"Với sân khấu thiếu nhi, đề tài nào, xuất xứ ở đâu cũng được, bởi mục đích là khán giả thiếu nhi có thể cảm nhận được điều những người nghệ sĩ muốn gửi gắm. Điều quan trọng là làm như thế nào để những giá trị tốt đẹp có thể đến với các em một cách tự nhiên." NSND Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam chia sẻ với phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam về các chương trình sân khấu dành cho thiếu nhi hiện nay.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
NSND Xuân Bắc - Ảnh: VTC News |
Vâng, thưa Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Bắc, trong vai trò là Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật của Liên hoan sân khấu thiếu nhi vừa rồi lần đầu tiên được tổ chức tại Hải Phòng, sau kỳ liên hoan này thì chắc sẽ có rất nhiều tâm tư được ấp ủ, về những sân khấu chuyên nghiệp dành cho các bạn nhỏ?
NSND Xuân Bắc: Vâng, như trong bài phát biểu tổng kết về nghệ thuật của tôi khi kết thúc liên hoan thì tôi có nói là đây là một kỳ liên hoan mang tính lịch sử. Bởi lẽ là có lẽ bắt đầu từ đây sẽ có nhiều đơn vị, nhiều tỉnh, thành phố, các cơ quan liên quan quan tâm nhiều hơn đến sân khấu thiếu nhi. Và ai cũng biết rằng sân khấu dành cho thiếu nhi là rất quan trọng, rất cần thiết. Thế nhưng đầu tư xứng đáng hay chưa thì tôi có thể khẳng định trả lời luôn là chưa, thậm chí có nhiều nơi còn chưa hề có đầu tư, chưa hề có quan tâm chứ đừng nói đến là xứng đáng.
Tôi cũng mong muốn kỳ Liên hoan này trở thành một cú hích để tất cả mọi người thấy được rõ tầm quan trọng của nghệ thuật nói chung, đặc biệt là nghệ thuật sân khấu đối với sự phát triển đầy đủ của trẻ em. Đầu tiên các em sẽ biết đến nghệ thuật sân khấu, thích nghệ thuật sân khấu, cảm nhận nghệ thuật sân khấu, và nếu các em đam mê thì chúng ta cũng đã tạo ra một nguồn các nghệ sĩ ngay từ khi còn nhỏ.
Việc đưa sân khấu vào trường học cũng là con đường lâu dài để các em có thể tìm hiểu, cảm nhận cái hay, cái đẹp của nghệ thuật sân khấu và cũng là một cái sân chơi rất là hữu ích, thường xuyên với các em.
NSND Xuân Bắc: Các trường cũng mong muốn có một câu lạc bộ, một sinh hoạt ngoại khóa, có sân khấu. Thế nhưng không phải trường nào cũng có đầy đủ cơ sở vật chất để đáp ứng. Thời gian gần đây tôi nhận được rất nhiều những lời mời về tư vấn cũng như là những lời mời làm giám khảo hay hướng dẫn cho các cuộc thi của các bạn, là sân khấu hóa các tác phẩm văn học. Đó là các bạn đưa lên sân khấu: Những nhân vật mình được học trong sách giáo khoa, trong tưởng tượng của các bạn thế nào, các bạn dàn dựng ra làm sao? Điều này rất là quan trọng. Và các bạn hào hứng vô cùng.
Nhung khi tham gia một vài chương trình tôi thấy hơi tiếc. Việc học sinh hiểu tác phẩm như thế nào là thông qua phân tích của thầy cô, thông qua tìm hiểu của các bạn. Thế nhưng đưa lên sân khấu như thế nào thì phải để các bạn tự do sáng tạo theo óc sáng tạo của các bạn. Nhưng nhiều trường đưa tác phẩm lên sân khấu nhưng lại nhờ, thuê những đơn vị chuyên nghiệp để dàn dựng cho các bạn. Trong khi đóhọc sinh không hiểu niêm luật của sân khấu như thế nào sẽ chỉ làm một cách máy móc và rất là phí, các bạn đang bắt buộc làm diễn viên. Nhưng tôi nghĩ rằng sẽ đầy đủ hơn nếu như các bạn hiểu về tác phẩm thế nào, muốn diễn tả nó ra làm sao. Và như vậy cần lắm những giờ và những buổi workshop, training cho học sinh và kể cả các thầy cô hiểu về nghệ thuật sân khấu như thế nào.
Ở đây tôi cũng chia ra hai loại: Một là sân khấu khoa giáo hai là sân khấu thưởng thức. Sân khấu khoa giáo là như thế nào? Đó là trích đoạn mẫu sân khấu, cho các em và các cô phân tích: vì sao lại thế, đặc trưng của tuồng là gì? Đặc trưng của chèo là gì? Đặc trưng của cải lương là gì? Múa rối là gì? Sân khấu kịch là gì? Cho các bạn tiếp cận với những cái hay, cái đẹp, cái tốt của loại hình và sau đó đưa các bạn đi xem sân khấu để thưởng thức, để xem biểu diễn. Lúc đó các bạn xem mới vào, vì lúc đó sẽ có kiến thức nền về loại hình đấy rồi, sẽ hiểu, sẽ yêu, sẽ thích. Chứ ngay lập tức đưa các bạn vào thì sẽ không đủ thông tin để các bạn phân tích.
Về phía những người làm nghề, Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Bắc cũng đã từng chia sẻ rằng chúng ta cũng nên phân định giữa tác phẩm sân khấu về đề tài thiếu nhi và tác phẩm sân khấu dành cho thiếu nhi. Vậy thì anh có thể chia sẻ cụ thể hơn quan điểm của mình.
NSND Xuân Bắc: Điều này cũng dễ gây ra sự nhầm lẫn. Đề tài về thiếu nhi, tức là lấy thiếu nhi làm trung tâm để kể một câu chuyện và chúng ta đưa ra những nội dung ý nghĩa, thậm chí tính tư tưởng trong đó. Cái đấy không phải sử dụng những thủ pháp ngôn ngữ phức tạp để tiếp cận với thiếu niên, nhi đồng, mà câu chuyện phải thật đơn giản đối với thiếu nhi, ngôn ngữ thật trong sáng, gần gũi với các bạn. Đối với thiếu nhi phải phân định rạch ròi cái xấu, cái tốt, đừng khiến các bạn hiểu lầm, đừng dùng những thủ pháp gì đó quá cao siêu…Hay tiếp cận đơn giản thì mỗi lứa tuổi, mỗi giới tính sẽ khác nhau, nhưng tựu chung lại giống như trong giảng dạy các thầy cô hay có những giáo cụ trực quan, thì sân khấu cũng phải cụ thể tất cả mọi thứ.
Còn nếu như sân khấu đề tài về thiếu nhi, là phản ánh về thiếu nhi chứ không phải là tác phẩm đấy dành cho thiếu nhi …và bất kỳ người lớn nào cũng đều xem được, cũng đều thấy trách nhiệm mình trong đó. Nếu như làm được điều này, còn có quan hệ rất biện chứng giữa tâm lý của đối tượng được phản ánh trên sân khấu và đối tượng đang xem dưới sân khấu.
Vở kịch Vị vua không ngai của Nhà hát Tuổi trẻ |
Khi mà nhìn lại những tác phẩm sân khấu tham gia kỳ liên hoan vừa rồi, cũng có tương đối nhiều những cái kịch bản lấy cái chất liệu từ nước ngoài. Có một ý kiến cho rằng chúng ta cần nhiều hơn nữa những tác phẩm mang bản sắc Việt. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng chúng ta cũng cần một bước chuyển để sau này chúng ta sẽ có nhiều những tác phẩm mang dấu ấn Việt. Ý kiến của anh như thế nào?
NSND Xuân Bắc: Cả hai ý kiến mà bạn nêu ra đều đúng. Nếu như chúng ta lấy mục đích thông qua những tác phẩm này để gửi tới các em những cái hay, cái đẹp, đáng tự hào của văn hóa truyền thống hay những giá trị truyền thống tốt đẹp của ông cha, thì chúng ta lấy chất liệu của Việt Nam. Còn nếu như với mục đích là hướng các em tới những yếu tố mang tính con người cụ thể, ví dụ như là biết đấu tranh cho lẽ phải, biết bảo vệ cái đẹp, bài trừ cái xấu, biết yêu thương gia đình đồng loại, biết bảo vệ môi trường… chẳng hạn thì tôi nghĩ là đề tài nào hay là xuất xứ ở đâu cũng được. Bởi vì mục đích chính của chúng ta, là các em cảm nhận được cái điều chúng ta đang muốn nói.
Tất nhiên trong những tác phẩm Việt của mình cũng có những tác phẩm đạt được những tiêu chuẩn, tiêu chí đấy. Đây là do cảm hứng sáng tạo của những người sáng tạo. Tôi nghĩ đừng có quá cực đoan khi buộc phải dùng những tác phẩm mang đậm đà bản sắc Việt Nam. Đó chính là mình, làm cách nào đó để giá trị văn hóa dân tộc được phả vào các em một cách tự nhiên. Và tôi phải nói thật là không qua một tác phẩm mà thay đổi được đâu. Nó là kết quả của ý thức hệ, của nền giáo dục, của sinh hoạt trong gia đình, của hàng xóm, của cộng đồng vv và vv… mới tạo ra nhận thức của một em nhỏ và sau này là nhân cách của một con người. Cũng không phải tự nhiên mà nhiều tác phẩm của nước ngoài có sức sống hàng trăm năm, có những tác phẩm được dàn dựng trên cả trăm quốc gia trên toàn thế giới.
Tất nhiên, tôi vẫn ủng hộ chúng ta kể những câu chuyện nó thuần Việt, nó mang những hình ảnh của 4000 năm lịch sử dựng nước, giữ nước, mang những nét đẹp của ông cha để phả vào cho các bạn nhỏ. Nhưng tôi cũng không bài trừ, cũng không phản đối giáo dục các em nhỏ thông qua những câu chuyện các em yêu thích về những giá trị nhân bản, dù là tác phẩm xuất xứ ở đâu nhưng nếu đem lại cho các em nhận thức đầy đủ, đúng đắn về tình yêu thương, về bảo vệ môi trường trái đất, vân vân, về những điều tốt đẹp, thì chúng ta dàn dựng để các em xem. Và còn một điểm quan trọng nữa, muốn gì thì gì, một trong những tiêu chí cực kỳ quan trọng khi làm sân khấu cho trẻ em, đó là phải thu hút và hấp dẫn.
Trân trọng cảm ơn anh.