Tính đúng đắn của đường lối ngoại giao “Cây tre Việt Nam”

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII của Đảng đến nay, Việt Nam mở rộng, làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, trọng tâm là các nước láng giềng, đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống.

Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thư ký Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) Mathias Cormann, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hôm nay bắt đầu tham dự Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng của OECD, kết hợp một số hoạt động song phương tại Paris, Pháp. Chuyến công tác thể hiện sự chủ động thích ứng của Việt Nam với xu thế chung của thế giới, phục vụ một cách tốt nhất các lợi ích quốc gia - dân tộc. Đồng thời cũng là biểu hiện của đường lối ngoại giao cây tre Việt Nam.

“Ngoại giao cây tre” là trường phái ngoại giao được đúc kết, hình tượng hóa đường lối đối ngoại mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang thực hiện. Trường phái ngoại giao này được xây dựng trên phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Trường phái đối ngoại, ngoại giao đặc sắc và độc đáo

Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 (năm 2016), thuật ngữ “Cây tre Việt Nam” được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập ẩn dụ về đường lối đối ngoại của Việt Nam. Cây tre Việt Nam mềm mại mà cứng cỏi, biết nhu biết cương, biết thời biết thế, biết mình biết người. Đến tháng 12/2021, tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đối ngoại, ngoại giao Việt Nam đã kế thừa và phát huy bản sắc, cội nguồn văn hóa và truyền thống dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, phát triển trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hình thành nên trường phái đối ngoại, ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo, mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam. Đó là vừa kiên định về nguyên tắc, vừa uyển chuyển về sách lược; mềm mại, khôn khéo nhưng cũng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, can trường trước mọi khó khăn, thử thách; đoàn kết, nhân ái nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc”.

Tính đúng đắn của đường lối ngoại giao “Cây tre Việt Nam” - ảnh 1Ảnh minh họa. Nguồn:  dangcongsan.vn

Đến Hội nghị Ngoại giao toàn quốc lần thứ 32, tháng 12/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “tiếp tục đổi mới, xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại, vững mạnh toàn diện, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam".

Hiệu quả không thể phủ nhận

Các hoạt động đối ngoại theo tinh thần “ngoại giao cây tre” đã củng cố vững chắc cục diện đối ngoại  để Việt Nam có môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao hơn nữa vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.

Từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII của Đảng đến nay, Việt Nam mở rộng, làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, trọng tâm là các nước láng giềng, đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống.

Nổi bật là, tháng 12/2023, trong quan hệ với Trung Quốc, hai bên ra Thông cáo chung với 36 thỏa thuận. Hai bên nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì hòa bình và tiến bộ của nhân loại, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế. Với Hoa Kỳ, tháng 9/2023, Việt Nam nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Hoa Kỳ ủng hộ một nước Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng và tự cường.

Về đa phương, Việt Nam tiếp tục chủ động, tích cực tham gia các cơ chế, các diễn đàn khu vực và toàn cầu để vừa thích ứng với các trào lưu, xu thế chung của thế giới, vừa phục vụ một cách tốt nhất các lợi ích quốc gia - dân tộc. Hiện nay mạng lưới các mối quan hệ đối tác của Việt Nam tiếp tục được củng cố và mở rộng, từng bước đi vào chiều sâu, gia tăng điểm đồng, đan xen lợi ích, mà hợp tác với OECD là một ví dụ.

Đối với OECD, tuy không phải thành viên đầy đủ nhưng những năm qua, Việt Nam tích cực tham gia hợp tác trong nhiều lĩnh vực: cải tổ chính sách, xúc tiến đầu tư, quản trị công để thúc đẩy các mục tiêu kinh tế xã hội. Việt Nam và OECD cũng đang tiếp tục triển khai nhiều dự án cụ thể trong Chương trình hành động hợp tác giữa hai bên, trong đó có Báo cáo về chất lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài, Báo cáo kinh tế Việt Nam...Tại Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng 2024 năm nay, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn có các tham luận tại các phiên chính, như: Phiên họp kỷ niệm 10 năm Chương trình Đông Nam Á của OECD, Phiên họp về Thúc đẩy kinh tế bền vững và bao trùm.

Trong một thế giới có nhiều sự chia rẽ, xung đột, với việc triển khai trường phái ngoại giao “Cây tre Việt Nam”, Việt Nam tiếp tục khẳng định là một đối tác tin cậy, có trách nhiệm để cùng xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu