Nghe âm thanh bài tại đây:
Tập thơ “Viễn ca” của nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh, vừa được Nhà xuất bản Văn học phối hợp với Ban Văn học nghệ thuật Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV6) tổ chức ra mắt. Nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh sinh năm 1968, là gương mặt thơ nổi bật của phong trào thơ sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cuối những năm 1980, đầu những năm 1990. Nhiều bài thơ của Nguyễn Tiến Thanh viết trong khoảng thời gian này hiện vẫn có người thuộc nằm lòng.
Hơn 20 năm làm công tác quản lý tại cơ quan báo chí, mới đây, nhà thơ chuyển qua sang mảng xuất bản sách. Nguyễn Tiến Thanh đã xuất bản hai tập thơ “Chiều không tên như vết mực giữa đời” và “Loạn bút hành” cùng với tiểu luận mang tên “Thời của tạp chí”.
Tập thơ “Viễn ca” lần này ghi dấu cảm xúc một giai đoạn sáng tác với những cảm xúc nảy sinh dăm năm gần đây của một tên tuổi từng nổi danh trong phong trào thơ sinh viên một thời. 39 bài thơ trong tập “Viễn ca” của Nguyễn Tiến Thanh thể hiện suy ngẫm, chiêm nghiệm của nhà thơ về cuộc sống, tình yêu khi bước vào tuổi trung niên. Tập thơ này vẫn phảng phất chất lãng mạn, trữ tình trong thơ Nguyễn Tiến Thanh một thời, mặt khác, đầy ắp những suy tư, triết lý qua chiêm nghiệm và thẩm thấu được từ những chặng đời đã qua.
Nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh chọn nhan đề một bài thơ: bài “Viễn ca” làm nhan đề cho cả tập thơ. Một nhan đề ngữ liệu Hán Việt gợi tưởng màu sắc cổ điển. Nhưng xét về hình thức thể hiện, hình thức tỏ bày của những bài thơ trong tập này lại rất mới. Đương nhiên, cảm xúc của tác giả có những lúc rất gần với đường biên cảm xúc của nhiều người làm thơ tầm tuổi đó.
Cũng dễ hiểu bởi hành trình của một đời người có những khuất khúc tương tự. Với Nguyễn Tiến Thanh, “Viễn ca” là suy tưởng về một quãng đời mà nhà thơ đã chép lại bằng những câu thơ không thể nào đừng được bởi: “Kỷ niệm là một kiện hàng quá khổ/ Đè trên vai chúng ta trong suốt tháng năm dài”. Những chặng hành trình trong đời sống, hành trình sáng tạo đã được tác giả ghi lại bằng những trang thơ giàu cảm xúc, liên tưởng.
Lễ ra mắt tập thơ Viễn ca của Nguyễn Tiến Thanh. |
Thơ Nguyễn Tiến Thanh nhắc nhiều về kỷ niệm, dường như đó vừa là tài sản vừa là nỗi khắc khoải khôn nguôi. Gần 40 bài thơ trong tập “Viễn ca” của Nguyễn Tiến Thanh, nhiều lần nhắc tới hoàng hôn.
Nhà thơ cũng có những câu thơ đẹp về ban mai như: “Những con đường thấm mệt/ Lặng im dưới chân người/ Phía chân trời tít tắp/ Nắng huy hoàng ban mai”. Thế nhưng, buổi “tà dương” hay “tịch dương” vẫn là một ám ảnh về khoảnh khắc.
Nguyễn Tiến Thanh có những câu lục bát mang màu sắc cổ điển về khoảnh khắc này như: “Ta đem cỏ cứa chân trần/ Tà dương rớm máu một lần nắng phai” hay câu “Tà dương gọi gió mênh mang/ Tịch dương thắp một bâng khuâng cuối ngày” hoặc câu: “Vu lan lặng cả chuông chùa/ Heo may thêm lạnh cho vừa xót xa/ Tái trời một khúc bi ca/ Dọn ra tráng miệng nghe tà dương đau”. Có lúc là những câu thơ tự do giàu sức gợi: “Chiều lịm dần/ Thành phố/ Giống một thiếu phụ già nua/ Trong hành trình/ Tắt nắng”.
Dõi theo Nguyễn Tiến Thanh từ chặng thơ đầu tiên khi anh đang học khoa Văn – Đại học Tổng hợp cho tới chuyển biến trong sáng tác gần đây hiển hiện qua tập “Viễn ca”, nhà thơ Lê Anh Hoài cho rằng tập thơ này hòa quyện được hai cách thức sáng tạo trong hành trình thơ Nguyễn Tiến Thanh. Đó là dòng thơ mang tính chất duy mỹ mang tính cổ điển và lối thơ mới không quá coi trọng vần điệu, thi ảnh, biểu tượng cổ điển. Sự pha trộn hai dòng thơ này trong tập “Viễn ca” tạo nên sự mới mẻ.
Nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh |
Lục bát Nguyễn Tiến Thanh có những bài hơi hướm thơ Bùi Giáng như bài “Báo cáo” với những câu: “Thưa mây, có một vô thường/ Vừa trôi qua ngã ba đường trăm năm/ Chong đèn ngồi uống lặng im/ Hóa ra rượu đã say mềm cơn mưa/ Thưa đêm, có một ngày xưa/ Khắc trên nỗi nhớ gió vừa cuốn đi/ Vụt bay lá úa vỉa hè/ Thiên thu đã mật ước gì với đêm…”. Bài “Hỏi buồn” cũng là một bài lục bát dung chứa: “Môi buồn bởi rượu chưa say/ Tóc buồn bởi gió chưa bay qua chiều/ Mắt buồn bởi bóng chưa xiêu/ Tay buồn bởi vẫy chưa nhiều biệt ly/ Chân buồn bởi bước chưa đi/ Tim buồn bởi nhớ chưa về thơ ngây…”.
Nhà thơ Nguyễn Thế Kiên dẫn bài “Tịch liêu thắp một bâng khuâng cuối ngày” như một sáng tác lục bát phong cách Nguyễn Tiến Thanh: “Phố buồn riêng một anh thôi/ Vỉa hè ngập nắng, trời vời vợi mây/ Quán buồn, sao vẫn còn đây/ Cà phê đắng với tàn phai nụ cười/ Lặng nghe từng giọt trong đời/ Rơi vô thanh xuống chân trời lãng khuây…”
Nguyễn Tiến Thanh có những bài thơ viết trong những ngày giãn cách, phong tỏa do dịch Covid 19 như bài “Tháng 9” hay bài “Thực đơn mùa thu” với những câu: “Người ngồi một góc mùa Thu/ Bàn ăn trải lá, menu nắng vàng/ Hồ đầy – ly cốc thời gian/ Khởi lên đại tiệc giữa thành phố mây/ Ngậm ngùi nếm những tàn phai/ Làm sao quên được món khai vị này/ Tan ra đầu lưỡi hương đầy/ Gặp chiều phong tỏa, chấm ngày cách ly”. Dẫu thể hiện bằng thể thơ lục bát truyền thống nhưng rõ ràng hơi thở là đương đại, là chuyển động cuộc sống gần kề.
Có lúc thơ Nguyễn Tiến Thanh tối giản, không nhiều lời, có những bài thơ viết theo thể tự do, chỉ vài câu như bài “Vụt hiện” hay bài “Không đề” – “Em dừng bước trước mặt trời/ Ta chôn chân trước mặt người tối om”. Có những bài thơ ngắn như bài “Tự nhiên” chỉ giản đơn như thế này: “Những bông hoa/ Vẫn nở trong rừng hoang/ Trong núi thẳm/ Không cần ai ngắm/ Dưới ánh mặt trời/ Tất cả sẽ mang linh hồn của đời sống/ Chống lại tháng năm vô tình/ Đừng sợ hãi/ Dù hoa nở để tàn phai”. Những bài thơ theo thể tự do của Nguyễn Tiến Thanh đọng lại trong nhà thơ Nguyễn Việt Chiến ấn tượng sâu đậm. Ông cho rằng tới tập thơ này giọng thơ Nguyễn Tiến Thanh đã đi vào thế ổn định, giọng thơ trữ tình đã thực sự “chín tới”. Thơ tự do là một hướng đi mới nhiều triển vọng phía trước.
Sau tất cả, in hằn trong thơ Nguyễn Tiến Thanh vẫn là những tự sự mang dấu ấn tuổi đời. Đứng trước sông, nhà thơ: “Giật mình tóc đã phôi pha/Tháng ngày trôi như nước chảy/ Chưa qua sông đã thấy già”. Nhớ về thời tuổi trẻ và những “Đêm cư xá nhớ về đêm cư xá”, để rồi “Bây giờ nghe tóc úa/ Nhớ rất nhiều như quên/ Tuổi cũ vàng trong lá/ Hoa niên rụng bên thềm”. Đứng trước tuổi trẻ, người trẻ, nhà thơ nhìn lại: “Em còn hai mươi tuổi/ Ta đã đời phong sương”. “Em nằm giăng kín mùa Thu/ Để ta lạc giữa sương mù trung niên”. Nguyễn Tiến Thanh không dùng thơ giấu tuổi như các nhà thơ thường tình mà thật thà tự thuật: “Lá rụng xuống sân trường năm 88/ Ta năm mươi ngồi viết thơ buồn”. Dấu ấn thơ và tuổi đời ấy còn hoang hoải trong khúc tự sự mang tên “Viễn ca”.