Điện ảnh tài liệu có những đặc trưng riêng, nắm bắt cuộc sống gắn với số phận con người trong dòng chảy lịch sử. Theo thời gian, đề tài của điện ảnh tài liệu càng trở nên phong phú, trong đó không thể thiếu câu chuyện về hậu chiến với những vấn đề đan kết từ quá khứ đến hiện tại.
Nghe âm thanh bài tại đây qua giọng đọc PTV Kim Phượng:
“Những năm 1966 - 1976, đạo diễn Lò Minh đã vào Ngư Thủy – Quảng Bình để làm phim về đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy bốn lần bắn cháy tàu chiến Mỹ, đẩy tàu chiến Mỹ ra xa, được phong danh hiệu Đơn vị anh hùng. Ba mươi năm sau, cuộc sống của các chị thay đổi như thế nào?Anh Lò Minh đã kéo tôi cùng đạo diễn NSND Lê Mạnh Thích trở lại Ngư Thủy. Anh Lê Mạnh Thích cùng anh Lò Minh đã hình thành một kịch bản nói về cuộc sống của các chị sau ba mươi năm như thế nào.” – Đạo diễn Nguyễn Thước kể lại.
Cảnh trong phim tài liệu Những cô gái Ngư Thủy của đạo diễn Lò Minh |
Ở thời điểm ra đời, bộ phim tài liệu “Những cô gái Ngư Thủy” của đạo diễn Lò Minh đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. 30 năm sau, đạo diễn Lò Minh, đạo diễn Lê Mạnh Thích cùng nhà quay phim Nguyễn Thước trở lại Ngư Thủy. Từ đây, ý tưởng về bộ phim “Trở lại Ngư Thủy” đã ra đời, gây được tiếng vang lớn.
Đạo diễn Nguyễn Thước cho biết:“ Sau khi công chiếu, bộ phim đã gây một tiếng vang rất lớn, với tác động xã hội rất mạnh mẽ. Cả nước hướng về Ngư Thủy. Bên điện lực lập tức kéo đường điện vào. Bên giao thông làm một con đường nhựa. Bên xi măng sắt thép vào xây một ngôi trường ba tầng khang trang. Khi có đường có điện thì cuộc sống ở Ngư Thủy đã thay đổi rất lớn.”
Tác động lớn nhất của bộ phim “Trở lại Ngư Thủy” chính là đã thức tỉnh những cá nhân vốn đang ấm êm trong thời bình mà vô tình lãng quên trách nhiệm với bao người đã hy sinh mất mát tuổi thanh xuân, tự nguyện đứng vào hàng ngũ chiến đấu vì độc lập tự do của dân tộc. “Trở lại Ngư Thủy” cũng là một dấu ấn trong cuộc đời làm nghệ thuật của đạo diễn NSND Nguyễn Thước, mang lại cảm giác hạnh phúc cho ông mỗi lần trở lại mảnh đất nhiều cát và gió này.
Đeo đuổi đề tài hậu chiến, thực hiện cả trăm bút ký, hàng chục bộ phim tài liệu, mỗi lần nhắc đến bộ phim “Linh hồn Việt cộng” được hoàn thành và công chiếu năm 2008, nhà văn đạo diễn Minh Chuyên lại cảm thấy se sắt. Bộ phim đã giải oan cho linh hồn người liệt sỹ trước những điều tiếng của dân làng nghi ngờ anh phản bội. Bộ phim cũng mở ra góc nhìn chiến tranh từ hai phía. Những người mẹ Việt Nam hay những người mẹ Mỹ cùng chung một nỗi đau. Nỗi đau chỉ có thể được hóa giải bằng sự thấu hiểu của người đang sống.
Đạo diễn Minh Chuyên chia sẻ: “Phim đã được trình chiếu ở Colombia và một số nước khác. Các cựu binh Mỹ khi xem phim cũng đã tuyên truyền rất tích cực về tác phẩm này. Đây là một tác phẩm mang nhiều ý nghĩa mà đối với tôi hết sức tâm huyết về đề tài, tâm huyết về những nhân vật trong tác phẩm.”
Đề tài hậu chiến cũng là mối quan tâm sâu sắc của nhiều đạo diễn thế hệ 8x, 9x. Ở bộ phim tài liệu “Đường về” (Bông sen vàng Liên hoan phim Việt Nam năm 2019), đạo diễn Tạ Quỳnh Tư đã khắc họa tâm trạng, nỗi đau và tấm lòng người mẹ Việt Nam anh hùng qua tình huống nhầm lẫn hy hữu liên quan đến hài cốt liệt sỹ. "Không phải con nhà bà thì là con nhà tôi, cũng đều vì nước vì dân mà các anh hy sinh cả". Thông điệp này của bộ phim có sức rung động mạnh mẽ tới người xem.
Hình ảnh người mẹ liệt sĩ trong bộ phim tài liệu Đường về của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư |
“Sau khi bộ phim phát sóng thì VTV đã nhận được nhiều phản hồi, hỏi nhà Đài có phát lại hay không. Có người còn về gia đình liệt sỹ để thắp hương. Tôi khá hạnh phúc khi bộ phim có những thay đổi tích cực, ảnh hưởng trực tiếp tới những người làm công tác thương binh liệt sỹ cũng như những người làm công tác lưu trữ hài cốt liệt sỹ cũng như những gia đình thân nhân liệt sỹ hiện vẫn đang trên đường đi tìm người thân của mình.” – đạo diễn Tạ Quỳnh Tư nói.
Cũng khai thác hành trình đi tìm đồng đội, bộ phim Chưtankra của đạo diễn Vũ Minh Phương (cánh diều vàng 2019) khắc họa nỗi đau, niềm khắc khoải của những đồng đội, những gia đình có người thân hy sinh ở dãy núi Chưtankra, thuộc huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Mối dây liên hệ từ người đã ngã xuống thắt chặt tình cảm, sự gắn bó của người đang sống dành cho nhau. Trong ba mươi phút phim, không có bộ hài cốt nào được tìm thấy, mà chỉ có những di vật, những nắm đất đen nằm sâu giữa đất đỏ Bazan. Điều ấy càng khẳng định sự tồn tại vĩnh cửu của các anh trong lòng đất mẹ. Những ngày làm phim Chưtankra để lại dấu ấn không quên đối với đạo diễn Vũ Minh Phương.
“Quá trình đi thực tế và làm phim tài liệu thì được hiểu thêm, biết thêm về thế hệ cha anh đi trước đã từng chiến đấu gian khổ và hy sinh như thế nào. Có lúc không thể tưởng tượng được rằng ngày xưa các bác các chú sống ở trong điều kiện gian khó thiếu thốn như thế mà vẫn chiến đấu, vẫn giành chiến thắng. Đó là điều mà chúng tôi thực sự khâm phục tinh thần và sự quả cảm của thế hệ cha anh mình.” – đạo diễn Vũ Minh Phương cho biết.