Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF), hôm 10/10, công bố Báo cáo cho thấy quần thể các loài động vật hoang dã trên thế giới đã suy giảm đến 73% trong hơn 50 năm qua. Giới chuyên gia cảnh báo với tốc độ suy giảm đa dạng sinh học như hiện nay, nhân loại đang ngày càng tiến gần đến các điểm đổ vỡ, với các hậu quả nghiêm trọng về môi trường và kinh tế-xã hội.
Quần thể các loài động vật hoang dã trên thế giới đã suy giảm đến 73% trong hơn 50 năm qua. Ảnh: Alamy |
Trong báo cáo mang tên “Hành tinh sống 2024”, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) nêu rõ kể từ năm 1970 đến nay, quần thể các loài động vật hoang dã thuộc động vật có vú, chim, lưỡng cư, bò sát và cá trên toàn cầu đã giảm 73%. Chỉ số Hành tinh sống (LPI), dựa trên bộ dữ liệu bao gồm 35.000 quần thể của hơn 5.000 loài, cho thấy sự suy giảm đa dạng sinh học diễn ra với tốc độ chóng mặt và có quy mô chưa từng thấy.
Bà Inger Andersen, Giám đốc điều hành Cơ quan Môi trường LHQ (UNEP). Ảnh: UNEP |
Chuyên gia Carlos Mauricio Herrera, Giám đốc bảo tồn của Văn phòng WWF tại Colombia, quốc gia sắp tổ chức Hội nghị lần thứ 16 Các bên tham gia Công ước Liên hiệp quốc (LHQ) về đa dạng sinh học - COP16, dự kiến diễn ra từ ngày 21/10 đến 01/11 tại thành phố Cali, đánh giá bản báo cáo chỉ ra mức độ “thảm hoạ” của thực trạng đa dạng sinh học hiện nay trên thế giới. “Các khu vực chịu mất mát đa dạng sinh học lớn nhất là các khu vực có mức độ đa dạng sinh học cao nhất, bởi các khu vực này có nhiều loài, với quần thể lớn hơn. Cũng có các khu vực mà sự suy giảm đa dạng sinh học tạo ra sức ép rất lớn, như châu Á và châu Đại dương suy giảm 60%, châu Phi giảm 76%, tập trung chủ yếu quanh lưu vực sông Congo. Tại Mỹ la tinh và Caribe, sự suy giảm lên tới 95% trong các quần thể được phân tích”.
Không chỉ mất mát lớn về số lượng, sự suy giảm đa dạng sinh học còn thể hiện ở tốc độ biến mất, thậm chí tiến gần đến ngưỡng tuyệt chủng, của một số loài vật được xem là biểu tượng của các hệ sinh thái, như: cá heo hồng sông Amazon, giảm tới 60%. Voi châu Á hay rùa biển (đồi mồi) ở Rặng san hô lớn Australia cũng giảm từ 50-60%.
Ở một số khu vực có nền kinh tế phát triển và thiên nhiên được bảo vệ tốt hơn, như: châu Âu, Bắc Mỹ, số lượng các loài động, thực vật hoang dã trong nửa thế kỷ qua cũng ở mức cao là 35 đến 39%. Chuyên gia Robin Freeman, thuộc Hiệp hội Động vật học London (ZSL), thành viên tham gia xây dựng Báo cáo, cho biết báo cáo năm nay là tập hợp các dữ liệu đầy đủ nhất mà WWF từng thu thập được và thực trạng suy giảm đa dạng sinh học này là lời cảnh báo rằng nhân loại đang ngày càng tiến gần hơn đến các điểm đổ vỡ, tức tình trạng một hệ sinh thái bị biến đổi đến mức không thể hồi phục lại và từ đó gây ra các hậu quả nghiêm trọng về môi trường và đời sống kinh tế-xã hội cho các cộng đồng.
Báo cáo của WWF nêu rõ nguyên nhân chủ yếu đe doạ đa dạng sinh học trên thế giới là các hoạt động của con người, như: phá hủy môi trường sống, khai thác quá mức. Một báo cáo của LHQ vào cuối năm ngoái cho biết mỗi năm thế giới chi ra đến 7.000 tỷ USD cho các hoạt động kinh tế tác động tiêu cực đến thiên nhiên, cả trực tiếp và gián tiếp. Ngoài ra, việc xuất hiện các loài xâm lấn, bệnh dịch, ô nhiễm cũng là những yếu tố dẫn đến tình trạng suy giảm đa dạng sinh học.
Một điểm rất đáng chú ý khác, theo chuyên gia Robin Freeman, đó là mức độ tác động ngày càng rõ rệt hơn của biến đổi khí hậu đối với sự suy giảm đa dạng sinh học.
“Những mối đe dọa đối với các hệ sinh thái này, như mất hoặc suy giảm môi trường sống hay việc bị khai thác quá mức cũng phần nào đó bị tác động của biến đổi khí hậu. Điều này ít khi được ghi nhận nhưng dường như đang ngày càng trở thành mối đe dọa lớn hơn. Việc kết hợp giữa biến đổi khí hậu, mất môi trường sống và mất đa dạng sinh học là những điều cần phải ưu tiên hàng đầu bởi đây là vấn đề đan xen, cần phải xử lý cùng nhau”.
Được công bố ngay trước thềm COP16 tại Cali, Colombia, Báo cáo của WWF về thực trạng đa dạng sinh học trên thế giới chắc chắn sẽ làm nóng các cuộc thảo luận tại COP16. Theo ông Daudi Sumba, Giám đốc phụ trách vấn đề bảo tồn của WWF, báo cáo của tổ chức này không chỉ là về động vật hoang dã mà còn là về các hệ sinh thái thiết yếu duy trì sự sống của con người. Chuyên gia này cảnh báo những thay đổi tiêu cực về đa dạng sinh học có thể không thể đảo ngược và gây ra những hậu quả tàn khốc cho nhân loại, ví dụ, nạn phá rừng ở Amazon có thể chuyển hệ sinh thái quan trọng này từ bể chứa carbon sang nguồn phát thải carbon. Trong khi đó, Yann Laurans, chuyên gia của WWF Pháp, lưu ý con người đã làm cạn kiệt 40% sinh khối của các đại dương. Sự suy giảm lớn nhất được ghi nhận ở quần thể các loài nước ngọt, tiếp theo là các loài động vật có xương sống trên cạn và dưới biển và thực trạng này đe doạ sinh kế của hàng trăm triệu người sống trên các khu vực ven biển trên thế giới vốn phụ thuộc hoàn toàn vào việc khai thác tài nguyên biển.
Vấn đề đặt ra đối với cộng đồng quốc tế là phải nhanh chóng hành động trước thực trạng mang tính thảm hoạ về mất mát đa dạng sinh học đã được cảnh báo từ nhiều năm qua. Tại COP15, tổ chức tại Montreal (Canada) năm 2022, các quốc gia đặt mục tiêu huy động được 700 tỷ USD/năm vào năm 2030 để tài trợ cho các hoạt động bảo tồn và phục hồi đa dạng sinh học trên thế giới. Tuy nhiên, cho đến nay mục tiêu này vẫn rất xa vời. Bà Inger Andersen, Giám đốc điều hành Cơ quan Môi trường LHQ (UNEP), cho biết: “Chúng ta cần 1 cú hích chính trị lớn cho thiên nhiên. Khung hành động cần phải đi cùng với một gói mục tiêu tham vọng để hướng các hành động vì thiên nhiên vượt khỏi phạm vi môi trường. Chỉ có cách gắn tất cả các lĩnh vực, các công ty, các nhà đầu tư và các cá nhân có tác động hoặc phụ thuộc vào thiên nhiên vào khung hành động thì chúng ta mới có thể xử lý những vấn đề chính về việc mất mát tự nhiên”.
Theo Bộ trưởng Môi trường Colombia, Susana Mohamad, tại COP16 sắp tới Colombia sẽ vận động các quốc gia và tổ chức ký kết một Cam kết thống nhất về khí hậu và đa dạng sinh học, qua đó thống nhất được các nỗ lực bảo vệ thiên nhiên với chống biến đổi khí hậu.
Cam kết thống nhất này sẽ giúp vấn đề đa dạng sinh học không bị lu mờ và tách rời khỏi các vấn đề khác có liên quan, đồng thời tránh tính trạng chia rẽ hiện nay khi LHQ có 3 Công ước riêng về Môi trường, Đa dạng sinh học và sa mạc hoá.