“Đồi thông hai mộ” - Từ di cảo đến di sản

Võ Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Các tác phẩm giàu tư tưởng và nghệ thuật qua thử thách thời gian, thời cuộc vẫn có giá trị, đời sống riêng khi tâm huyết tìm lại.

Nghe âm thanh bài tại đây qua giọng đọc PTV Kim Phượng:

Mới đây, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hòa Bình tổ chức lễ ra mắt cuốn sách “Đồi Thông hai mộ – Từ di cảo đến di sản” do Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc phát hành. Cuốn sách tập hợp 22 bài viết tâm huyết của nhiều tác giả về “Đồi Thông hai mộ”, tác phẩm truyện thơ nổi tiếng của văn sĩ Tùng Giang – Vũ Đình Trung.
Đây là truyện thơ được tác giả sáng tác vào thập niên 1940, gồm hơn một nghìn câu thơ song thất lục bát về tình yêu của đôi trai gái xứ Mường - Đinh Lăng và Quách Mị Dung tại một vùng cao với cảnh núi non hùng vĩ, nên thơ. Gần đây, nhiều nghiên cứu văn học với đầy đủ nhân chứng đã cho thấy rằng phát tích của truyện thơ “Đồi Thông hai mộ” là từ huyện Lương Sơn và huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình.
“Đồi thông hai mộ” - Từ di cảo đến di sản - ảnh 1

Cuốn sách “Đồi Thông hai mộ – Từ di cảo đến di sản” bao gồm nhiều ý kiến và nghiên cứu của các chuyên gia và nhà văn về nơi phát tích truyện thơ “Đồi Thông hai mộ”, với ý nghĩa là một di sản quý của xứ Mường - Hòa Bình. Bên cạnh đó là những nhận xét về nghệ thuật đặc sắc làm nên cái hay, cái đẹp của truyện thơ “Đồi Thông hai mộ”, những câu chuyện đằng sau tác phẩm.

22 bài viết trong cuốn sách “Đồi thông hai mộ: Từ di cảo đến di sản” là 22 góc nhìn về một tác phẩm một thời được mến mộ. Hành trình “Từ di cảo tới di sản” và những câu chuyện nối dài từ quá khứ tới hiện tại lần lượt được tái hiện qua tuần tự các mốc thời gian làm nên sức vang ngân của một tác phẩm có số phận lận đận. Qua từng trang sách, người đọc, người nghe cảm nhận được giá trị nội dung và nghệ thuật của di cảo cụ văn sĩ Tùng Giang – Vũ Đình Trung để lại cho đời. Để từ đó, người đời nay và đời sau thấm thía hơn hành trình ý nghĩa để tìm lại nơi phát tích thực sự và sự nối dài của một tác phẩm đã thành di sản trong không gian và tâm thức, lòng người.

Nhà thơ Lê Va – Chủ tịch Hội VHNT Hòa Bình là một trong những người đã trăn trở trên bước đường tìm về giá trị thực sự cũng như nơi phát tích truyện thơ “Đồi thông hai mộ” của văn sĩ Tùng Giang – Vũ Đình Trung. Súc tích về mặt thông tin và đong đầy về cảm xúc, đó là hai bài viết của nhà thơ Lê Va in trong cuốn sách, đặc biệt là bài viết được chọn làm tên của tác phẩm - “Đồi thông hai mộ - Từ di cảo tới di sản”. Không chỉ là trách nhiệm, ông đã đồng hành bền chặt và tâm huyết cùng gia đình tác giả và các nhà nghiên cứu tìm về ngọn nguồn, gốc tích của tác phẩm truyện thơ giá trị này.

Mùa thu năm 2019, cùng với gia đình văn sĩ Tùng Giang – Vũ Đình Trung, Hội VHNT Hòa Bình đã tổ chức hội thảo khoa học “Đồi thông hai mộ: Từ di cảo tới di sản”. Kết quả của một hành trình là tôn tạo lại ngôi mộ đôi của hai tiền nhân, nhân vật chính của truyện thơ “Đồi thông hai mộ”, dựng nên nhà lưu niệm mang tên tác phẩm và gần đây nhất là sự ra mắt của ấn phẩm “Đồi thông hai mộ - Từ di cảo tới di sản”.

Thời điểm đang là Phó trưởng ban Chuyên đề - Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Lã Thanh Tùng đã viết bài “Cảo thơm lận đận” như một hồi tưởng về số phận tác giả và tác phẩm “Đồi thông hai mộ”. Chính vì là bạn thân của kỹ sư Vũ Đình Thảo, cháu nội văn sĩ Tùng Giang, ông thấu suốt hoàn cảnh cũng như luôn đồng hành cùng người bạn của mình trên hành trình tìm về nơi phát tích truyện thơ “Đồi thông hai mộ”. Ngay trên đất Hòa Bình, vào mùa Xuân năm 2019, nhà văn Lã Thanh Tùng đã đặt bút viết những trang như rút ruột về “Cảo thơm lận đận”. Ông nhắc lại những khó khăn trên con đường tìm lại di cảo và di sản. Và ngày hôm nay, khi ngôi mộ đôi của tiền nhân, nhà lưu niệm “Đồi thông hai mộ” ra đời cùng với cuốn sách “Đồi thông hai mộ: Từ di cảo đến di sản” được xuất bản, theo nhà văn Lã Thanh Tùng là sự khẳng định ý nghĩa của một tác phẩm, một di sản rất giá trị.

Trong cuốn sách “Đồi thông hai mộ: Từ di cảo đến di sản”, có những tác giả có tới hai bài viết được in như nhà thơ Lê Va, nhà thơ, nhà giáo Đặng Hiển, nhà báo Lê Quốc Khánh, Kỹ sư Vũ Đình Thảo cùng với sự góp mặt của các nhà văn, nhà thơ, uy tín như nhà văn Đăng Bẩy, nhà văn Văn Giá, Kiều Bích Hậu…Và đáng quý hơn cả là những trang viết của các nhà văn của Hòa Bình như Nguyễn Hữu Duyên, Đinh Đăng Lượng, Phan Mai Hương, Bùi Việt Phương… Thông tin và cảm xúc hòa quyện trong từng bài viết đưa bạn đọc, công chúng trở về với cội nguồn, xứ sở của một tác phẩm, một vùng đất. Nhà Nghiên cứu văn hóa Mường – Bùi Thế Bình biết tới truyện thơ “Đồi thông hai mộ” của văn sĩ Tùng Giang – Vũ Đình Trung từ thuở còn ngồi trên ghế nhà trường. Mãi gần đây, ông mới hiểu về nơi phát tích tác phẩm chính là quê hương Hòa Bình. Nhà Nghiên cứu Bùi Thế Bình đánh giá ý nghĩa quan trọng của việc tìm lại giá trị, nơi phát tích truyện thơ “Đồi thông hai mộ” hiển hiện qua cuốn sách do Hội VHNT Hòa Bình đứng ra tổ chức bản thảo.

Một di sản văn học đã được khẳng định, và quá trình nối dài di sản quý ấy đã, đang và sẽ còn được các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ, công chúng yêu văn chương khai thác và phát triển. Mới thấy các tác phẩm giàu tư tưởng và nghệ thuật qua thử thách thời gian, thời cuộc vẫn có giá trị, đời sống riêng khi tâm huyết tìm lại. Điều đó phảng phất và dần thấm thía trong từng trang sách “Đồi thông hai mộ: Từ di cảo đến di sản”..

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu