Hiệp định Geneva: Bài học gắn kết chặt chẽ giữa thế và lực trong hoạt động ngoại giao

Ánh Huyền tổng hợp
Chia sẻ
(VOV5) - "Rõ ràng, chiến thắng biển Biên Phủ là một quả đấm thép làm rung chuyển toàn bộ chiến lược của Pháp. 

Cách đây 70 năm (21/7/1954), cùng với Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, thắng lợi trên lĩnh vực ngoại giao tại Hội nghị Geneva với việc ký kết Hiệp định đình chiến, lập lại hòa bình ở Đông Dương đã khẳng định vị thế của nền ngoại giao Việt Nam trên trường quốc tế, đưa Việt Nam trở thành một nhân tố không thể thiếu trong việc củng cố hoà bình và phát triển của thế giới hiện đại.

Sau 70 năm, Hội nghị Geneva với hiệp định lịch sử đã để lại nhiều bài học quý báu, trong đó nổi bật là bài học bài học gắn kết chặt chẽ giữa thế và lực trong hoạt động ngoại giao. "Phải trông ở thực lực. Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to thì tiếng mới lớn". Đây là lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 26/12/1945 về vị trí, vai trò của công tác ngoại giao. Lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được vận dụng triệt để trong thực tế lịch sử đấu tranh trên mặt trận ngoại giao của Việt Nam trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, mà Hiệp định Geneva là một ví dụ. Đây là dấu mốc quan trọng trong lịch sử ngoại giao Việt Nam, mang lại những quyền lợi to lớn và chính đáng cho dân tộc.
Không thuần túy là một sự kiện ngoại giao

Theo Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Hiệp định Geneva không phải là một sự kiện ngoại giao thuần túy mà nó là kết tinh của cả một quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc bền bỉ, khởi nguồn từ cuộc Cách mạng tháng Tám đến 9 năm kháng chiến chống Pháp, mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu:

"Hiệp định Geneva là sự phản chiếu thành công của một cuộc kháng chiến vĩ đại. Trước Hiệp định Geneva chưa có hiệp định nào khẳng định được quyền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ. Hay nói cách khác, phải trên cơ sở có một thế và lực mới với chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu như thế thì những điều thừa nhận về quyền tự quyết độc lập dân tộc mới được ghi đầy đủ như thế ở trong Hiệp định. Lần đầu tiên, nước Việt Nam được công nhận bằng một hiệp ước quốc tế có giá trị với sự tham gia của các cường quốc. Rõ ràng, đây vừa phản ánh vị thế của Việt Nam, nhưng đồng thời cũng là khẳng định vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế."

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã gây tiếng vang lớn trên phạm vi toàn cầu, tác động mạnh vào Hội nghị Geneva, đưa Việt Nam lần đầu tiên bước lên vũ đài đàm phán đa phương với sự tham gia của các cường quốc. Việt Nam đến với hội nghị Geneva trong tư thế của một dân tộc chiến thắng, buộc đối phương phải công nhận các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam. Nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao Vũ Dương Huân khẳng định:

"Rõ ràng, chiến thắng biển Biên Phủ là một quả đấm thép làm rung chuyển toàn bộ chiến lược của Pháp. Nếu không có chiến thắng Điện Biên Phủ thì không thể đạt được những kết quả cao trong cái đàm phán tại hội nghị Geneva. Nhờ tác động của chiến thắng Điện Biên Phủ mà tác động trong nội bộ Pháp, khiến phong trào phản chiến của nhân dân Pháp lên cao, làm cho nội bộ của Chính phủ Pháp, Quốc hội Pháp lung lay.. Đó là những thuận lợi, tạo ra một bước ngoặt cho thế và lực của chúng ta trên bàn đàm phán."

Kinh nghiệm lịch sử quý về thế và lực trong quá trình đấu tranh ngoại giao

Sau 70 năm, Hiệp định Geneva với bài học kết hợp, phối hợp nhịp nhàng giữa "tiếng chiêng" ngoại giao với "cái chiêng" là thực lực cách mạng; phối hợp ngoại giao với chính trị, quân sự để "tiếng chiêng" vang xa, chống lại đối phương mạnh hơn vẫn còn nguyên giá trị. PGS.TS Nguyễn Đức Hòa, Trường Đại học Sài Gòn, cho rằng:

"Ý nghĩa, tác động, ảnh hưởng của Hiệp định Geneva vẫn còn rất sâu rộng và chúng ta phải biết phát huy. Thế giới đã biết đến một hình ảnh hào hùng một dân tộc chiến thắng ở Điện Biên Phủ, thì thế giới cũng cần nhìn thấy một đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Như vậy ký ức về sự hào hùng của Điện Biên Phủ không phai mờ trong lòng nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới."

Ngày nay, khi đất nước hòa bình, hội nhập quốc tế sâu rộng thì "cái chiêng" cho công tác đối ngoại chính là thế và lực của đất nước trên trường quốc tế. Căn dặn với ngành ngoại giao, sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: Vị thế trong hoạt động ngoại giao chỉ vững chắc khi có thực lực mạnh. Thực lực quốc gia được hun đúc bằng sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc chứ không phải chỉ có sức mạnh vật chất. Chính uy tín quốc tế mà Việt Nam đã tạo dựng được bằng ý chí chính nghĩa qua các cuộc đấu tranh giải phóng trước đây, bằng những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới hiện nay, và bằng chính truyền thống, bản sắc ngoại giao hòa hiếu Việt Nam - Hồ Chí Minh đã tạo ra cho Việt Nam một vị thế ngoại giao to lớn.

Vì vậy, đối ngoại Việt Nam đã và đang tiếp tục phát huy bài học kết hợp thế và lực trong đàm phán Hiệp định Geneva 70 năm trước trên nền tảng trường phái ngoại giao "cây tre Việt Nam", đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng nhằm hiện thực mục tiêu xây dựng đất nước hùng cường.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu