13 năm sau ngày Osama Bin Laden, người đứng đầu tổ chức khủng bố Al Qaeda, bị tiêu diệt, chủ nghĩa khủng bố đang có xu hướng trỗi dậy trong những năm gần đây và tiếp tục là một trong những đe dọa an ninh nghiêm trọng nhất mà thế giới phải đối mặt.
Trung tâm mua sắm và biểu diễn nghệ thuật Crocus City Hall ở ngoại ô Moscow (Nga) chìm trong biển lửa sau khi bị tấn công khủng bố tối 22-3. Ảnh: AP |
Ngày 1/5/2011, sau nhiều năm lẩn trốn, Osama Bin Laden bị lực lượng đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt trong một chiến dịch đột kích chớp nhoáng vào một ngôi làng ở Pakistan.
Việc tiêu diệt Osama Bin Laden là một chiến thắng có ý nghĩa biểu tượng lớn trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố toàn cầu bởi Bin Laden là người sáng lập và đứng đầu Al Qaeda, được cho là tổ chức gây ra vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11/9/2001 tại Mỹ. Vào thời điểm đó, nhiều chuyên gia nhận định cái chết của Osama Bin Laden đánh dấu sự lụi tàn của các mạng lưới khủng bố quốc tế, buộc các mạng lưới này phải thu hẹp hoạt động ở quy mô nhỏ. Tuy nhiên, thực tế đã không diễn ra theo nhận định đó. Khi Al Qaeda suy yếu, một tổ chức khủng bố khác là Nhà nước Hồi giáo – IS đã nhanh chóng nổi lên, tạo ra các mối đe dọa còn lớn Al Qaeda. Ngay cả khi IS bị đánh bại tại Iraq, Syria vào năm 2018, các mạng lưới chân rết của tổ chức này vẫn không bị tiêu diệt hoàn toàn. Các nhánh của IS, trong đó nổi bật là nhánh Afghanistan (IS-K), vẫn tiến hành nhiều vụ tấn công khủng bố gây thiệt hại lớn về sinh mạng tại nhiều quốc gia trong vài năm qua, mới nhất là vụ tấn công vào nhà hát Crocus ở ngoại ô thủ đô Moscow (Nga) hôm 22/3 khiến hơn 140 người thiệt mạng. Trước đó, vào đầu năm nay (03/01), IS-K cũng tiến hành vụ tấn công khủng bố nghiêm trọng nhất tại Iran kể từ năm 1979, khiến 89 người thiệt mạng và hơn 300 người bị thương. Thư ký Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ, John Kirby nhận định: “Rất khó đưa ra các định chất và định lượng về sức mạnh của tổ chức này dựa trên sự kiện vừa diễn ra tại Iran nhưng có thể nói IS-K vẫn là mối đe dọa khủng bố hiện hữu. Và chắc chắn là phần lớn thành viên nhóm này đang ở bên ngoài Afghanistan, vì thế chúng tiếp tục gây ra mối đe dọa khủng bố với người dân Aghanistan và cả khu vực”.
Phó Tổng thư ký Liên hiệp quốc, bà Amina Mohammed. Nguồn: AFP |
Những sự kiện gần đây là minh chứng cho thấy mối đe dọa khủng bố đang quay trở lại là 1 trong những thách thức an ninh lớn nhất đối với các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những quốc gia đang trong tình trạng bất ổn ở Bắc Phi và khu vực cận Sahara. Phó Tổng thư ký Liên hiệp quốc (LHQ), bà Amina Mohammed, cho biết: “Số người thiệt mạng vì chủ nghĩa khủng bố trên thế giới đã lên tới 8.352 người trong năm ngoái, tăng 22% so với năm 2022 và là mức cao nhất kể từ năm 2017. Tâm điểm của chủ nghĩa khủng bố đã dịch chuyển từ Trung Đông sang Bắc Phi, vùng cận Sahara, tập trung đông nhất ở khu vực Sahel”.
Theo Catrina Doxsee, chuyên gia nghiên cứu về các mối đe dọa liên quốc gia tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), bên cạnh sự dịch chuyển của các “điểm nóng” khủng bố, một điểm khác biệt của chủ nghĩa khủng bố hiện nay so với các thập kỷ trước là việc các mối đe dọa khủng bố mang tính địa phương và cá nhân nhiều hơn. Đối với nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia phương Tây, mối đe dọa chính hiện nay đến từ các “con sói đơn độc”, tức các cá nhân hay nhóm đối tượng cực đoan có quy mô nhỏ sinh sống trong nội bộ các nước, chứ không đến từ các tổ chức lớn bên ngoài (Al Qaeda, IS) như trước kia.
Đặc điểm này, một mặt, giúp các nước hạn chế được các vụ khủng bố quy mô lớn nhưng mặt khác, lại khiến việc theo dõi các mối đe dọa trở nên khó hơn. Đặc biệt, các biến động địa chính trị gần đây, nhất là xung đột tại Gaza, khiến nguy cơ các cá nhân bị cực đoan hóa và lôi kéo vào các hành động khủng bố ngày càng lớn hơn. Điều phối viên thường trú của LHQ tại Syria, Adam Abdelmoula, cho biết kể từ khi căng thẳng tại Gaza leo thang, Cơ quan LHQ ở Syria ghi nhận sự gia tăng nhiều lần các lời kêu gọi kích động từ IS về việc tấn công trả thù trên toàn thế giới, bao gồm cả việc tấn công những nước Arab mà IS chỉ trích là đang bảo vệ Israel.
Các nguy cơ về việc gia tăng các hành động khủng bố hoặc cực đoan liên quan đến chiến sự tại Gaza đang ngày càng trở nên rõ rệt hơn tại các nước phương Tây. Tại một số nước, như: Mỹ, Pháp, Anh, phong trào ủng hộ người dân Palestine và phản đối xung đột tại Gaza đang lan rộng trong các trường đại học, tạo nên các tình huống bạo loạn, buộc lực lượng cảnh sát và an ninh các nước phải can thiệp. Theo Matt Jukes, người đứng đầu bộ phận chống khủng bố của cảnh sát Anh, các mối đe doạ khủng bố liên quan đến xung đột tại Gaza đã tăng ít nhất 25% tại Anh. Tại Bỉ, nơi có nhiều cơ quan đầu não của Liên minh châu Âu (EU) và Khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương - NATO, Cơ quan đánh giá các mối đe doạ của Bỉ (OCAD) cho biết số lượng các mối đe doạ khủng bố và cực đoan đã tăng 41% trong năm ngoái.
Theo giới chuyên gia an ninh, các đe doạ về khủng bố trong năm nay nhiều khả năng sẽ còn cao hơn năm ngoái, khi năm nay diễn ra nhiều cuộc bầu cử quan trọng tại nhiều quốc gia và khu vực, như: bầu cử Tổng thống Mỹ, bầu cử Nghị viện châu Âu, bầu cử Ấn Độ, tổng tuyển cử Anh… cũng như nhiều sự kiện thể thao quy mô toàn cầu, như; Olympic Paris tại Pháp, giải vô địch bóng đá châu Âu – EURO 2024 tại Đức. Trong số này, Olympic Paris, diễn ra từ cuối tháng 7, được cho là mục tiêu lớn nhất của các nhóm khủng bố. Theo Bruno Le Ray, người đứng đầu bộ phận an ninh của Olympic Paris, các mối đe doạ khủng bố nhằm vào Olympic Paris gia tăng từng ngày, buộc nhà chức trách Pháp phải đặt yếu tố an ninh là ưu tiên số 1 trong mọi phân đoạn tổ chức, từ việc lựa chọn vật liệu xây dựng các địa điểm thi đấu cho đến việc thiết kế các sự kiện. Sau vụ khủng bố tại Moscow hồi cuối tháng 3, Pháp cũng đã công khai cho biết nước này đã tính đến “phương án B”, tức di dời địa điểm tổ chức khai mạc Olympic từ sông Seine vào trong sân vận động, nếu các điều kiện an ninh không đảm bảo.