Nhà thơ Duy Thảo – Một dòng La xanh

Anh Thư
Chia sẻ
(VOV5) - Nhà thơ Duy Thảo tự nhận mình một đời đa mang chữ nghĩa, và chữ nghĩa cũng đã trả lại cho ông những niềm hạnh phúc mà chắc chắn ông không bao giờ mang ra đánh đổi.

Nghe âm thanh bài tại đây:

Lần đầu tiên nghe NSUT Diệu Hương thể hiện bài hát “Bến Tam Soa sông La” do nhạc sỹ Vũ Thiết phổ nhạc từ bài thơ của mình, nhà thơ Duy Thảo không khỏi ngạc nhiên và xúc động. Những câu thơ được viết từ gần 40 năm trước lại ùa về trong ông, gắn với bao kỉ niệm và ảnh hình xanh tư  ơi.

‘Bến Tam Soa, sông La” đi vào âm nhạc của nhạc sỹ Vũ Thiết mang âm hưởng dân gian đương đại, da diết và lắng sâu. Dù chưa gặp tác giả thơ, nhưng nhạc sỹ Vũ Thiết đã cảm nhận sâu sắc tình cảm mà nhà thơ dành cho dòng sông La và quê hương Đức Thọ Hà Tĩnh. Ông thú nhận: “Lần đầu tiên tôi phổ một bài thơ mà nước mắt cứ chảy ra”.

Bến Tam Soa là nơi gặp gỡ của sông Ngàn Phố và sông Ngàn Sâu, hợp thành con sông La hiền hòa thơ mộng. Sông La chảy hết địa phận Hà Tĩnh thì gặp sông Cả từ miền Tây Nghệ An đổ về, hợp lại thành dòng sông Lam chảy theo ranh giới giữa đất Nghệ An và Hà Tĩnh ra biển qua Cửa Hội.

Nhà thơ Duy Thảo – Một dòng La xanh - ảnh 1Nhà thơ Duy Thảo. Ảnh: Đình Nhất - baohatinh.vn

Cũng giống như dòng La ấy, từ bến Tam Soa này, cậu bé Phan Duy Thảo lớn dần lên trong nỗi niềm khắc khoải chờ đợi người cha tha hương viễn xứ, trong sự vất vả cơ cực và kiên nhẫn của mẹ. Tình yêu và những nỗ lực của mẹ đã ủ ấm cho anh em ông, để sau này, trên mọi bước đường công tác, là người lính pháo thủ trực tiếp đối diện hiểm nguy, hay khi đã trở thành nhà báo, nhà thơ, thành công thành danh với con chữ, thì “Mẹ” vẫn là tiếng gọi thiêng liêng níu ông với bến sông con nước, với củ khoai hạt cát, với tuổi thơ nhọc nhằn mà hạnh phúc.

“Bây giờ còn lúc thảnh thơi

Con ngồi bên mẹ, mẹ cười bên con

Bao nhiêu quá khứ vui buồn

Cho con xin khóc ngọn nguồn thời gian”

Năm 1962, chàng trai Phan Duy Thảo nhập ngũ, ở đơn vị pháo phòng không trong binh chủng phòng không không quân. Đấy là những ngày tháng đầy thử thách và cũng đầy nhiệt huyết của người lính trẻ bên đồng đội. Hình ảnh mẹ và quê hương luôn ở trong tâm trí, là động lực để người lính trẻ phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vùng trởi Tổ quốc. Khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, ngay trong trận đầu, ngày 26/3/1965, quân dân Hà Tĩnh đã bắn rơi 12 máy bay Mỹ. Nỗi niềm đau đáu nhớ quê hương cộng hưởng với niềm vui chiến thắng đã khiến anh lính trẻ Phan Duy Thảo viết một mạch bài thơ “Mừng chiến thắng trời quê”:

“Quê hương ơi! Chiều nay nghe náo nức

Đài truyền đi tin chiến thắng vang lừng:

Hà Tĩnh quê ta trận đầu diệt Mỹ

Niềm tự hào nước mắt bỗng rưng rưng

Mỗi kỷ niệm lại hiện về đậm nét

Ơi con đò đưa câu ví, giặm quê nhà,

Cây cỏ Đèo Ngang, cánh buồm Cửa Hội,

Thiên Nhẫn trùng trùng soi bóng bến Tam Soa”

Không chỉ giàu cảm hứng thế sự, “Mừng chiến thắng trời quê” chuyên chở tình yêu, niềm tự hào về một vùng địa linh nhân kiệt. Bài thơ đi cùng năm tháng  là một dấu ấn sâu đậm, góp phần làm nên tên tuổi của nhà thơ Duy Thảo, mở ra một hướng sáng tác mà ông suốt đời theo đuổi, tận tụy: đó là viết về con người và quê hương mình trong vẻ đẹp sâu thẳm của tâm hồn, của văn hóa, của tình nghĩa thủy chung. Sông La là nơi ông ra đi và cũng là nơi ông trở về, trở về theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, trở về trong cuộc đời và trong thơ ca:

“Xanh đến xanh leo lẻo/ Mát tận cùng ruột gan/ Cho lòng anh vượt bến/ Chở lòng em sang ngang/… Thương lắm con sông quê/ mùa lũ về tới tấp/ lòng sông thì chật hẹp/ bờ bãi chẳng rộng ra/ thuyền ai đi tìm lạch/ trong cát lấp phù sa/ anh ngược nguồn con nước/ đưa em về sông La”…

Với nhà thơ Duy Thảo, ký ức đẹp tươi nhất, những hình ảnh thân thuộc nhất của quê hương làng Đông Thái, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ đều gắn với sông La. Những gương mặt yêu thương nhất cũng gắn với dòng sông này, trong đó có mẹ ông,  các con ông, và người vợ tào khang ngược nguồn con nước, từ xứ Bắc theo ông về sông La. Ông đã bộc lộ niềm lời tri ân ấy qua tập thơ “Lối về” với lời đề từ giản dị: “Chùm thơ ký ức đời người/ Xin dâng viếng mẹ/ dành lời tặng em”

“Tôi tìm về cội nguồn tôi/ Nghề thơ nghiệp báo một đời đa mang/ Giữ cho tay khỏi nhúng tràm/ Mặc ai danh lợi hư hàm mặc ai”… Nhà thơ Duy Thảo tự nhận mình một đời đa mang chữ nghĩa, và chữ nghĩa cũng đã trả lại cho ông những niềm hạnh phúc mà chắc chắn ông không bao giờ mang ra đánh đổi. Ở tuổi ngoài 80, hàng ngày ông vẫn bận bịu với những trang báo trang thơ. Và dẫu đôi khi không tránh được cảm giác ưu thời mẫn thế, ông vẫn giữ một tâm hồn tươi trẻ, yêu đời yêu người, chắt lọc từng câu thơ ấm áp, chưng cất chữ tình qua thẳm sâu năm tháng, khao khát đi từ hồn mình để chạm đến hồn người.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu