Thế giới và các thách thức trong cuộc chiến giảm nghèo

Quang Dũng
Chia sẻ
(VOV5) - Theo các chuyên gia, thế giới có thể phải mất hơn 3 thập kỷ nữa mới có thể xóa bỏ được tình trạng nghèo cùng cực và hơn 1 thế kỷ để xóa bỏ tình trạng nghèo.

Ngân hàng thế giới (WB) hôm 15/10 công bố báo cáo cho thấy chiến tranh, nợ nần, khủng hoảng khí hậu và đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến cuộc chiến chống đói nghèo trên toàn thế giới. Theo các chuyên gia, thế giới có thể phải mất hơn 3 thập kỷ nữa mới có thể xóa bỏ được tình trạng nghèo cùng cực và hơn 1 thế kỷ để xóa bỏ tình trạng nghèo.

Thế giới và các thách thức trong cuộc chiến giảm nghèo - ảnh 1Tình hình xung đột khiến hàng nghìn người dân Syria phải sinh sống tạm bợ trong các trại tị nạn. Ảnh: Getty Images

Báo cáo mang tên “Nghèo, Thịnh vượng và Hành tinh” của WB chỉ rõ mặc dù tỷ lệ dân số nghèo cùng cực trên thế giới đã giảm từ mức 38% năm 1990 xuống còn 8,5% dân số thế giới vào năm 2024 nhưng tốc độ giảm nghèo cùng cực đã chững lại kể từ năm 2019. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là chiến tranh, xung đột gia tăng tại nhiều nơi, nợ quốc gia của nhiều nước tăng cao, khủng hoảng khí hậu ngày càng gây ra nhiều hậu quả nặng nề và đại dịch Covid-19 phá huỷ thành quả tiến bộ trong nhiều năm của nhiều quốc gia, cộng đồng. Ông Axel van Trotsenburg, Giám đốc điều hành cấp cao WB, cho biết gần 700 triệu người trên thế giới hiện đang trong tình trạng nghèo cùng cực, tức sống với mức ít hơn 2,15 USD/ngày theo tiêu chuẩn của LHQ và tập trung chủ yếu ở các quốc gia có lịch sử tăng trưởng kinh tế thấp và ổn định chính trị không cao, phần lớn là tại khu vực Nam Sahara ở châu Phi.

Với tốc độ giảm nghèo chững lại như hiện nay, đến năm 2030, thế giới sẽ chỉ hạ được tỷ lệ nghèo cùng cực xuống mức 7,3% dân số thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc thế giới sẽ thất bại trong việc đạt được một trong những mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) quan trọng nhất theo Nghị trình 2030 của LHQ. Cũng theo tính toán của WB, với tốc độ giảm nghèo hiện nay, thế giới sẽ phải mất hơn 3 thập kỷ mới đạt được mục tiêu xoá bỏ nghèo cùng cực. Theo Axel van Trotsenburg, thực trạng hiện nay cho thấy các cách tiếp cận truyền thống trong việc xoá bỏ nghèo cùng cực đã thất bại và thế giới cần có những thay đổi chiến lược căn bản để tạo lực đẩy mới cho cuộc chiến  này. Chủ tịch WB, ông Ajay Banga, cũng thừa nhận cần“Chúng ta đang ở ngã tư đường. Liệu chúng ta có chấp nhận nguyên trạng, nơi tương lai của hàng triệu người bị mắc kẹt trong nghèo đói, hay nắm bắt cơ hội để giải phóng tiềm năng của các cộng đồng và dân cư trẻ, hướng tới một thời kỳ thịnh vượng và tiến bộ? Đó là vấn đề lớn”.

Về lâu dài, WB cũng tính toán có thể phải mất hơn 100 năm thế giới mới có thể xoá bỏ được tình trạng nghèo, tức những người có thu nhập thường nhật dưới 6,85 USD/ngày. Hiện tại, đây là tiêu chuẩn mà WB đặt ra để xác định tiêu chí nghèo ở các nền kinh tế có thu nhập trung bình cao, tức có mức thu nhập bình quân đầu người từ 4.466 USD đến 13.845 USD/năm. Theo các số liệu của nhiều tổ chức, trong đó có LHQ, WB, hiện khoảng 3,5 tỷ người, tức một nửa dân số thế giới, đang sống với thu nhập thấp hơn 6,85 USD/ngày và với tốc độ tăng dân số thế giới trong những năm qua, số lượng người nghèo theo tiêu chuẩn này hầu như không thay đổi kể từ năm 1990.

Điều đáng ngại khác, theo báo cáo của WB, là thế giới cũng đang ghi nhận rất ít tiến bộ trong các mục tiêu phát triển khác để qua đó có thể giảm thiểu sự bất bình đẳng. Mặc dù số lượng quốc gia có khoảng cách chênh lệch giàu-nghèo lớn, theo các tiêu chuẩn của WB, đã giảm từ 66 xuống 49 quốc gia trong 1 thập kỷ qua nhưng tỷ lệ dân số phải sống trong các quốc gia có mức độ bất bình đẳng cao vẫn không thay đổi, hiện ở mức 22%, tập trung chủ yếu tại các quốc gia ở Mỹ la-tinh, Caribe và nam Sahara. Theo Max Lawson, người đứng đầu bộ phận chính sách bất bình đẳng của tổ chức Oxfam, các số liệu của WB không gây ngạc nhiên bởi hiện nay 1% người giàu nhất thế giới sở hữu tài sản nhiều hơn 95% người nghèo nhất. Do đó, việc phải mất hàng thế kỷ mới có thể chấm dứt tình trạng nghèo là điều dễ hiểu.

Thế giới và các thách thức trong cuộc chiến giảm nghèo - ảnh 2Ông Ajay Banga, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới. Ảnh: Bloomberg

Được công bố ngay trước Ngày quốc tế xoá nghèo (17/10) của Liên hiệp quốc (LHQ), báo cáo của WB cho thấy các thách thức lớn mà thế giới phải đối mặt trong cuộc chiến xóa nghèo, không chỉ về chiến lược hành động mà còn về tư duy, nhận thức. Trong thông điệp gửi đi hôm 14/10, Tổng thư ký LHQ, Antonio Guterres nhấn mạnh việc LHQ chọn chủ đề cho Ngày quốc tế xoá nghèo năm nay là “Chấm dứt sự ngược đãi về mặt xã hội và thể chế, hành động cùng nhau vì xã hội công bằng, hòa bình và toàn diện”, với mục đích kêu gọi và thúc giục các chính phủ, tổ chức cải cách các thể chế và hệ thống xã hội nhằm giúp người nghèo tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ an sinh-xã hội thiết yếu, đồng thời thúc đẩy tiến bộ xã hội, trong đó. Theo bà Nyaradzayi Gumbonzvanda, trợ lý TTK, Phó Giám đốc điều hành Cơ quan LHQ vì Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women), việc điều chỉnh các chính sách có tác động lớn đến hiệu quả cuộc chiến xóa nghèo. “Việc thực thi một gói chính sách gia tăng bảo trợ xã hội có thể giúp giảm tình trạng nghèo cùng cực cho 150 triệu phụ nữ vào năm 2050. Thu hẹp khoảng cách giới trong lĩnh vực sản xuất trang trại và trong việc trả lương ở các hệ thống lương thực có thể tăng thu nhập của phụ nữ nông thôn và tăng GDP toàn cầu lên gần 1 ngàn tỷ USD”.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu