Nhà thơ Trương Anh Tú: “Tôi nghe tiếng con người“

Chia sẻ
(VOV5) - " Sống giữa hai nền văn hoá giúp tôi có nhiều góc nhìn đa dạng hơn, bao dung hơn, nhìn thân phận con người được rõ hơn."

Trong lần trở về Việt Nam mới đây, nhà thơ Trương Anh Tú, một cây bút Việt ở CHLB Đức thường có thơ đăng đàn trên báo chí trong nước, đã được nghe những thảo luận về văn chương di dân, bản sắc kép trong diễn đàn của Viện Goethe nhân Những ngày văn học Châu Âu. Văn chương di dân không chỉ là của người Việt, mà là hiện thực chung của văn chương toàn cầu, theo dòng dịch chuyển đời sống của con người từ nơi này sang nơi khác, từ đất nước này sang đất nước khác. Nhà thơ Trương Anh Tú chia sẻ với phóng viên và thính giả Đài Tiếng Nói Việt Nam về vấn đề này từ góc nhìn của một người trong cuộc.

Nhà thơ Trương Anh Tú: “Tôi nghe tiếng con người“ - ảnh 1Nhà thơ Trương Anh Tú - Ảnh: Fb nhân vật
PV: Thưa nhà thơ Trương Anh Tú, Trong đợt về Hà Nội gần đây anh đã tham dự một cuộc toạ đàm tại Viện Goethe tại Hà Nội về văn chương di dân, của một số tác giả bố hoặc mẹ là người nước ngoài, mẹ là người Đức và ngược lại. Anh cũng có một vài ý kiến trao đổi

Nhà thơ Trương Anh Tú: Tôi có một số điều trao đổi tại đó. Ngược lại tôi cũng là người có cái nhìn đa chiều. Văn chương di dân hay có một câu hỏi: Tôi là ai? Tôi ko biết tôi cảm thấy mình là người Đức hay là người Việt Nam. Tôi rời Việt Nam năm hơn 20 tuổi và sống ở Đức hơn 30 năm. Nghĩa là thời gian sống ở Đức gần gấp đôi thời gian sống ở Việt Nam. Một bạn ở Viện văn học hỏi tôi: Anh cảm thấy anh là người Đức hay là người Việt Nam? hay anh cảm thấy là cái gì đó ở giữa tất cả? Tôi trả lời bạn ấy: Tất nhiên cái cảm giác là người Việt Nam hoàn toàn tự nhiên, mình sinh ra, lớn lên, Việt Nam là tổ quốc, như là người Mẹ. Rất tự nhiên.

Nhưng ở một bình diện khác, tôi thấy văn học di dân chỉ là  một phần. Khi đó chúng ta - như tôi tự hỏi tôi người Đức hay người Việt, hoặc nhà văn Đức đang nói chuyện trong cuộc toạ đàm có thể tự vấn bạn ấy là người Đức hay người Iran, hay là chung của cả hai dân tộc đó…. Nhưng tôi nghĩ rằng, đối với những di dân viết văn chương, có những rào cản, bó buộc, nhưng đồng thời sẽ có những lợi thế. Như tôi là người Việt Nam, sống trong văn hóa Việt, văn hóa Châu Á, tôi thấy được những cái hay cái tốt của Việt Nam, đồng thời cũng thấy được cái hay cái tốt của người Châu Âu, của người Đức. Tôi có được góc nhìn đa chiều hơn.

Rõ ràng sống giữa hai nền văn hoá giúp tôi có nhiều góc nhìn đa dạng hơn, bao dung hơn, nhìn thân phận con người được rõ hơn. Mặc dù tôi cảm thấy con người không khác nhau lắm – dù tất nhiên có khác nhau về văn hoá, về ngôn ngữ, về cách thể hiện, nhưng cuối cùng trong mỗi con người  vẫn giống nhau về thân phận con người, đều mơ ước về một cuộc sống tốt đẹp trong một xã hội hoà bình, được tôn trọng. Còn tất nhiên cách thực hiện khác nhau. Đối với tôi đây là một lợi thế để tôi viết ra những tác phẩm của mình.

PV: Vậy anh có đặt ra cho mình câu hỏi Anh là ai nữa không?

Nhà thơ Trương Anh Tú: Bản thân tôi chẳng hạn, tôi ko hỏi câu hỏi Tôi là ai nữa. Mà ngay khi tôi hỏi câu đó, cũng là để trả lời cho câu hỏi Chúng ta là ai? Con người là ai? Con người đến với Trái đất này, hành tinh này đã làm gì cho trái đất này tốt đẹp hơn? Hay chúng ta đứng trước những cuộc khủng hoảng rất lớn: về chiến tranh, bạo lực, biến đổi khí hậu. Tôi là người, như các bạn hay nói: công dân quốc tế. Tôi là người Đức, tôi cũng là người Việt Nam. Tôi đọc tin tức về các cuộc chiến tranh, như các bạn thấy, giữa Nga và Ucraina, giữa Israel và Palestin hiện tại là những điểm nóng của thế giới. Hay những nguy hại của việc biến đổi khí hậu ở Việt Nam chẳng hạn. Đồng bằng sông Cửu Long rất khô hạn. Nước biển. Ngập mặn. Thiếu mưa. Những biến đổi khí hậu ở Châu Á ảnh hưởng đến Việt Nam..,Đấy là những cái mà chưa bao giờ tôi nhìn thấy. Rác, chất thải,... đi về Việt Nam tôi gặp rất nhiều. Tức là, mình là người Đức hay Việt Nam không quan trọng nữa, đối với tôi vẫn là con người, là chúng ta phải làm gì để trái đất này tốt đẹp hơn, để loại bỏ chiến tranh và biến đổi khí hậu.

PV: Vậy anh – nhà thơ Trương Anh Tú, đã làm gì?

Nhà thơ Trương Anh Tú: Tôi đã làm với tất cả khả năng của mình. Là người cầm bút, tôi nhìn thấy điều đó, tôi không làm thì sẽ kêu gọi ai làm? Chẳng hạn khi về nói chuyện với sinh viên các trường đại học về thơ ca. Vì thơ ca là một con đường mở ra cánh cửa với các bạn trẻ, tôi muốn mang tới cho các bạn thông điệp là, muốn có tác phẩm hay, trước tiên phải sống đúng đã. Một bạn trẻ nói muốn tạo ra một tác phẩm có giá trị, tôi nói rằng: muốn như vậy, việc đầu tiên là các bạn phải sống cho những giá trị. Nếu không yêu thiên nhiên cây cỏ, làm sao viết được những bài thơ hay những câu chuyện về thiên nhiên? Nếu không yêu Tổ quốc, làm sao viết được một tác phẩm để người đọc rung động, để truyền cảm hứng vào trái tim người khác? Nghĩa là các bạn phải sống thật vào đời sống này, sống hết mình và phải dấn thân. Đối với tôi, viết thơ hay nhạc cũng chỉ là cách sống. Tôi chọn cách sống là hãy sống một cách tốt đẹp nhất, tích cực nhất để nói rằng: Tôi là con người. Tôi xin đọc một bài thơ mới đăng gần đây ở Việt Nam, mang đến thông điệp cho mọi người, bài thơ có tên Trong khu rừng:

Anh là ai
Một con thú hỏi tôi
Anh là ai
Con thú khác nhìn tôi chờ đợi
Anh là ai
Con thú trong tôi cất tiếng
Anh là ai
Tôi nghe tiếng Con người./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu
Sim tím

Cảm ơn Tạp Chí Văn Nghệ! Cảm ơn có một cuộc phỏng vấn về một người con của quê hương xa... Xem thêm