Dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với sự phát triển kinh tế Việt Nam

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Việt Nam hiện là nền kinh tế lớn thứ 34 thế giới, theo Báo cáo đánh giá triển vọng kinh tế thế giới thường niên lần thứ 34 do Trung tâm tư vấn CEBR (Anh) vừa công bố.

Trong hơn 13 năm giữ cương vị cao nhất của Đảng cộng sản Việt Nam (2011 - 2024), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kiên định đường lối đổi mới, độc lập tự chủ, cùng với tập thể Ban Bí thư đưa ra những định hướng lớn, quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước. Nhờ đó, Việt Nam bước vào một thời kỳ mở cửa kinh tế mạnh mẽ hơn, trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á, thu hút đầu tư từ các công ty toàn cầu.

Dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với sự phát triển kinh tế Việt Nam - ảnh 1Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 (Hà Nội, 3/1/2023). Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Dấu ấn lãnh đạo kinh tế của Đảng, mà người đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thể hiện rõ nét thông qua các cương lĩnh, chiến lược và văn kiện chính thức của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, XII và XIII của Đảng, cũng như hàng loạt quyết sách quan trọng khác. Trong đó, phải kể đến nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân, nghị quyết chọn lọc đầu tư nước ngoài và nghị quyết về xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Những Nghị quyết rường cột để phát triển kinh tế

Năm 2017, lần đầu tiên, Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hành riêng một nghị quyết về kinh tế tư nhân. Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nghị quyết đặt ra nhiều mục tiêu, trong đó đến 2030, Việt Nam có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp và tỷ trọng kinh tế tư nhân đóng góp từ 60% - 65% trong nền kinh tế Việt Nam. Đây là dấu ấn lớn khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ chính trị, Ban chấp hành TW Đảng, đã có sự thay đổi rất lớn về tư duy phát triển kinh tế. Nghị quyết đưa ra nhiều giải pháp định hướng về tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, trong đó tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút đầu tư tư nhân và bảo đảm hoạt động của kinh tế tư nhân theo cơ chế thị trường; bảo đảm thực hiện nghiêm quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản…. Ông Trần Chí Dũng, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, cho biết: Nhìn vào kết quả phát triển kinh tế đất nước trong giai đoạn vừa qua thì thấy rất ấn tượng. Đó là những điều mà giới doanh nghiệp chúng tôi cảm thấy trân trọng vai trò lãnh đạo, đặc biệt của người đứng đầu đất nước như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Năm 2019, một chủ trương có tính đổi mới khác tiếp tục được Bộ Chính trị ban hành. Đó là Nghị quyết số 50-NQ/TW, ngày 20/8/2019, về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Nghị quyết là sự thay đổi chiến lược trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đánh dấu việc Việt Nam chuyển sang giai đoạn thu hút đầu tư FDI có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí thu hút vốn. Đồng thời, Đảng cũng xác định khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích và tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác. Đây là nền tảng để hàng loạt "đại bàng" công nghệ tìm đến Việt Nam đầu tư. Ông Joo-ok Lee, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), đánh giá: Việt Nam đang khẳng định được uy tín với lãnh đạo các thành viên của Diễn đàn kinh tế thế giới. Các doanh nghiệp, tập đoàn toàn cầu đang tìm kiếm địa điểm đầu tư ổn định, năng động và cơ hội mở rộng đầu tư. 

Để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, ngay trong nhiệm kỳ đầu đảm nhiệm cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng, ngày 9/12/2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Năm ngoái, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành nghị quyết 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Lần đầu tiên, đội ngũ doanh nhân được khẳng định là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ. Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng:

Nghị quyết số 41 đã tạo thêm động lực, niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển và cống hiến. Cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đang đứng trước những cơ hội to lớn chưa từng có để phát triển, để xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam lớn mạnh.

Thành quả ấn tượng

Dưới sự lãnh đạo của Đảng mà người đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, 13 năm qua, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam đã tăng hơn 4 lần - từ khoảng 104,6 tỷ USD năm 2010 lên hơn 430 tỷ USD năm 2023. Thu nhập bình quân đầu người cũng tăng hơn 3,6 lần, từ 1.168 USD lên 4.284,5 USD.

Dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với sự phát triển kinh tế Việt Nam - ảnh 2

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ảnh: VGP

Năm 2020, khi dòng vốn FDI toàn cầu giảm 35% thì Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký mới đạt khoảng 16 tỷ USD, đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam lọt vào tốp 20 nước dẫn đầu thế giới về thu hút FDI. Trong những năm gần đây, việc Việt Nam là thành viên của nhiều hiệp định thương mại đa phương và song phương quan trọng đã tạo cơ sở và nền tảng pháp lý vững chắc để Việt Nam hội nhập sâu, rộng và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Khu vực kinh tế tư nhân có những bước phát triển ấn tượng, đóng góp gần 45% vào GDP Việt Nam, 1/3 thu ngân sách Nhà nước, tạo công ăn việc làm cho 85% lao động cả nước.

Việt Nam hiện là nền kinh tế lớn thứ 34 thế giới, theo Báo cáo đánh giá triển vọng kinh tế thế giới thường niên lần thứ 34 do Trung tâm tư vấn CEBR (Anh) vừa công bố. Dự kiến gần 10 năm nữa (năm 2033), Việt Nam có thể đạt thứ hạng 24 trong danh sách. Những thành tựu kinh tế mà Việt Nam đạt được trong hơn thập kỷ qua có nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng nhất là sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trong đó có vai trò cá nhân của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu