hàng triệu người phải di tản, phá hủy cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp trong khi biến đổi khí hậu làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, như: hạn hán, lũ lụt, nước biển xâm thực… khiến sản lượng lương thực sụt giảm, hủy hoại mùa màng, biến đổi các phương thức khai thác nông, ngư nghiệp truyền thống.

Người đứng đầu LHQ trích dẫn số liệu của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho biết nạn đói nghiêm trọng gia tăng liên tục trên toàn cầu trong những năm gần đây và tính đến hết năm ngoái, hơn 330 triệu người trên thế giới ở trong tình trạng này, tức có thể bị đe dọa tính mạng ngay lập tức nếu thiếu các biện pháp cứu trợ.

Chia sẻ nhận định này, Thư ký điều hành Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC), ông Simon Stiell, cho biết: “Chỉ mới vài năm trước thế giới tin rằng có thể loại bỏ nạn đói, nhưng ngày nay cứ 10 người trên trái đất thì có 1 người phải chịu nạn đói kinh niên. Con số này là không thể chấp nhận. Nếu biến đổi khí hậu gia tăng thì tình trạng này sẽ còn tồi tệ hơn. Biến đổi khí hậu đang góp phần vào việc mất an ninh lương thực và gia tăng xung đột”.

Thế giới đối mặt thách thức đan xen của biến đổi khí hậu và xung đột - ảnh 2Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres (giữa) phát biểu tại phiên thảo luận về an ninh lương thực và bất ổn khí hậu của HĐBA LHQ ở New York, Mỹ ngày 13/2/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO), bà Beth Bechdol, thông tin thêm cho biết trong “Báo cáo toàn cầu về khủng hoảng lương thực” năm vừa qua, FAO đã xác định rất rõ xung đột và biến đổi khí hậu là những vấn đề nghiêm trọng nhất đối với an ninh lương thực toàn cầu và dẫn đến hệ lụy tiếp theo là đe dọa an ninh quốc tế:

“Chúng ta đã nghe nói rất nhiều lần rằng không có an ninh lương thực nếu không có hòa bình và không có hòa bình nếu không có an ninh lương thực. Trước hết, chúng ta đã thấy các xung đột dẫn đến nạn đói và suy dinh dưỡng ra sao và không phải ngẫu nhiên mà 1/2 số người đói trên thế giới sống trong các khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột”.

Theo bà Beth Bechdol, các xung đột lớn trên thế giới hiện nay, như: xung đột Nga-Ukraine, xung đột tại dải Gaza là minh họa rõ nhất cho tác động của xung đột đến an ninh lương thực, khi thiệt hại đối với hệ thống nông nghiệp tại Ukraine ước tính đã lên tới khoảng 40 tỷ USD, trong khi khoảng 2,2 triệu người tại Gaza rơi vào nạn đói trầm trọng ở các mức độ khác nhau.

Ưu tiên hành động khẩn cấp

Trong bối cảnh mất an ninh lương thực toàn cầu gia tăng như hiện nay, LHQ kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động khẩn cấp. Theo TTK LHQ, Antonio Guterres, đói nghèo luôn luôn dẫn đến bạo loạn: “Nếu không hành động, tình hình sẽ càng tệ đi. Các cuộc xung đột đang gia tăng, khủng hoảng khí hậu đang bùng nổ khi lượng khí thải tiếp tục tăng cao. Nhằm tránh các mối đe dọa ngày càng tăng với hòa bình và an ninh quốc tế, chúng ta cần bắt tay hành động ngay bây giờ để phá vỡ mối liên hệ chết chóc giữa xung đột, biến đổi khí hậu và mất an ninh lương thực”.

Thế giới đối mặt thách thức đan xen của biến đổi khí hậu và xung đột - ảnh 3Thư ký điều hành Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC), ông Simon Stiell. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Ngoại trưởng Guyana, ông Hugh Hilton Todd, mặc dù đã ý thức rõ về các tác động đan xen của xung đột và biến đổi khí hậu đến hòa bình và an ninh nhưng HĐBA LHQ cần nhanh chóng thông qua một chiến lược dài hạn, dựa trên các đánh giá rủi ro toàn diện, đồng thời sử dụng số liệu và phân tích để xây dựng một hệ thống lương thực toàn cầu mới bền vững. Phó Tổng Giám đốc FAO, Beth Bechdol cũng cho rằng việc cấp thiết là xây dựng một hệ thống nông lương đáp ứng với biến đổi khí hậu, bao gồm toàn bộ quá trình sản xuất lương thực, từ trồng trọt đến bảo quản, trong đó bước đi đầu tiên là phát triển sinh kế bền vững cho các nhóm dân cư rất dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu.

Đề cập đến chủ đề này, tại một hội thảo quốc tế, tổ chức hôm 14/02 tại Rome (Italy), Chủ tịch Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế của LHQ (IFAD), ông Alvaro Lario kêu gọi đầu tư nhiều hơn cho đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, với hạt nhân là các mô hình nông nghiệp quy mô vừa và nhỏ tại các khu vực nông thôn.

Theo Chủ tịch IFAD, hiện thế giới có khoảng 3 tỷ người sống trong các vùng nông thôn của các quốc gia đang phát triển và hầu hết sản xuất nông nghiệp ở quy mô nhỏ, chỉ nhận được 1% nguồn tài chính khí hậu toàn cầu. Người đứng đầu IFAD nhận định điều này cần thay đổi bởi nông dân là những người chịu tác động trực tiếp đầu tiên của biến đổi khí hậu nên cần được trang bị tốt hơn về tài chính và công nghệ.   

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu