“Cu li không bao giờ khóc” thắng Giải Phim đầu tay xuất sắc nhất tại LHP Quốc tế Berlin 74

TH
Chia sẻ
(VOV5) - Bộ phim Cu li never cries (Cu li không bao giờ khóc) đã thắng giải Phim dài đầu tay xuất sắc nhất (GWFF Best First Feature) tại Liên hoan phim Berlin (Đức) lần thứ 74. 

Nghe âm thanh bài tại đây:

Bộ phim được trang chủ của LHP Berlin (Berlinale) nhận xét là một trong những trải nghiệm điện ảnh mạnh mẽ nhất trong liên hoan phim lần này.

Bộ phim xuất sắc giành chiến thắng trong 16 phim đề cử - là những phim được Giám đốc nghệ thuật của Liên hoan phim tuyển từ 5 hạng mục chính của LHP, bao gồm Competition, Encounters, Panorama, Forum và Generation. "Cu li không bao giờ khóc" thuộc hạng mục Panorama (toàn cảnh).

Giải thưởng danh giá nhất - giải Gấu Vàng của ban giám khảo quốc tế tại Liên hoan phim Berlin 2024 được trao cho bộ phim tài liệu 'Dahomey' của nữ đạo diễn người Pháp gốc Seneral, Mati Diop.

“Cu li không bao giờ khóc” thắng Giải Phim đầu tay xuất sắc nhất tại LHP Quốc tế Berlin 74 - ảnh 1Đạo diễn Phạm Ngọc Lân cùng 3 diễn viên NSND Minh Châu, Hoàng Hà và Lê Thị Hà Phương trên thảm đỏ Liên hoan phim Berlin 2024 - Ảnh: LHP Berlin

Trước đó, tại buổi công chiếu toàn cầu (World Premiere) của “Cu li không bao giờ khóc” trong khuôn khổ chương trình Panorama của Liên hoan phim Berlin, đạo diễn Phạm Ngọc Lân khiêm tốn chia sẻ: “Đây là một bộ phim nhỏ và giản dị, nhưng hy vọng sau buổi chiếu này sẽ chạm được tới mọi người”

Trong phim, bà Nguyện (do NSND Minh Châu thủ vai) đã từng kết hôn và ly thân với một người Đức. Khi nghe tin chồng mất, bà sang Đức để nhận lại tài sản người chồng để lại và trở về quê hương Việt Nam. Trong hành lí về nước, bà mang theo một con cu li được thừa hưởng từ người chồng đã khuất. Cô cháu gái nhỏ sống cùng bà đang chuẩn bị cho đám cưới cũng khiến bà Nguyện không ngừng lo lắng. Đôi vợ chồng trẻ cùng nhau suy ngẫm về tương lai không chắc chắn của mình. ‘Cu li không bao giờ khóc’ khắc họa hiện tại mà các nhân vật đang sống và những dư âm phức tạp của lịch sử Việt Nam. Tất cả đều đan xen nhau một cách trầm ngâm và đầy chất thơ.

“Cu li không bao giờ khóc” thắng Giải Phim đầu tay xuất sắc nhất tại LHP Quốc tế Berlin 74 - ảnh 2"Giải thưởng này quan trọng cho chúng tôi, vì nó giúp lan toả cách nhìn khác về một quốc gia nhỏ bé, và bởi đó, nó góp phần làm cho cách hiểu này không bị biến mất." - Phát biểu của đạo diễn Phạm Ngọc Lân tại Lễ trao giải LHP Berlin/ Ảnh: fb Cu li không bao giờ khóc

Dàn diễn viên của bộ phim còn có diễn viên Xuân An, Hoàng Hà, Cao Sang và người mẫu tHà Phương. Đồng hành thực hiện bộ phim “Culi không bao giờ khóc” còn có nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc và Nghiêm Quỳnh Trang.

Theo chia sẻ của đạo diễn Phạm Ngọc Lân, quá khứ của bà Nguyện bị đè nặng bởi gánh nặng của lịch sử và thời gian. Bộ phim là một câu hỏi đầy nghi ngờ về hạnh phúc mà bà Nguyện và chính những người làm phim như anh không ngừng tìm kiếm.

NSND Minh Châu chia sẻ: “Thật ra những nhân vật thế này tôi nghĩ sẽ có ở khắp mọi nơi. Khi nhận vai này, tôi thấy có mình trong đó, có những tình cảm, khắc khoải, mong muốn trong đó. Tôi nghĩ đây là nhân vật đại diện cho thế hệ của tôi, ai nhìn vào nhân vật này cũng sẽ thấy mình trong đó.”

“Cu li không bao giờ khóc” thắng Giải Phim đầu tay xuất sắc nhất tại LHP Quốc tế Berlin 74 - ảnh 3Một cảnh trong phim Cu li không bao giờ khóc (Cu li never cries) - Ảnh:fp Cu li không bao giờ khóc

Các phim ngắn trước đó của Phạm Ngọc Lân bao gồm “Chuyện mọi nhà’ chiếu tại Vision du Reél, “Thành phố khác” chiếu tại Berlin, “Một khu đất tốt” và “Dòng sông không nhìn thấy” được chiếu tại nhiều Liên hoan phim như Locarno (Thuỵ Sỹ) và Sundance (Hoa Kỳ). “Cu li không bao giờ khóc” là bộ phim dài đầu tiên của anh. Năm 2017, Cu li không bao giờ khóc” từng nhận tài trợ cho phát triển kịch bản tại Liên hoan Phim Rotterdam (Hà Lan) và nhận quỹ L’Atelier tại Liên hoan Phim Cannes (Pháp). Trước đó, ‘Một khu đất tốt’ của Phạm Ngọc Lân từng tham gia hạng mục phim ngắn tại Liên hoan Phim Berlin 2019.

Trước đó, phim của Phạm Ngọc Lân xuất hiện trong 15 trang của tạp chí nghệ thuật FAR-NEAR tại số báo Vol. 5.
“Cu li không bao giờ khóc” thắng Giải Phim đầu tay xuất sắc nhất tại LHP Quốc tế Berlin 74 - ảnh 4

Trích đoạn 1 trang, cùng phần bìa báo là cảnh phim Một Khu Đất Tốt (2019). - Ảnh fp Cu li không bao giờ khóc

Trên Universal Cinema, Bita Habibi viết “Bằng cách sử dụng những ý niệm về thời gian và sự trở về, "Cu li không bao giờ khóc đã mô tả câu nói “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông” một cách đẹp đẽ. Và để tìm được “miền đất hứa” trong một hành tinh luôn xoay vần bận rộn như thế này, là điều không thể.”

Trên trang tin ICS, Matthew Joseph Jenner nhận xét: “Bộ phim phức tạp hơn nhiều so với những gì chúng ta tưởng tượng khi lần đầu lướt qua. Đạo diễn đã dệt nên một câu chuyện kì lạ nhưng đầy mê hoặc về danh tính và sự tiếc thương. Một bối cảnh văn hóa xã hội sống động được đạo diễn khai thác kỹ càng, và gợi ra rằng: bên dưới đó, không cần thiết phải logic, và đôi khi còn chủ đích chạm đến sự mơ hồ, là nhiều điều sâu sắc đang sục sôi. Người xem được đưa vào một không gian mơ hồ giữa quá khứ và hiện tại, được nhìn tận mắt văn hóa Việt Nam qua nhiều lăng kính khác nhau. Tất cả tạo nên hình ảnh tổng thể về một đất nước liên tục bị mắc kẹt giữa quá khứ đầy nhọc nhằn và tương lai hứa hẹn.”

Vượt qua rất nhiều khó khăn phát sinh khi quay phim, kinh phí eo hẹp, chỉ có sự nỗ lực tự thân không ngừng của những người làm phim độc lập… chiến thắng của "Cu li không bao giờ khóc" một lần nữa cho thấy những hy vọng phát triển thực sự về nghệ thuật của điện ảnh Việt, nếu muốn vươn tới những tầm cao.

Liên hoan Phim Berlin ra đời vào năm 1951, được coi là một trong ba liên hoan phim lớn và uy tín nhất thế giới bên cạnh Liên hoan Phim Venice của Italy (1932) và Cannes của Pháp (1946). Ngoài 'Cu li không bao giờ khóc', Việt Nam từng có 'Cha và con và…' của Phan Đăng Di (2015), 'Nước: 2023' (2014) của Nguyễn Võ Nghiêm Minh và 'Vị' của Lê Bảo (2019) góp mặt tại Liên hoan Phim Berlin. Trong đó, ‘Cha và con và...’ (2015) là phim Việt đầu tiên góp mặt ở hạng mục Tranh giải (Competition) tại Liên hoan phim Berlin.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu