Bầu cử Tổng thống Mỹ: Còn đó những diễn biến khó lường

Quang Dũng
Chia sẻ
(VOV5) - Theo bà Rina Shah, cựu chiến lược gia của đảng Cộng hoà, sau khi ông Joe Biden rút lui, đảng Dân chủ đã giành lại thế chủ động.

Việc Tổng thống Mỹ, Joe Biden bất ngờ tuyên bố rút khỏi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay đặt đảng Dân chủ vào một tình thế mới, với những hệ luỵ khó dự đoán. Trên bình diện chung, quyết định này khiến cuộc đua vào Nhà Trắng bắt đầu lại từ đầu và còn tiềm ẩn những diễn biến khó lường.

Bầu cử Tổng thống Mỹ: Còn đó những diễn biến khó lường - ảnh 1Từ trái: Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Getty

Tổng thống Mỹ, Joe Biden, hôm 21/07, thông báo ông quyết định rút khỏi cuộc chạy đua tái cử vào cương vị người đứng đầu nước Mỹ, đồng thời tiến cử Phó Tổng thống Mỹ, bà Kamala Harris là người thay thế.

Tình thế mới của đảng Dân chủ

Các phản ứng từ chính giới Mỹ, các học giả tại Mỹ và trên thế giới, cũng như người dân Mỹ cho thấy đa số ủng hộ quyết định rút lui của ông Joe Biden, đánh giá đây là một lựa chọn khó khăn nhưng dũng cảm của đương kim Tổng thống Mỹ trong việc đặt lợi ích của nước Mỹ và đảng Dân chủ lên trên các lợi ích cá nhân. Tuy nhiên, quyết định này cũng đưa đảng Dân chủ và chính trường Mỹ vào một tình thế chưa từng có tiền lệ trong 56 năm qua, kể từ sau sự kiện cựu Tổng thống Lyndon Johnson rút lui khỏi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 1968. Quyết định của ông Joe Biden thậm chí còn tạo ra các tình thế phức tạp hơn, bởi ông Joe Biden đã chiến thắng toàn bộ các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ và chỉ chờ nhận đề cử chính thức của đảng.

Bầu cử Tổng thống Mỹ: Còn đó những diễn biến khó lường - ảnh 2Từ trái: Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Getty

Theo bà Barbara Perry, Giáo sư chuyên nghiên cứu các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ của trường Đại học Virginia (Mỹ), quyết định của ông Joe Biden một phần xuất phát từ lí do cá nhân nhưng phần khác cũng là một tính toán chiến thuật của đảng Dân chủ trong việc đẩy bất lợi về tuổi tác sang phía đối thủ Donald Trump của đảng Cộng hoà: “Tình huống này đến từ việc nước Mỹ có một Tổng thống cao tuổi chưa từng thấy. Tôi nghĩ đó là một phần lí do, thậm chí có thể là lí do chính, dẫn đến việc ông Biden rút lui khỏi cuộc đua. Nhưng tôi cũng cho rằng quyết định này có liên quan đến ông Donald Trump, bởi ông ấy bây giờ là ứng cử viên cao tuổi nhất chạy đua vào ghế Tổng thống Mỹ”.

Đánh giá này tương đồng với lo ngại từ chính một số thành viên đảng Cộng hoà. Theo bà Rina Shah, cựu chiến lược gia của đảng Cộng hoà, sau khi ông Joe Biden rút lui, đảng Dân chủ đã giành lại thế chủ động bởi tạo ra được động lượng mới cho cuộc đua Tổng thống, thu hút được nhiều ủng hộ từ lớp cử tri trẻ tuổi, cử tri da màu, cử tri của các cộng đồng Mỹ la-tinh hay Nam Á, những lực lượng vốn có thiện cảm với bà Kamala Harris. Vì thế, ông Donald Trump sẽ gặp những thách thức mới. Chung quan điểm này, cựu nghị sĩ đảng Cộng hoà của bang Illinois, ông Joe Walsh, cho rằng toàn bộ chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump được xây dựng nhằm đánh bại ông Joe Biden, do đó, sẽ buộc phải nhanh chóng có những thay đổi chiến lược lớn khi đối mặt với đối thủ khác của đảng Dân chủ, mà nhiều khả năng là bà Kamala Harris.

Cơ hội nào cho bà Kamala Harris?

Trong lúc này, làn sóng ủng hộ từ phía đảng Dân chủ và cử tri Mỹ dành cho bà Kamala Harris đang gia tăng. Chỉ trong vòng 24h sau khi nhận sự tiến cử của ông Joe Biden, bà Kamala Harris đã gây quỹ tranh cử được 81 triệu USD, con số gần bằng toàn bộ số tiền ủng hộ mà ông Joe Biden nhận được trong nhiều tháng qua (96 triệu USD). Đặc biệt, đương kim Phó Tổng thống Mỹ nhận được sự ủng hộ công khai của hầu hết những chính trị gia có ảnh hưởng nhất của đảng Dân chủ, trong đó có cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ, bà Nancy Pelosi cùng Thống đốc 4 bang chiến trường ở vùng Trung Tây có vai trò quan trọng trong các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ trước đây, gồm: Illinois, Michigan, Minnesota và Wisconsin. Ngay cả những chính trị gia được xem là đối thủ tiềm năng cạnh tranh suất đề cử chính thức của đảng Dân chủ, như: Gavin Newsom (Thống đốc bang California), Andy Beshear (Thống đốc bang Kentucky), Elizabeth Warren (Thượng nghị sĩ bang Massachusetts), Dick Durbin (Thượng nghị sĩ bang Illinois)… cũng đã tuyên bố ủng hộ bà Kamala Harris.

Theo Giáo sư Mark Shanahan, chuyên gia nghiên cứu chính trị Mỹ tại trường Đại học Surrey (Anh), nhiệm vụ trước mắt quan trọng nhất với bà Kamala Harris là tạo sự đồng thuận lớn trong nội bộ đảng Dân chủ, từ nay cho đến Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ, diễn ra từ 19-22/08 tới tại thành phố Chicago. Chuyên gia này cũng đánh giá bà Kamala Harris có lợi thế vượt trội so với các đối thủ khác để nhận đề cử chính thức của đảng Dân chủ, nhưng cho rằng nếu so với ông Donald Trump, bà Kamala Harris và phe Dân chủ còn quá ít thời gian để hành động: “Khi Lyndon Johnson từ bỏ cuộc đua tái cử Tổng thống Mỹ năm 1968, ông ấy đưa ra quyết định vào tháng 3. Hiện nay đã là cuối tháng 7. Tôi nghĩ đúng ra phải sớm hơn để bà Kamala Harris, hay bất cứ ứng cử viên nào của đảng Dân chủ, có thể tạo dựng được động lượng và có thêm cơ hội đấu lại ông Donald Trump”.

Kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới nhất tại Mỹ cho thấy không có sự thay đổi lớn trong sự ủng hộ của cử tri Mỹ với các ứng cử viên chính của đảng Cộng hoà và Dân chủ sau khi ông Joe Biden rút lui. Cụ thể, dù sự ủng hộ dành cho bà Kamala Harris gia tăng nhưng hiện vẫn kém hơn ông Donald Trump trung bình từ 2-3 điểm.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu