Nhạc kịch “Giấc mơ của Bờm” tiếp nối những chương trình của Mùa hè yêu thương

Bảo Trang
Chia sẻ
(VOV5) - "Chúng tôi cân đo đong đếm để làm sao xen giữa những cái truyền thống vẫn có những cái đang được các em yêu thích, nhưng phải thực sự phù hợp với vở diễn, phù hợp với mục đích".

Nằm trong dự án “Mùa hè yêu thương 2023”, dịp Quốc tế thiếu nhi năm nay Nhà hát Tuổi trẻ vừa cho ra mắt vở nhạc kịch Giấc mơ của Bờm của tác giả Thiên Ân.

Vở diễn vẽ nên một bức tranh làng quê đầy màu sắc, yên bình với các bài hát, điệu múa, đối thoại vui nhộn, hài hước mang âm hưởng dân gian đương đại dành cho trẻ em lứa tuổi mầm non và tiểu học.

Được dàn dựng hấp dẫn và khéo léo, ngay sau khi công diễn, Giấc mơ của Bờm đã nhận dược những phản hồi tích cực từ những em nhỏ cũng như các bậc phụ huynh bởi ý nghĩa nhân văn, có tính giáo dục cao thông qua câu chuyện dân gian về cậu bé Bờm vốn đã rất thân thuộc với nhiều thế hệ người Việt.

Đây cũng là thông điệp xuyên suốt mà những nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Tuổi trẻ đã và đang mang đến cho công chúng qua những tác phẩm nghệ thuật đầy tính sáng tạo.

Nhạc kịch “Giấc mơ của Bờm” tiếp nối những chương trình của Mùa hè yêu thương - ảnh 1NSƯT Ánh Tuyết

Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn NSƯT Ánh Tuyết, Trưởng đoàn ca múa nhạc, đồng thời đạo diễn vở nhạc kịch Giấc mơ của Bờm về những nội dung này. 

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

 

Phóng viên: Thưa NSƯT Ánh Tuyết, trong thời gian gần đây Nhà hát Tuổi trẻ có nhiều vở nhạc kịch dành cho thiếu nhi và nhận phản hồi tốt từ khán giả. Năm nay Nhà hát đã xây dựng vở diễn mới như thế nào?

NSƯT Ánh Tuyết: Đoàn ca múa nhạc của Nhà hát Tuổi trẻ mỗi năm đều dàn dựng 1 đến 2 vở diễn hoặc chương trình biểu diễn dành cho lứa tuổi thiếu nhi, đặc biệt trong dịp Quốc tế thiếu nhi 1/6 và vào mùa hè. Năm nay chúng tôi đã dàn dựng một vở nhạc kịch mới lấy từ cốt truyện chuyện thằng Bờm của văn học dân gian và chúng tôi lấy tên là Giấc mơ của Bờm. Câu chuyện đó có tính nhân văn và tính giáo dục rất cao. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn được đưa chất liệu dân gian, kiến thức về văn hóa dân gian tới với các em thiếu nhi.

Nhạc kịch “Giấc mơ của Bờm” tiếp nối những chương trình của Mùa hè yêu thương - ảnh 2Cảnh diễn trong Giấc mơ của Bờm

Phóng viên: Thực tế cho thấy, mảng đề tài dành cho thiếu nhi tưởng như dễ nhưng lại rất khó. Làm thế nào để tạo cho các em niềm hứng khởi, kéo các em đến rạp trong thời đại mà các thiết bị số chiếm ưu thế như thế này?! Theo chị, cần làm gì để nhạc kịch nói riêng cũng như những tác phẩm dành cho thiếu nhi nói chung khi đưa lên sân khấu sẽ được các em đón nhận?

NSƯT Ánh Tuyết: Chúng ta trước kia vẫn quan điểm rằng làm cho các em thiếu nhi dễ lắm, cứ vui vẻ là được. Chỉ cần đưa các em đến rạp, cùng nhảy múa và cảm thấy vui là được. Nhưng tôi lại có quan điểm khác, bởi khi làm một chương trình gì thì tôi cũng đều nghiên cứu tâm lý của khán giả. Tôi cần biết họ đang muốn gì, và tiếp nhận được gì từ vở diễn này. Muốn thế thì phải nghiên cứu và khảo sát. Ngoài việc mang lại niềm vui cho các em, những thứ có tính giải trí cho các em thì điều mong muốn của tôi cũng như của các nghệ sĩ là muốn hướng các em đến những điều tốt đẹp. Chúng tôi muốn đem những bài học, những câu chuyện giản dị phù hợp với từng lứa tuổi, có định hướng rõ ràng trong việc tư duy về cuộc sống, tư duy về thẩm mỹ nghệ thuật... Dần dần từng bước một, chúng tôi rất muốn xây dựng một hệ thống để có những vở diễn nói đến nhiều đề tài khác nhau đối với từng lứa tuổi. Nghĩa là một vở diễn phải mang nhiều yếu tố: yếu tố nghệ thuật, yếu tố giải trí và yếu tố giáo dục. Tôi nghĩ rằng các bậc phụ huynh đều mong muốn điều đó – các con họ đến xem để nhận được gì? Thứ nhất là niềm vui, giải tỏa những căng thẳng; và thứ hai cũng là điều quan trọng, là các em sẽ nhận được những bài học nhân văn, đồng thời kích thích sự sáng tạo, kích thích tư duy nhận thức về mọi vấn đề trong cuộc sống.

Nhạc kịch “Giấc mơ của Bờm” tiếp nối những chương trình của Mùa hè yêu thương - ảnh 3Những vở nhạc kịch được dàn dựng xen lẫn giữa yếu tố dân gian và hơi thở đương thời

Phóng viên: Qua những gì đã làm được, có thể khẳng định rằng Đoàn ca múa nhạc Nhà hát Tuổi trẻ đã thành công trong việc tạo một sân chơi bổ ích cho các em?

NSƯT Ánh Tuyết: Nhà hát Tuổi trẻ thành lập đã 45 năm. Chúng tôi đã có 45 năm kinh nghiệm biểu diễn phục vụ thanh thiếu niên nhi đồng. Tôi là thế hệ sau, và tôi tiếp thu đầy đủ những tinh hoa của các thế hệ đi trước để lại, đồng thời có 1 số sáng tạo cá nhân, mang hơi thở của ngày hôm nay. Từ khi tôi phụ trách Đoàn ca múa nhạc, tôi cũng đã làm 4 vở dành cho các lứa tuổi: nhạc kịch Trại hoa vàng dành cho thanh niên, nhạc kịch Rồi tôi sẽ lớn dành cho thiếu niên, nhạc kịch Bầy chim thiên nga và nhạc kịch Giấc mơ của Bờm dành cho thiếu niên nhi đồng. Tôi thấy ở mỗi lứa tuổi đều có tâm tư, suy nghĩ khác nhau, mong muốn khác nhau, nên cả ê kíp chúng tôi luôn tìm cách đến gần với khán giả của mình.

Trước đây chúng ta vẫn quan điểm rằng nhạc kịch là môn nghệ thuật hàn lâm, đỉnh cao, khó đến gần với đông đảo khán giả. Tôi cũng phải tìm mọi cách để đưa nhạc kịch đến gần hơn với các em bằng các sáng tạo cá nhân cũng như những sáng tạo tập thể, bằng những cái dám đổi mới. Chúng tôi đã tiếp cận dần với các em. Thông qua 4 vở nhạc kịch, chúng tôi đã nhận được những phản hồi tích cực từ khán giả là cả phụ huynh và các em học sinh.

Nhạc kịch “Giấc mơ của Bờm” tiếp nối những chương trình của Mùa hè yêu thương - ảnh 4

Phóng viên: Vậy thì những vở nhạc kịch này chắc hẳn sẽ khác nhiều so với nhạc kịch mà chúng ta vẫn nghĩ?

NSƯT Ánh Tuyết: Khi chúng tôi dùng từ nhạc kịch, đã có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề thế nào là nhạc kịch? Nhạc kịch phải có những aria, phải hát tính phòng, hay phải phổ nhạc cho tất cả những lời thoại, âm nhạc từ đầu đến cuối... Nhưng mà cái chúng tôi đang làm là những ca khúc xen lẫn với kịch. Tôi nhớ lại khi làm vở nhạc kịch đầu tiên Trại hoa vàng dành cho lứa tuổi thanh niên, thực sự rất khó vì cái mà thanh niên bây giờ quan tâm không phải là sân khấu. Vậy làm thế nào để vở nhạc kịch sẽ hấp dẫn được các bạn? Với vở này, tôi đã xin phép nhà văn Nguyễn Nhật Ánh để chuyển thể câu chuyện cùng tên của ông sang sân khấu nhạc kịch. Tên tuổi của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã nổi tiếng rồi, và các tác phẩm của ông được các bạn trẻ rất yêu thích. Nhờ đó mà Trại hoa vàng lên sân khấu thật là lung linh và lãng mạn – đó là cái hấp dẫn các bạn trẻ rất nhiều. Bên cạnh đó, tôi dùng âm nhạc để kéo gần các bạn đến với sân khấu nhiều hơn. Trong vở Trại hoa vàng, tôi không viết các ca khúc mới mà sử dụng những ca khúc đang được yêu thích, đang tạo hit trên thị trường âm nhạc. Tôi đã xin phép các nhạc sỹ để đưa các ca khúc đó lên sân khấu nhạc kịch. Công việc của chúng tôi là làm thế nào để khéo léo trộn giữa âm nhạc và kịch để tình huống kịch nâng bài hát lên, và bài hát lại nâng cảm xúc của kịch lên. Làm cho thiếu nhi cũng vậy, chúng tôi phải lựa chọn rất nhiều, vừa nghệ thuật, vừa đời sống phải đan xen với nhau. Những thứ âm nhạc mà chúng tôi sử dụng, ví dụ như trong vở Bầy chim thiên nga hay Giấc mơ của Bờm, chúng tôi dùng chất liệu dân gian nhưng hòa âm phối khí hoàn toàn mang hơi thở mới, xen lẫn chanh bầu sáo nhị với âm nhạc điện tử. Chúng tôi cân đo đong đếm để làm sao xen giữa những cái truyền thống vẫn có những cái đang được các em yêu thích, nhưng phải thực sự phù hợp với vở diễn, phù hợp với mục đích của chúng tôi. Chúng tôi phải rất cẩn thận để sự đan xen đó phải thật ngọt ngào và vẫn phải đúng mục đích của mình đặt ra.

Phóng viên: Có những khán giả sẽ không thể đến Nhà hát Tuổi trẻ để xem trực tiếp những buổi diễn của đoàn. Vậy họ có thể xem ở đâu?

NSƯT Ánh Tuyết: Đây cũng là vấn đề mà chúng tôi rất suy nghĩ. Tuy nhiên một vở diễn sân khấu mà đưa lên truyền hình hoặc mạng xã hội thì sẽ bị mất sức hấp dẫn của sân khấu. Sâu khấu là sự tương tác trực tiếp giữa khán giả và các nghệ sĩ. Khi đến sân khấu, khán giả sẽ bước vào một không gian và tập trung hoàn toàn trong bối cảnh đó, với những cảm xúc đó. Tuy nhiên chúng tôi cũng đã xây dựng và mong muốn mang trực tiếp các vở diễn này đến với các em học sinh để các em có thể trực tiếp tương tác, thậm chí các em có thể hóa thân thành nhân vật và hiểu rõ hơn nhân vật này tại sao lại thế, câu chuyện này mang ý nghĩa như thế nào. Chúng tôi mong muốn mang những vở diễn này không chỉ tới với các trường ở Hà Nội mà còn ở các địa phương khác, vùng sâu vùng xa; không chỉ ở trong nước mà chúng tôi còn mong muốn mang được văn hóa của Việt Nam tới bạn bè quốc tế và đặc biệt là những bạn thanh thiếu niên nhi đồng người Việt sống ở nước ngoài.

Phóng viên: Xin cảm ơn NSƯT Ánh Tuyết, và chúc Nhà hát Tuổi trẻ sẽ có thêm nhiều vở nhạc kịch cũng như những tác phẩm nghệ thuật đến được với đông đảo công chúng ở trong nước và cả ở nước ngoài.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu