Thế giới và mối lo về chủ nghĩa khủng bố

Quang Dũng
Chia sẻ
(VOV5) -  Vụ khủng bố hôm 22/03 tại nhà hát Crocus ở thủ đô Moscow gióng lên hồi chuông cảnh báo cho thấy chủ nghĩa khủng bố vẫn là một trong những mối đe dọa an ninh lớn nhất với nhiều quốc gia.

Tối 22/03, một nhóm khủng bố có vũ trang nổ súng tấn công và ném bom xăng đốt nhà hát Crocus City Hall ở ngoại ô thủ đô Moscow (Nga) vào thời điểm đang có hàng ngàn người tập trung tham dự một buổi biểu diễn âm nhạc, khiến ít nhất 137 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Đây là vụ khủng bố gây thương vong nghiêm trọng nhất tại Nga trong 20 năm qua.

Đoàn kết với người dân Nga

Chỉ ít giờ sau vụ tấn công khủng bố, nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và trực tiếp là nhóm Khorasan, chi nhánh IS ở Afghanistan (ISIS-K), đã nhận trách nhiệm tiến hành vụ việc. Trong vòng 12 tiếng sau vụ khủng bố, giới chức an ninh Nga cũng đã tiến hành chiến dịch truy quét quy mô lớn và bắt giữ 11 nghi phạm, trong đó có 4 kẻ tình nghi trực tiếp xả súng vào đám đông. Tổng thống Nga, Vladimir Putin, tuyên bố sẽ điều tra đến cùng và trừng phạt tất cả những người có liên quan đến vụ tấn công sát hại thường dân Nga. Theo các chuyên gia an ninh quốc tế, việc các nhóm khủng bố, đặc biệt là IS, nhằm mục tiêu vào Nga là điều đã được cảnh báo trước. Nguyên nhân là do chính quyền Nga đã tích cực hỗ trợ Syria tấn công tiêu diệt các lực lượng của IS tại miền Bắc Syria trong các chiến dịch quân sự từ năm 2015, đồng thời ISIS-K đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng kể từ sau khi các mạng lưới của nhóm này tại Afghanistan bị thu hẹp. Trước vụ tấn công tại Nga, ISIS-K cũng là thủ phạm gây ra vụ tấn công khủng bố khiến gần 100 người thiệt mạng tại Iran đầu năm nay. Ngoài ra, hơn 2 tuần trước vụ tấn công hôm 22/03 tại ngoại ô Moscow, giới chức tình báo Mỹ cũng từng phát đi cảnh báo về nguy cơ an ninh nghiêm trọng tại Nga.

Tuy nhiên, dù đã có các cảnh báo, vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại ngoại ô Moscow vẫn khiến cộng đồng quốc tế chấn động bởi hậu quả tàn khốc về nhân mạng. Nhiều quốc gia trên thế giới đã thể hiện sự cảm thông với mất mát của người dân Nga và khẳng định cuộc chiến chống khủng bố là nhiệm vụ chung của nhân loại. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayip Erdogan, tuyên bố: “Chủ nghĩa khủng bố là không thể chấp nhận được, bất kể nó đến từ đâu, ai là người thực hiện. Là quốc gia hiểu rất rõ các hành động đẫm máu của chủ nghĩa khủng bố, chúng tôi chia sẻ nỗi đau của người dân Nga. Chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố, kẻ thù chung của nhân loại”.

Chung quan điểm đó, Tổng thống Nga, Vladimir Putin cũng kêu gọi các quốc gia tách bạch những bất đồng địa chính trị để thực tâm hợp tác cùng nhau nhằm loại bỏ tất cả những hình thái của chủ nghĩa khủng bố quốc tế: “Chúng tôi biết mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố là gì. Chúng tôi trông đợi vào sự hợp tác với tất cả các quốc gia thành thật chia sẻ nỗi đau với chúng tôi và sẵn sàng tham gia vào cuộc chiến chống lại kẻ thù chung là chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Những kẻ khủng bố, những kẻ giết người sẽ phải đối mặt với có 1 số phận duy nhất: sự trừng phạt và lãng quên. Chúng không có tương lai”.

Nguy cơ khủng bố lan rộng

Cuộc tấn công khủng bố tàn bạo tại ngoại ô Moscow cho thấy chủ nghĩa khủng bố vẫn tiếp tục là 1 trong những đe dọa an ninh lớn nhất với nhiều quốc gia trên thế giới, bất chấp việc tổ chức IS đã chịu thiệt hại nghiêm trọng từ sau các chiến dịch truy quét của nhiều quốc gia từ năm 2015. Theo Colin P.Clarke, nhà phân tích chống khủng bố tại Soufan Group, công ty tư vấn an ninh có trụ sở tại Mỹ, dù đã bị đánh bật khỏi Syria, Iraq và cũng bị lực lượng Taliban ở Afghanistan hạn chế hoạt động, nhóm ISIS-K vẫn có khả năng tấn công vào nhiều mục tiêu trên thế giới. Tuy nhiên, do các nước phương Tây thời gian qua siết chặt các biện pháp an ninh và tấn công phủ đầu, ISIS-K ít có cơ hội tấn công các nước phương Tây nên chuyển mục tiêu sang các nước khác, như: Iran, Nga, Pakistan… Mặc dù vậy, nguy cơ an ninh khủng bố với các nước phương Tây vẫn rất cao. Hôm 21/03, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM), Tướng Michael Kurilla, chia sẻ nhận định này trong 1 phiên điều trần trước Ủy ban quân vụ của Hạ viện Mỹ: “ISIS đã trỗi dậy và thực hiện các vụ tấn công tại Iraq và Syria vào đầu năm nay và nguy cơ các cuộc tấn công khủng bố xuất phát từ Afghanistan đang gia tăng. Tôi nhận định ISIS Khorasan vẫn duy trì được năng lực và quyết tâm tấn công các lợi ích của Mỹ và phương Tây ở nước ngoài trong thời gian khoảng 6 tháng tới trong khi có rất ít, thậm chí là không có cảnh báo nào”.

Nhằm ứng phó với các nguy cơ này, một loạt quốc gia phương Tây đang siết chặt các biện pháp an ninh. Ngay sau vụ tấn công khủng bố tại Moscow, nước chủ nhà Olympic năm nay là Pháp đã nâng mức độ cảnh báo an ninh lên mức cao nhất trong thang cảnh báo 3 mức của hệ thống Vigipirate. Theo Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, cơ quan an ninh Pháp đã phá vỡ nhiều âm ưu tấn công khủng bố từ IS trong vài tháng qua nhưng vụ việc vừa xảy ra tại Nga cho thấy mối đe dọa khủng bố tiếp tục đè nặng lên nước Pháp, đặc biệt trong bối cảnh năm nay sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử lễ khai mạc một kỳ Olympic được tổ chức bên ngoài sân vận động.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu