Ngược dòng Hà Nội cùng ca dao

Võ Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Những dòng sông Hà Nội bao đời nay cũng là nguồn cảm hứng cho biết bao áng văn thơ lưu danh thiên cổ.

Nghe âm thanh bài tại đây:

Việt Nam chúng ta vốn được biết đến là một quốc gia văn hiến, có nền văn hóa lâu đời với các đô thị đã có tuổi đời cả nghìn năm. Trong đó Thăng Long - Kẻ Chợ - Hà Nội là điểm sáng, là trung tâm trong nền văn minh châu thổ sông Hồng.
Và khởi nguồn để hình thành nên con người, cảnh quan và cả một không gian văn hóa cho Hà Nội, chúng ta không thể quên dấu ấn của những dòng sông. Ngày nay hầu hết các dòng sông chảy qua địa phận thành phố Hà Nội đã thu hẹp dần, có nhiều biến đổi so với những gì được miêu tả trong các câu ca dao xưa.
Tìm về những câu ca này, người hôm nay thấy được khi xưa sông Hồng, sông Tô Lịch, sông Nhuệ và bao dòng chảy qua đất kinh kỳ đã từng trong xanh, nên thơ ra sao. Những dòng sông Hà Nội bao đời nay cũng là nguồn cảm hứng cho biết bao áng văn thơ lưu danh thiên cổ.
Ngược dòng Hà Nội cùng ca dao - ảnh 1Sông Hồng - Ảnh: Báo Dân trí

Là vùng đất thuộc châu thổ sông Hồng, có 7 con sông dài chảy qua địa phận Hà Nội, gồm: sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, sông Nhuệ, sông Cầu, sông Đáy, sông Cà Lồ. Ngoài ra còn có sông Tích và hai con sông ngắn khác, chủ yếu chảy trong nội thành, là sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu. Ngày nay, một số dòng sông như sông Nhuệ, sông Tô Lịch, Kim Ngưu đang trong tình trạng báo động về ô nhiễm. Thế nhưng ngược thời gian trở về quá khứ, những con sông này cùng với bao dòng chảy uốn quanh Hà Nội hiện lên một cách trong lành, thơ mộng, đã đi vào nhiều áng ca dao.

Ca dao xưa có câu: “Nhị Hà quanh Bắc sang Đông/ Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này”. Câu ca đúc kết địa thế của Hà Nội với con sông lắng bồi phù sa đi cùng với văn minh châu thổ sông Hồng, với lịch sử ngàn năm của Thăng Long - Kẻ Chợ - Hà Nội.  Năm 1010, khi Lý Công Uẩn rời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, trong “Chiếu dời đô” có nhắc tới câu: “Tiện giang sơn hướng bội chi nghi” (Có nghĩa là: “Tiện hình thế nhìn sông tựa núi” chỉ địa thế núi sau sông trước). Tựa núi là tựa vào núi Tản Viên - Ba Vì – Tam Đảo, còn nhìn sông, là cả thành phố nhìn ra sông Cái (tức sông Hồng). Ca dao xưa đã nhắc tới địa thế này của Thăng Long: “Khen ai khéo họa dư đồ/ Trước sông Nhị Thủy sau hồ Hoàn Gươm”. Nhà thơ Nguyễn Thế Kiên cho rằng sông Hồng và sông Tô Lịch là hai dòng sông điển hình trong ca dao. Ông điểm lại một số câu ca tiêu biểu nói về hai dòng sông huyền tích như câu: “Sông Tô mấy khúc uốn vào/ Ấy là có lắm anh hào ở trong/ Sông Tô một dải lượn vòng/ Ấy nơi liệt nữ anh hùng giáng sinh/ Sông Hồng một khúc uốn quanh/ Văn nhân tài tử lừng danh trong ngoài”. Nói về vẻ đẹp và không khí sông Tô Lịch xưa, ca dao có câu: “Sông Tô nước chảy trong ngần/ Con thuyền buồm trắng chạy gần chạy xa/ Thon thon hai mũi chèo hoa/ Lướt đi lướt lại như là bướm gieo”. Nói về tâm tình người xưa có câu: “Biết nhà cô ở đâu đây/ Hỡi trăng Tô Lịch, hỡi mây Tây Hồ/ Mình đi có nhớ kinh đô/ Nhớ trăng Tô Lịch, nhớ Hồ Gươm trong”. Hình ảnh sông Hồng xuất hiện trong câu ca: “Thanh Trì có bánh cuốn ngon/ Có gò Ngũ Nhạc có con sông Hồng/ Thanh Trì cảnh đẹp người đông/ Có cây sáo trúc bên đồng lúa xanh”.

Tự thuở xa xưa, hai dòng sông là sông Hồng và sông Tô Lịch đã trở thành nguồn cảm hứng của nhiều áng ca dao. Cũng dễ hiểu bởi không chỉ đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người dân, sông Tô, một phân lưu của sông Hồng len lỏi luồn khắp nội ngoại thành Thăng Long với cảnh quan thơ mộng từ thời Lý đã trở thành nơi du ngoạn của vua chúa. Theo truyền thuyết tên gọi sông Tô Lịch có nguồn gốc của một vị già làng họ Tô, tên Lịch, một vị đứng đầu “Long Đỗ hương” tức là làng gốc đầu tiên trên đất Hà Nội. Từ thuở Hà Nội còn là ngôi làng nhỏ bên bờ sông Tô Lịch, ở đây đã có một quả núi đất thiên tạo được gọi là Nùng sơn. Trên đỉnh Nùng sơn có một ngôi đền. Đền thờ thần Long Đỗ, tức là thần sông Tô Lịch. Năm 1882, khi thực dân Pháp đánh chiếm thành Hà Nội, người Hà Nội đã cảm khái: “Trời cao biển rộng đất dày/Núi Nùng sông Nhị chốn này làm ghi”.

Men theo những câu ca xưa, có thể thấy thuở ấy là nơi diễn ra các lễ hội, hát chèo, múa rối nước thu hút đông đảo dân chúng. Cùng với sông Hồng và sông Kim Ngưu, sông Tô Lịch tạo thành một “Tứ giác nước” bao bọc Thăng Long – Hà Nội. Dòng chảy Tô Lịch còn đắp bồi, tạo nên nét thanh bình, trù phú cho nhiều làng trong phố, làng ở ngoại thành. Núi Nùng, sông Tô là cặp biểu tượng “sông – núi” của đất địa linh nhân kiệt Thăng Long - Hà Nội. Qua việc lần giở những câu ca dao, Nhà Phê bình văn học Vũ Nho ngược về quá khứ của một dòng sông. Là người Hà Nội, mấy ai không biết đến mấy câu ca: “Làng tôi có luỹ tre xanh/ Có sông Tô Lịch uốn quanh xóm làng/ Bên bờ vải, nhãn hai hàng/ Dưới sông cá lội từng đàn tung tăng”. Tự thuở xa xưa, cảnh quan sông Tô Lịch đã rất rộng, đẹp và nên thơ: “Nước sông Tô vừa trong vừa mát/ Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh/ Dừng chèo muốn tỏ ân tình/ Sông bao nhiêu nước thương mình bấy nhiêu”.

Các cửa ô Hà Nội xưa đều là các cửa nước ở ngã ba sông. Sông Nhị Hà, sông Tô, sông Kim Ngưu vẫn tiếp tục chảy xuống phía Nam, thêm sông Nhuệ ở phía Tây, sông Nhị ở phía Đông, tạo thành mạng lưới sông nằm giữa Đông (Nhị Hà), Tây (sông Nhuệ, sông Đáy) mà nổi bật và gắn bó hữu cơ với Thăng Long - Hà Nội là sông Sét (Thịnh Liệt) và sông Lừ. Các nghiên cứu đã chỉ ra các di tích tiền - sơ sử và lịch sử Thăng Long cổ đều phân bố ở các vùng ven sông. Những con sông, ngoài việc góp phần định danh cho Hà Nội còn đóng vai trò quyết định trong việc hình thành văn hóa - các vùng văn hóa cho Hà Nội. Trong tâm linh dân gian, tụ thủy là tụ nhân, điều đó đã được đúc rút trong ca dao: “Sông Tô mấy khúc uốn vào/ Ấy là có lắm anh hào ở trong/ Sông Tô một dải lượn vòng/ Ấy nơi liệt nữ anh hùng giáng sinh/ Sông Hồng một khúc uốn quanh/ Văn nhân tài tử lừng danh trong ngoài”.

Làn nước trong xanh và khung cảnh thanh bình bên dòng sông Tô Lịch chỉ còn là hình ảnh quá vãng trong ca dao – Những câu ca gợi nhớ về vẻ đẹp xưa cũ của Hà Nội. Theo Nhà thơ, Tiến sĩ Phạm Đình Ân, con sông có thể đổi màu, đổi dòng, bị lấp bồi đi nhưng giá trị của ca dao thì không hề mai một theo thời gian.

Đọc lại, nghe lại những vần ca dao về các con sông chảy qua địa phận Hà Nội, người hôm nay thấy được vẻ đẹp nên thơ trong quá khứ của các dòng chảy đã bồi lắng phù sa, kết tạo nên thành phố hơn nghìn năm tuổi với bề dày truyền thống lịch sử và văn hóa. Kết nối hai điểm nhìn quá khứ và hiện tại về những dòng sông, trong tâm trạng người đương thời cũng lắng đọng bao cảm xúc, tâm trạng

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu