Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng PTV Thành Tuấn:
Khá lâu rồi Nhà hát kịch sân khấu nhỏ (sân khấu 5B, tại số 5B Võ Văn Tần, Q.3, TPHCM) mới lại ra mắt một vở chính kịch “Ái tình ngoài hôn nhân” với 2 suất diễn đầu tiên vào ngày 28-6 và 2-7.
Những khó khăn để thích ứng và tồn tại trong một đời sống nghệ thuật mà thị hiếu khán giả đã có những thay đổi lớn là một lý do đáng kể cho sự thiếu vắng đó.
NSUT Mỹ Uyên chia sẻ thêm về thách thức với nhà hát 5B khi lựa chọn làm vở chính kịch này: "Khi quay lại làm là một thách thức rất lớn. Bởi vì thực sự dòng chính luận rất kén với khán giả ngày hôm nay. Đa số ở phòng vé người ta hỏi người bán vé là kịch có vui không? Khi chúng tôi chọn một kịch bản văn học như thế này, là một sự thử thách liều mình. Nhưng tôi nghĩ: Không làm thì ai sẽ làm đây? Và trong đó còn có khán giả trẻ. Tôi muốn khán giả trẻ phải xem, không chỉ xem câu chuyện, mà còn xem nghệ thuật biểu diễn trực tiếp là cái gì, văn học là gì, từ sách văn học đi ra nghệ thuật biểu diễn như thế nào."
Độ mở của trải nghiệm
Có lẽ cũng bởi thế, nhiều khán giả quen thuộc nhìn thấy từ việc nhà hát 5B dựng vở chính kịch trước hết là một sự lựa chọn dũng cảm, bên cạnh đó là cảm nhận hẳn nhà hát đã có sự tự tin nhất định khi chọn được một kịch bản chắc tay.
Vợ chồng Hoàng (Trọng Hiếu) và Ngọc (NSUT Mỹ Uyên) trong một tranh luận gay gắt về trách nhiệm và bổn phận của mỗi người trong gia đình - Ảnh: D.K.T |
Những nhận định ban đầu ấy đã có câu trả lời khi từng hồi, từng cảnh của vở diễn trải ra trước mắt khán giả. Mở đầu và khép lại với những tiếng tích tắc không thôi của đồng hồ, “những âm thanh nhắc người ta về nghĩa vụ, trách nhiệm” như thông điệp được các nhân vật đôi lần nhắc lại. Và hẳn những tiếng tích tắc đều đặn không dứt đó, vừa kiên nhẫn, bền bỉ, nhưng cũng có khi nhàm chán, mệt mỏi này còn tích tắc mãi trong lòng người xem.
Chiếc đồng hồ là một biểu tượng mang tính ước lệ của vở kịch. Nó là một “vai diễn” độc đáo xuyên suốt, không chỉ ở dạng thức một mô hình đồng hồ có thật trên sân khấu, mà còn hiện thân trong nhân vật ông “đồ hồng” (nói lái chữ “đồng hồ”). Có lúc nó nguyên vẹn, tròn đầy, có lúc mất đi một mảnh, hai mảnh, có lúc lại chẳng còn gì ngoài một khuôn tròn màu trắng như muốn xóa đi mọi nghĩa vụ, trách nhiệm khi ở trong ngôi nhà của Yến (bạn Ngọc).
Nhưng đó chỉ là một trong số nhiều yếu tố ước lệ mà sân khấu 5B đưa vào vở Ái tình ngoài hôn nhân. Như những chia sẻ khi khép lại vở diễn, NSUT Mỹ Uyên tâm sự chị muốn mang lại vào kịch những gì từng một thời là đặc trưng của sân khấu, tạo nên sức hấp dẫn riêng biệt của loại hình này bởi những hàm ý sâu xa, rộng mở và cũng rất tự do với người xem.
Ngọc và Phát (nghệ sĩ Quốc Thịnh) trong cuộc hẹn hò của ái tình ngoài hôn nhân giữa hai người - Ảnh: D.K.T |
Đó là nửa vòng bánh răng và khung hình trục răng cưa treo trên cao, những màn vũ đạo ngắn đan xen để “nói thay” nhân vật nỗi lòng và tâm trạng không dễ biểu đạt bằng lời, những động tác đầy ước lệ của cô Ngọc khi chuẩn bị bữa cơm cho gia đình, những chiếc bàn, ghế cũng thoát khỏi yêu cầu “tả thực” như các vở kịch sinh hoạt thông thường - để trở về đơn giản và cô đọng theo cách là những đạo cụ đầy ước lệ trên sân khấu. Sự thú vị ở những ước lệ này là khán giả phải/được tưởng tượng nhiều hơn, và tùy kinh nghiệm, trải nghiệm của mỗi người để cảm thấy đạo cụ đó theo họ sẽ như thế nào.
Một chi tiết thú vị nữa ở vở diễn này là người ta không biết các nhân vật của mình làm nghề gì. Bởi chuyện đó rốt cuộc có quan trọng gì đâu. Những xung đột, khổ đau và giằng xé của họ đã có từ muôn đời và ở mọi giai tầng trong xã hội. Những thêm thắt yếu tố thời đại như điện thoại, Internet… rốt cuộc cũng chỉ là sự khéo léo đan cài của tác giả kịch bản Lê Thu Hạnh để những khán giả đang xem thấy nó dường như là chuyện của hôm nay, chuyện đang xảy ra với mình, từ đó dễ kết nối hơn.
Làm mới một chuyện không mới
NSUT Mỹ Uyên chia sẻ thêm về những ý tưởng thể nghiệm trong vở diễn: Chúng tôi phải đi từ kịch bản, lựa kịch bản mang tính chất phải không kể sinh hoạt đời thường, cũng không nghĩ rằng những câu thoại triết lý, mà làm nó đi vào tâm lý của con người, khán giả ngồi xem thì thấy mình trong đó . Thể nghiệm từ nội dung. Và thể nghiệm ngay cả phong cách diễn. Những ngày đầu chúng tôi đã được học các thầy cô, những bậc tiền bối, thì chúng tôi phải đặt mục tiêu phải làm tốt hơn, mới hơn, hiện đại hơn, mang hơi thở bây giờ hơn.
Phát, Sương (ngồi quay lưng, vợ Phát, do NSUT Hạnh Thúy thủ vai), và Hoàng trong cuộc đối mặt "tay ba" khi Hoàng tìm tới nhà Phát tính "hỏi chuyện" kẻ đã khiến Hoàng bị "cắm sừng" - Ảnh: D.K.T |
Ái tình ngoài hôn nhân - bản thân tên vở kịch đã cho người ta biết ngay nội dung của nó: một chuyện không hề mới, nếu không muốn nói đó là rắc rối muôn thuở của loài người.
Kể một chuyện không mới nhưng bằng cách thức mới với những nhấn nhá ước lệ vừa đủ, không khiến người xem bối rối với những biểu tượng hay cách điệu, đó là một nỗ lực thành công của hai đạo diễn Mỹ Uyên và Quốc Thịnh.
Kịch bản với những câu thoại chắt lọc, khơi dậy nhiều cảm xúc, thậm chí là đánh động tâm can và suy ngẫm ở người xem là một ưu điểm lớn thứ hai của vở kịch.
Và điểm thứ ba, sự góp mặt của những nghệ sĩ dày dặn kinh nghiệm như NSƯT Mỹ Uyên, NSƯT Hạnh Thúy, nghệ sĩ Quốc Thịnh, đặc biệt là sự trở lại sân khấu sau 15 năm của nghệ sĩ Trần Trọng Hiếu đã khiến các vai chính như Ngọc, Phát, Hoàng đã được xử lý chắc tay, tạo được dấu ấn.
Sau vở diễn, nghệ sĩ Trần Trọng Hiếu chia sẻ về lần trở lại với sân khấu nhiều cảm xúc của mình: Tôi xa sân khấu lâu lắm rồi, mười mấy năm. Sự thôi thúc từ việc mình xuất thân là diễn viên sân khấu. Hai là kịch bản của chị Lê Thu Hạnh quá hay, từ câu thoại, vâu văn trau chuốt , rất nhiều ý tứ và nhiều ẩn dụ nên thoại cảm giác rất sướng. Thứ ba nữa là muốn đồng hành với Mỹ Uyên một lần. Đây là động lực để cho lần quay trở lại này mình xác định đây là chơi nghề, vì mình làm như thế này không vì kinh tế mà đây là nghệ thuật. Khi thoại với kịch bản này, tôi có cảm giác tác giả kịch bản Lê Thu Hạnh viết nhân vật ông Hoàng giống như dành cho mình
Cũng có người cho rằng sự chuyển biến tâm lý và hành động của nhân vật Ngọc (NSƯT Mỹ Uyên) dường như quá nhanh, chưa nhiều các tình tiết biến cố đủ sức thuyết phục. Song có lẽ khi nghĩ về tính ước lệ của vở diễn, nhớ lại màn vũ đạo bủa vây của những giằng xé trách nghiệm, nghĩa vụ cuả Ngọc, người ta sẽ thấy được sự nối kết hợp lý hơn của những biến chuyển có thể bị cho là đột ngột nếu ta “đo” theo cách tả thực thông thường.
Ái tình ngoài hôn nhân không nhiều kịch tính, nếu không muốn nói là dường như ai cũng đoán được rồi câu chuyện sẽ phải diễn ra như thế, như thế. Cho nên cảm xúc từ lời thoại, từ suy ngẫm về những thông điệp hàm chứa sau những biểu tượng, ước lệ mới là “dư vị” đặc biệt với khán giả khi sàn diễn khép lại.
Các diễn viên chụp hình sau khi kết thúc vở diễn Ái tình ngoài hôn nhân tối 2-7 - Ảnh: D.K.T |
NSUT Mỹ Uyên chia sẻ về những điều mà các khán giả vừa chia sẻ với chị sau đêm diễn 2-7: "Suất diễn vừa xong thì khán giả trẻ lên ôm nói là: hay quá cô ơi, hay quá chị ơi...em mê mẩn em xem mà em chưa kịp lấy điện thoại thu âm lại lời thoại. Các bạn trẻ thấy những câu thoại trí tuệ, hay, thấm sâu vào tâm trí của các bạn... Có bạn nói rằng em coi cái này xong rồi em mới thầy em cần về ăn cơm với mẹ em. Người trẻ đã thấy được điều đó thì chúng tôi rất là vui"
Hãy nâng niu tổ ấm của mình
Vở kịch kết thúc với một tiếng gọi đau đớn, tha thiết “Ngọc ơi” của Hoàng (nghệ sĩ Trọng Hiếu) rõ ràng vẫn là cái kết còn để ngỏ. Họ có thể tha thứ cho nhau không, có thể hàn gắn hạnh phúc gia đình sau những đổ vỡ lớn lao đó không, không ai biết. Nhưng có lẽ trong lòng, mỗi khán giả có thể đã tự biết câu trả lời cho vấn đề của riêng mình, cho chính tổ ấm của mình nếu không muốn rơi vào tình huống đầy éo le như vậy.