Thế giới xây dựng hệ thống chuyển đổi năng lượng công bằng và bao trùm hơn

Quang Dũng
Chia sẻ
(VOV5) -  Đại hội Năng lượng thế giới lần thứ 26 năm nay có chủ đề “Thiết kế lại năng lượng cho con người và hành tinh”.

Diễn ra từ 22-25/04 tại thành phố Rotterdam (Hà Lan), Đại hội Năng lượng thế giới (WEC) lần thứ 26 tập trung thảo luận những giải pháp xây dựng hệ thống chuyển đổi năng lượng toàn cầu mới xanh hơn, công bằng hơn và bao trùm hơn.

Được tổ chức bởi Hội đồng Năng lượng thế giới, diễn đàn toàn cầu lâu đời nhất trên thế giới về chủ đề năng lượng, ra đời từ cách đây 100 năm (1924), Đại hội Năng lượng thế giới lần thứ 26 năm nay có chủ đề “Thiết kế lại năng lượng cho con người và hành tinh”.

Không có lộ trình chuyển đổi năng lượng duy nhất

Diễn ra vào dịp kỷ niệm 100 năm ra đời Hội đồng Năng lượng thế giới (1924-2024) đồng thời trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng trở thành 1 trong những chủ đề toàn cầu cấp bách nhất, Đại hội Năng lượng thế giới lần thứ 26 (WEC 26) nhận sự quan tâm đặc biệt từ cộng đồng quốc tế. Hơn 7.000 đại biểu tham dự WEC 26, trong đó có hơn 70 Bộ trưởng các quốc gia, hơn 200 lãnh đạo các ngành công nghiệp, các chuyên gia năng lượng, những người làm chính sách, cùng đại diện hàng trăm tập đoàn năng lượng lớn trên thế giới.

Thế giới xây dựng hệ thống chuyển đổi năng lượng công bằng và bao trùm hơn - ảnh 1Ảnh minh họa: TTXVN

Với hơn 60 phiên thảo luận kéo dài trong 4 ngày, WEC 26 tập trung vào 5 chủ đề phục vụ cho việc xây dựng một hệ thống chuyển đổi năng lượng toàn cầu tương lai, gồm: Kết nối các thực tế mới nổi lên trong chuyển đổi năng lượng toàn cầu; Tạo đòn bẩy cho việc kết hợp tốt hơn giữa nguồn năng lượng, giải pháp và dịch vụ; Thúc đẩy cam kết của người dân và cộng đồng để thực hiện chuyển đổi năng lượng toàn cầu; Kết nối an ninh năng lượng với khả năng cung cấp và sự bền vững; Thu hẹp khoảng cách để thúc đẩy chuyển đổi năng lượng nhanh hơn, công bằng hơn, vươn xa hơn.

Theo bà Angela Wilkinson, Tổng thư ký Hội đồng Năng lượng thế giới, thực tế chuyển đổi năng lượng trên thế giới hiện nay rất phức tạp, do các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp có các lợi ích khác nhau.

Do đó, WEC 26 là diễn đàn đối thoại quan trọng để các bên có thể hiểu được những thách thức đang đặt ra và thống nhất được những nhận thức chung: “Không có 1 sự chuyển đổi năng lượng duy nhất. Các khu vực, các quốc gia có điểm xuất phát khác nhau, có các lợi ích, nhu cầu khác nhau nên không có 1 con đường duy nhất cho việc chuyển đổi. Tất cả đều đang gặp khó khăn. Đây không phải là một thách thức đơn giản, hay là việc thay một công nghệ này bằng một công nghệ khác, đây là một sự thay đổi to lớn”.

Thế giới xây dựng hệ thống chuyển đổi năng lượng công bằng và bao trùm hơn - ảnh 2Bà Angela Wilkinson, Tổng thư ký Hội đồng Năng lượng thế giới. Nguồn: petrotimes.vn 

Xuyên suốt các phiên thảo luận, hầu hết các diễn giả đều nhấn mạnh đến tính cấp thiết của việc tích hợp các giải pháp công nghệ mới nhất với các chiến lược tài chính tham vọng hơn để thúc đẩy việc chuyển đổi năng lượng toàn cầu. Đại diện nhiều tập đoàn năng lượng cũng thúc giục các chính phủ đưa ra các chính sách bảo đảm đầu tư lâu dài hơn nhằm kích thích đầu tư tư nhân vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, việc gia tăng đối thoại giữa các tập đoàn năng lượng với các chính phủ cũng là một chủ đề lớn tại WEC. Chủ đề này gây sự chú ý tại WEC 26 khi trong ngày 24/04, Nghị viện châu Âu bỏ phiếu ủng hộ việc Liên minh châu Âu (EU) rút khỏi Hiệp ước Hiến chương năng lượng, với lí do Hiệp ước này bảo vệ lợi ích của nhiều công ty năng lượng và không còn phù hợp với các tham vọng khí hậu của EU. Động thái này dấy lên lo ngại về việc ngày càng có nhiều bất đồng giữa giới hoạch định chính sách công và các tập đoàn năng lượng, vốn có vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi năng lượng toàn cầu.

Rủi ro chính trị với chuyển đổi năng lượng

Là diễn đàn tập trung cho đối thoại về chính sách, công nghệ và các thách thức mới trong lĩnh vực năng lượng nhưng trong bối cảnh biến động địa chính trị trên thế giới, nhiều diễn giả tham dự WEC 26 cũng đã lên tiếng cảnh báo việc các hợp tác năng lượng trên thế giới bị chính trị hóa. Carole Nakhle, Giám đốc điều hành công ty nghiên cứu và tư vấn năng lượng Crystol Energy có trụ sở tại London (Anh), đánh giá vấn đề an ninh năng lượng đang bị xem nhẹ trong các thảo luận về chuyển đổi năng lượng xanh. Cụ thể, theo Carole Nakhle, đang có sự cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia nhằm kiểm soát các nguồn dự trữ khoáng sản quan trọng trên thế giới và các khoáng sản thiết yếu cho việc chuyển đổi năng lượng, như; lithium, nikel, cobalt… ngày càng có xu hướng trở thành công cụ của chủ nghĩa dân tộc, từ đó tạo nên rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng trước các biến động địa chính trị.  

Andy Brogan, chiến lược gia về năng lượng và tài nguyên toàn cầu tại EY Parthenon, công ty tư vấn chiến lược của tập đoàn Ernst&Young, cũng cho rằng an ninh nguồn cung đang là ưu tiên số 1 của các quốc gia: “Trong bộ ba vấn đề lớn của năng lượng là an ninh năng lượng, an ninh nguồn cung và sự bền vững thì an ninh nguồn cung thực sự là vấn đề quan trọng nhất. Các chính phủ hiện nay đều nhận thức được rằng dù có làm bất cứ điều gì thì an ninh nguồn cung vẫn phải giữ vai trò chỉ đạo”.

Thư ký điều hành Tổ chức năng lượng Mỹ latinh (OLADE), ông Andres Rebolledo, cũng chia sẻ nhận định về việc cạnh tranh địa chính trị trên thế giới đang có nguy cơ làm tổn hại đến các nỗ lực toàn cầu chung về chuyển đổi năng lượng. Lấy ví dụ về khu vực Mỹ latinh, nơi chiếm 25% dự trữ thế giới với những khoáng sản thiết yếu cho chuyển đổi năng lượng, ông Andres Rebolledo cho biết các quốc gia trong khu vực đang cảm nhận được áp lực về cạnh tranh địa chính trị giữa các cường quốc, dẫn đến việc e ngại triển khai các dự án hợp tác quy mô lớn với các quốc gia ngoài khu vực nhằm đẩy nhanh việc chuyển đổi năng lượng.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu