Kịch bản cho sân khấu Việt hiện đại: Vì sao quá thiếu vắng?

Trần Hiếu
Chia sẻ
(VOV5) - Một tác phẩm sân khấu phải có sự thao thức, phải có sự trăn trở, day dứt, yêu thương. 

Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024 quy tụ gần 1.000 nghệ sĩ, diễn viên của 19 đơn vị nghệ thuật Kịch nói chuyên nghiệp trong và ngoài công lập, diễn ra từ ngày 11-26/6  do Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở VHTTDL tỉnh Thái Nguyên, Nhà hát Ca, Múa, Nhạc dân gian Việt Bắc và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức. Bên cạnh một Liên hoan kịch nói đang diễn ra với nhiều nỗ lực làm mới, thay đổi để thu hút khán giả, vẫn còn đó những trăn trở về lực lượng làm nghề, mà trước hết, là yếu tố đầu tiên để hình thành một tác phẩm sân khấu: là kịch bản. Phóng viên Trần Hiếu phỏng vấn nhà viết kịch, Tiến sỹ Nguyễn Đăng Chương – Phó Chủ tịch Hội nghệ sỹ sân khấu Việt Nam về sự thiếu hụt đội ngũ tác giả và chất lượng các tác phẩm sân khấu kịch hiện nay.

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
  
Kịch bản cho sân khấu Việt hiện đại: Vì sao quá thiếu vắng? - ảnh 1Nhà biên kịch, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Chương, Phó Chủ tịch Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.

PV: Xin chào nhà viết kịch, tiến sĩ Nguyễn Đăng Chương.

TS Nguyễn Đăng Chương: Xin kính chào quý vị thính giả của Đài Tiếng nói Việt Nam

Vâng, thưa nhà viết kịch,  Tiến sĩ Nguyễn Đăng Chương, nhìn nhận ở khía cạnh của một tác giả, anh đánh giá gì về đội ngũ tác giả hiện nay. Tại sao ở bất kì một kỳ liên hoan nào chúng ta đều xới xáo lại câu chuyện sân khấu khủng hoảng về mặt tác giả kịch bản? 

TS Nguyễn Đăng Chương: Đấy là thực tế của đời sống sân khấu hiện nay. Đã từ lâu rồi lực lượng tác giả viết cho sân khấu khủng hoảng kể cả về lượng và vật chất. Có thể nói nhiều năm rồi, hai đơn vị đào tạo của Bộ Văn hóa, Thể thao Du lịch - mà tôi có theo dõi và tôi cũng có tham gia giảng dạy nên tôi biết - không đào tạo được lực lượng đội ngũ theo học biên kịch. Và thậm chí nhiều năm rồi không tuyển sinh được. Đây là một câu hỏi lớn.

Không phải chúng ta không có, hoặc thiếu những học sinh hoặc những nghệ sĩ, hoặc những người cầm bút ở lĩnh vực khác như là nhà văn đam mê lĩnh vực này. Nhưng mà tại sao người ta lại không theo? Bởi vì có mấy vấn đề.

Thứ nhất, như Gorky nói, văn học kịch là thể loại văn học khó nhất trong tất cả các thể loại văn học. Và những gì khó là người ta buông bỏ. Đấy là yếu tố chủ quan và khách quan, đã diễn ra trong thực tế đời sống của sân khấu nhiều năm rồi.

Thứ hai, là đi theo nghệ thuật sân khấu khi cơ chế thị trường đổi mới, thì đời sống của người ta khó khăn hơn. Ví dụ như diễn viên sân khấu đi đóng phim nhiều hơn là diễn trên sàn diễn. Chỉ một ví dụ thế thôi. Và trong cơ chế thị trường, nghệ sĩ cũng là một con người, người cầm bút cũng là con người, thì người ta phải tìm một công việc gì đó để lo cơm áo gạo tiền, không trách người ta được. Điều mà chúng ta phải đặt ra ở đây, là làm sao chúng ta phải có một cơ chế để khuyến khích người ta đam mê, khi người ta có năng khiếu, khi người ta có khát vọng. Có nghĩa là tạo một cái đà để cho người ta theo cái nghiệp này. Người ta cầm bút và người ta sống được bằng nghề. Đấy là điều quan trọng. Và cái điều này thì thực tế đời sống chúng ta không có.

Rõ ràng là vấn đề đãi ngộ, vấn đề cơ chế dành cho đội ngũ tác giả và đội ngũ nghệ sĩ hiện nay của chúng ta đang có rất nhiều những bất cập, không đáp ứng được đời sống của họ, đúng không ạ? Và đấy là một trong những cái lý do?

TS Nguyễn Đăng Chương: Đúng rồi. Tôi chỉ lấy một ví dụ, hiện nay khát khao của các nghệ sĩ lên sân khấu rất là lớn, là khát vọng của nghệ sĩ. Nhưng phải đi hai vế, làm sao để đưa đến những tác phẩm để đi vào lòng công chúng, chứ không phải là ca ngợi một chiều. Thí dụ có những vấn đề nóng bỏng của xã hội đang xảy ra, các tác giả có dám đi vào không? Và các đơn vị có dám dàn dựng không? Còn nóng bỏng thì tôi không đề cập đến là cụ thể nó là gì, nhưng mà chắc chắn là mọi người, kể cả khán giả nghe đài cũng phải hiểu và cũng phải biết.

Kể cả hình tượng con người mới của chúng ta cũng chưa có những cái tác phẩm sân khấu có thể lột tả được, thưa ông?

TS Nguyễn Đăng Chương: Con người mới ở đây thì nhiều chứ.

Ý tôi nói rằng những cái tác phẩm sân khấu hiện nay của chúng ta thiếu vắng những tác phẩm mà có thể xây dựng và lột tả được hình tượng con người mới.

TS Nguyễn Đăng Chương: Có thể nói là quá thiếu vắng chứ không phải thiếu vắng. Và một cái điều mà tôi nghĩ là khán giả cả nước mong muốn những tác phẩm vinh danh được, những hình tượng mới, những con người cụ thể. Và ngược lại, phải khơi ra được những cái mặt trái, để không phải chúng ta chỉ trích, mà đấy là một tấm gương để cho người ta soi vào, để người ta tránh. Một câu chuyện cụ thể và cái đấy không phải chỉ có ca ngợi, không phải là chúng ta đang đi một chiều…

Đang đi một chiều và phiến diện, sẽ mang tính áp đặt cho người xem. Ở đây quan trọng nhất là những con người tạo ra tác phẩm nghệ thuật ấy phải đem đến một tác phẩm mà thực sự người xem cảm nhận và rung động, cảm thấy là chính mình ở trong đó, đấy mới là những câu chuyện mang tính chất thuyết phục người xem, người nghe khi đến thưởng thức những vở diễn, đúng không thưa anh?

TS Nguyễn Đăng Chương: Đúng rồi. Và tôi nghĩ rằng trong tất cả các chức năng của văn học nghệ thuật nói chung và trong sân khấu nói riêng, thì có những cái chức năng chung; nhưng đặc biệt về sân khấu, chức năng dự báo của nó quan trọng lắm.

Làm sao mà khi người ta xem xong một tác phẩm, đêm về người ta không ngủ được. Nó phải có sự thao thức, nó phải có cái sự trăn trở, day dứt, yêu thương. Và bản thân người ta phải có sự sám hối khi sau xem tác phẩm. Một khán giả khi xem xong một tác phẩm, sám hối với chính bản thân mình, để mình sống tốt hơn, mình đóng góp nhiều hơn về tất cả mọi mặt. Nó phát triển và nó đáp ứng được những cái yêu cầu của đời sống xã hội trong thời kỳ đổi mới. 

Có những vở diễn, có những hình tượng nhân vật mà có sự tác động mạnh mẽ vào đời sống xã hội, tác động mạnh mẽ vào nhận thức, tư duy và thậm chí kể cả thay đổi được sự ứng xử hay hành động của khán giả khi đi xem những tác phẩm như thế, đấy mới là thành công.

Vâng, xin cảm ơn nhà viết kịch, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Chương.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu