Khi các nhà văn thành danh truyền lửa cho những cây bút trẻ

Vũ Nga
Chia sẻ
(VOV5) - Từ các nhiệm kỳ gần đây, Ban chấp hành hội Nhà văn TP.HCM luôn xác định được tầm quan trọng của việc bồi dưỡng và phát triển lực lượng viết trẻ.

Từ 11 - 13/10 Hội nghị những người viết trẻ lần thứ V diễn ra tại TP.HCM với sự có mặt của hơn 100 đại biểu bao gồm các nhà văn nhà thơ lão thành, những người đang sáng tác và các nhà văn trẻ. Hội nghị với chủ đề “Đồng hành khát vọng phương Nam” và mong muốn kết nối, tri ân và truyền lửa đam mê từ các nhà văn có nhiều thành tựu tới những cây bút mới.

Khi các nhà văn thành danh truyền lửa cho những cây bút trẻ - ảnh 1Các tác giả trẻ của phương Nam tham dự Hội nghị những người viết trẻ lần thứ V

Từ các nhiệm kỳ gần đây, Ban chấp hành hội Nhà văn TP.HCM luôn xác định được tầm quan trọng của việc bồi dưỡng và phát triển lực lượng viết trẻ như quan điểm của nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố: "Nếu không có đội ngũ kế cận thì đời sống văn chương sẽ khó có thể chống đỡ được quy luật nghiệt ngã của thời gian. Những thế hệ cầm bút đi trước, dù muốn hay không, năm tháng cứ dần bào mòn thể lực, trí lực và cả niềm đam mê sáng tạo. Nếu không có một đội ngũ nối tiếp thì đoàn tàu văn chương dù với sự vận hành nhẫn nại đến mấy đi nữa cũng khó tránh khỏi sự đứt gãy trì trệ."

Cùng chung quan điểm này với các đồng nghiệp phương Nam, nhà văn Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam đưa ra các minh họa về vị trí văn chương trong bối cảnh riêng và những giá trị chung của văn hóa toàn cầu: "Các nhà thơ Mỹ nói, nước Mỹ có hai bản tuyên ngôn: bản tuyên ngôn thứ nhất là lập hiến lập pháp hiến pháp, bản tuyên ngôn thứ hai là thơ ca và nó được đọc hàng ngày hàng giờ, được coi là yếu tố cần thiết giúp hình thành và phát triển tâm hồn nhân cách con người. Năm nay giải thưởng Nobel văn chương được trao cho một nữ nhà văn thế hệ 7X của Hàn Quốc đã gây ra một sự bất ngờ, thế mới thầy mỗi một ngày  ủy ban Nobel đang kiếm tìm những giá trị mới, những giá trị không bị sáo mòn..."

Lâu nay sự góp mặt và trình làng tác phẩm trên văn đàn, trong nhiều cuộc thi của các tác giả trẻ cho thấy một sự nhường sân, một cách tiếp nhận để làm phong phú thêm cho bảng màu văn chương nước nhà. Bản đồ thơ ca Việt Nam liệu có được  thành hình trong nay mai hay không là do những bàn tay từ nét bút hôm nay của các tác giả đang cầm bút. Sự tin tưởng nâng niu của thế hệ đi trước là sự dẫn dắt vô giá cho con đường đầy nhọc nhằn chông gai để tạo tác nên biết bao viên ngọc chữ.

Khi các nhà văn thành danh truyền lửa cho những cây bút trẻ - ảnh 2Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ nỗi niềm tâm huyết với các bạn viết trẻ.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh không giấu được niềm xúc động và cả những tâm tư chân thật về nghề: "Tôi rất ngạc nhiên, không nghĩ là nghề văn bây giờ cũng nhiều bạn  đam mê như vậy. Trong thời buổi công nghệ thông tin thì nghề văn và đời sống của những cuốn sách cũng có nhiều ảnh hưởng. Bố các bạn chắc không khi nào trách các bạn rằng: con học hành bao nhiêu như vậy sao giờ này chưa trở thành nhà văn mà chỉ hỏi con sao chưa trở thành bác sỹ, kỹ sư.

Tham dự Hội nghị những người viết trẻ TP.HCM lần thứ V, các nhà văn trẻ được xem như đã là những đồng nghiệp thực sự của các nhà văn đã thành danh. Họ  được làm chủ diễn đàn, bày tỏ mọi tâm tư. Được các thế hệ làng văn sẻ chia kể cả những chông chênh ban đầu hay là khi đã nhận thấy văn chương như một thứ mật ngọt đầy đam mê và cứu rỗi, như tâm sự tại hội nghị của nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa: "Văn chương khiến cho con người ta vượt thoát khỏi hoàn cảnh bế tắc hiện tại để vui sống. Và đối với tôi dù tạo nên sự hồi sinh nhưng lại rất dễ gây nghiện khi được tạo ra những mảnh truyện, qua sự sắp xếp từng nhân vật thành hình. Từ khi có văn chương bầu bạn tôi không còn cảm thấy cô đơn dù nhiều người cho rằng viết văn là một hành trình đơn độc..."

Đồng cảm, cổ vũ và trân quý nhiều bạn trẻ khi họ từ bỏ những mời gọi hấp dẫn để lựa chọn con đường viết văn, nhà thơ Lưu Trọng Văn cho rằng: điều cốt lõi của mọi sáng tạo văn chương, mọi cuộc kiếm tìm chữ nghĩa chính là “lòng thương”, là phẩm chất người cao quý: "Mỗi người đến với văn chương một cách nhưng tôi nghĩ cách bền vững nhất vẫn là “lòng thương”. Vì chỉ có lòng thương mới khiến chúng ta tìm thấy những con chữ để khi gieo con chữ ấy vào đất thì mọc lên một cái chồi của tình yêu và một bạn đọc cũng nói với tôi rằng các nhân vật ở các cuốn sách như bước ra vồ lấy nắm tay an ủi anh ta."

Là tác giả có hai cuốn tự truyện đã xuất bản và nhận giải thưởng văn chương cao quý khi đã ở tuổi 90, nhà văn - đạo diễn Xuân Phượng cũng muốn “tiếp lửa” đam mê cho các bạn trẻ bằng trải nghiệm viết sách của mình: "Cháu nội tôi mỗi lần nghe tôi kể lại rằng ngày xưa cực khổ thế nào là nó không thích, điều ấy khiến tôi nghĩ rằng có lẽ tôi phải làm cho giới trẻ này chú ý là có được ngày hôm nay thì phải trải qua quá khứ như thế nào, thêm nữa là năm 2001 tôi đang ở Pháp nên tôi cũng muốn có một cuốn sách để thế giới thấy được người Việt Nam đã sống và trải qua chiến tranh như thế nào. Và đó là những lý do mà tôi đã viết cuốn sách đầu tiên. Rồi đến năm 2020 trong thời gian tôi nghỉ dịch Covid tôi đã viết cuốn sách thứ hai về cuộc đời mình. Điều kỳ lạ là có những chuyện tôi cứ nghĩ rằng mình quên nhưng khi viết tôi nhớ lại tất cả và có cảm giác mình được sống thêm một lần nữa..."

Khi các nhà văn thành danh truyền lửa cho những cây bút trẻ - ảnh 3Hai tác giả trẻ Minh Anh và Bạch Dương

Tác giả tập thơ song ngữ “ Mộ ngày từ bên trong” -  Minh Anh và nhà văn trẻ Bạch Dương bày tỏ: "Em được gặp gỡ nhiều nhà văn nhà thơ cũng như nhiều bạn trẻ giống như em em nhận thức rằng đất nước mình rất quan tâm đến văn học từ đó em sẽ có động lực để viết nhiều hơn..." "Khó khăn của em là về thời gian viết thôi, hơn nữa việc xuất bản cũng là một điều trở ngại với các cây bút trẻ. Em hy vọng là Hội nhà văn TP.HCM sẽ tổ chức cho chúng em có thêm nhiều cuộc gặp gỡ để trình bày và chia sẻ bản thảo, từ đó được góp ý để có thêm cơ hội được hoàn thiện và xuất bản tác phẩm của mình."

Cùng với những thế hệ cầm bút đi trước, mong rằng các tác giả trẻ ở hội nghị này vốn hội tụ nhiều tố chất của công dân toàn cầu, sẽ giành nhiều thời gian và tâm huyết cho văn chương hơn nữa để không chỉ đến với bạn đọc trong nước mà còn có thể đưa văn học Việt Nam đến với bạn bè thế giới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu