Trong xu thế giao lưu hội nhập với quốc tế, nhiều loại hình sân khấu của Việt Nam đã được các nghệ sĩ Việt tìm cách làm mới, tìm tòi những sáng tạo mới thu hút khán giả. Ở chiều ngược lại, nhiều hình thức thể hiện khác của nghệ thuật sân khấu thế giới cũng được các đạo diễn nước ngoài thực hiện trên các sân khấu hợp tác với Việt Nam, từ cầu nối là các trung tâm văn hóa của các nước có nền nghệ thuật phát triển như Pháp, Đức, Anh vv...
Gần đây nhất, có thể kể đến câu chuyện kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật để làm mới sân khấu, như nhạc kịch và kể chuyện qua tranh vẽ, ngâm thơ…từ những tác phẩm văn học kinh điển của thế giới, do Viện Pháp tại Việt Nam khởi xướng và mời các đạo diễn Pháp thực hiện.
Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Kim Phượng:
Tại Hà Nội, khán giả vừa được thưởng thức tác phẩm “Hoàng tử bé” phiên bản giao hưởng kết hợp hội họa, kể chuyện cùng hiệu ứng công nghệ, chuyển thể từ truyện Hoàng tử bé nổi tiếng của Saint Exupery . Cách đây hai năm, tại sân khấu của Viện Pháp (Hà Nội), nhạc kịch “Chuyện người lính” cũng ra mắt khán giả với phiên bản kết hợp nhiều phương thức biểu đạt khác nhau như âm nhạc thính phòng, DJ, kịch nghệ và nghệ thuật thị giác.
Trình diễn âm nhạc - kể chuyện - tranh minh họa Hoàng tử bé trên sân khấu Nhà hát lớn - Ảnh chụp màn hình từ Đài phát thanh truyền hình Hà Nội. |
Với thời lượng 55 phút, buổi trình diễn âm nhạc “Hoàng tử bé” bao gồm phần biểu diễn của Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng người Pháp Marc Oliver Dupin; phần tranh minh họa được vẽ với phong cách hài hước, dí dỏm của họa sĩ Joann Sfar và phần dẫn chuyện, kể chuyện của diễn viên Hứa Thanh Tú.
Đáng lưu ý, phần âm nhạc do chính nhạc trưởng Monsieur Marc Oliver Dupin viết lời. Thai nghén một bản giao hưởng về Hoàng tử bé từ năm 2015, sau gần 10 năm, ông mới có cơ hội được giới thiệu tác phẩm này đến công chúng. Không cố gắng đưa toàn bộ nội dung tác phẩm văn học “Hoàng tử bé” lên sân khấu, phiên bản nhạc giao hưởng là sự chọn lọc, khai thác một số đoạn trích trong nguyên tác văn học: "Cái khó là khi chọn một số trích đoạn thì tôi phải kết hợp chúng lại với nhau một cách nhuần nhuyễn, hợp lý để có thể chuyển tải thông điệp tới người xem. Tôi tin tưởng rằng bất cứ tác phẩm văn học nào cũng có thể chuyển thể sang âm nhạc, nếu mình có sự đồng cảm và chia sẻ."
Vở diễn sân khấu mang lại nhiều điều mới lạ, khi người diễn viên tham gia chỉ trong vai trò người dẫn chuyện, kể chuyện, còn nội dung câu chuyện sẽ được gợi mở, bồi đắp bằng hình ảnh, bằng âm nhạc, khiến câu chuyện sân khấu có thể được khán giả liên tưởng ở nhiều chiều kích khác nhau.
Trước đó, năm 2021, nhạc kịch “Chuyện người lính” do nhà soạn nhạc người Pháp gốc Nga vĩ đại Igor Stravinsky do Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia Việt Nam và Xưởng kịch và nghệ thuật ATH giới thiệu có thể xem là một phiên bản cách tân nhạc cổ điển. Vở nhạc kịch mang đến cho người xem nhiều điều mới mẻ, không chỉ có các diễn viên thể hiện trên sân khấu mà có những hình ảnh minh họa chuyển động cùng người dẫn chuyện, trong vai trò kết nối, dẫn dắt.
Nhạc kịch Chuyện người lính với Nhạc trưởng Honna Tetsuji và các nghệ sĩ Nhà hát nhạc Giao hưởng, sân khấu kịch ATH. - Ảnh: P.H |
Các thể loại nhạc jazz, valse, tango… kết hợp nhuần nhuyễn khiến cho khán giả không bị nhàm chán. Ông Trịnh Tùng Linh-Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam cho rằng: “Chuyện người lính” có thể xem là một phiên bản mang tính cách tân, một hành trình đầy tính thể nghiệm nơi nhạc cổ điển, DJ, kịch nghệ và nghệ thuật thị giác cùng nhau dung hợp trong một sáng tạo mà từ trước đến nay chưa từng có: "Trước nay, nhạc cổ điển là một loại hình âm nhạc kén khán giả. Chúng ta cần có sự thay đổi sao cho loại hình âm nhạc này có sức hút đối với công chúng, bằng cách vẫn giữ nguyên cốt cách của nhạc cổ điển nhưng hình thức biểu diễn có thể thay đổi. Trước đây, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam đã có rất nhiều chương trình kết hợp với các hình thức trình diễn khác nhau. Có những tác phẩm phải được làm mới để gần gũi hơn với khán giả”.
Nhạc kịch là một thể loại sân khấu đa ngành, kết hợp nhiều hình thức biểu diễn. Với hai chương trình trình diễn âm nhạc “Chuyện người lính” và “Hoàng tử bé”, khán giả đã được trải nghiệm một cách kể- diễn xuất khá mới mẻ nhưng cũng rất khó và phức tạp khi kết hợp nhạc sống và hình ảnh minh họa cùng lúc. Nó không chỉ là kết quả của sự gặp gỡ của một nhà văn và nhà soạn nhạc mà còn là sự kết hợp của nhiều loại hình nghệ thuật: hội họa, âm nhạc, kịch…
Đạo diễn người Pháp Marcelino Martin Valiente, Giám đốc nghệ thuật của tác phẩm nhạc kịch “Chuyện người lính” lưu ý: "Sự kết hợp độc đáo và đầy sáng tạo giữa các loại hình nghệ thuật (hình họa, DJ, kịch…) đã khiến một tác phẩm cũ trở nên hết sức đương đại và hoàn hảo. Tuy vậy cũng cần lưu ý việc trộn lẫn các loại hình nghệ thuật khác nhau trên sân khấu không phải lúc nào cũng thú vị. Bởi lẽ, đạo diễn phải tôn trọng đặc điểm riêng của từng loại hình thay vì tư duy mang tính cơ học trong việc sắp xếp chúng cạnh nhau để thành một tác phẩm”.
Những chương trình nghệ thuật kết hợp nhiều loại hình là cơ hội để khán giả được chiêm ngưỡng, thưởng thức tác phẩm nghệ thuật, góp phần làm phong phú hơn đời sống sân khấu trong nước; tạo cảm hứng cho các nghệ sĩ Việt Nam có thể sáng tạo các tác phẩm mới dựa trên những tác phẩm văn học kinh điển, góp phần phát huy sự đa dạng, hấp dẫn trong nghệ thuật trình diễn sân khấu hiện đại.