Người mẹ của hai nhà thơ

Anh Thư
Chia sẻ
(VOV5) - Mẹ không chỉ là quá khứ mà còn là hiện tại, là tương lai. Mẹ làm nên hồn cốt của đất đai, của quê hương xứ sở, là điều đẹp đẽ nhất có thật ở trên đời. 

Xứ sở nơi chúng ta đang sống có nhiều câu chuyện giản dị, lạ lùng mà kì diệu, trong đó có chuyện về người mẹ. Những người mẹ chân yếu tay mềm có con là anh hùng, dũng sỹ. Những người mẹ mù chữ nuôi dạy con trở thành thiên tài, nghệ sỹ, trí thức. Một trong những người mẹ chân yếu tay mềm và mù chữ ấy đã sinh cho đất nước này hai nhà thơ nổi tiếng: nhà thơ Trần Nhuận Minh và nhà thơ Trần Đăng Khoa. Cả hai đều được nhận giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật, có những đóng góp đầy dấu ấn cho văn chương nước nhà.

Người mẹ của hai nhà thơ - ảnh 1Nhà thơ Trần Đăng Khoa bên Mẹ.
Nghe âm thanh bài tại đây qua giọng đọc PTV Thành Tuấn:
Mở trang thơ Trần Đăng Khoa, luôn thấy ăm ắp hình bóng mẹ…

Mẹ ơi
Con đang bay trên cao thẳm bầu trời
Như Hoàng tử trong chuyện xưa mẹ kể
Trước mặt con là vòm xanh êm ru
Vẫn từng xanh trên mái nhà mình...
Con biết chiều nay bên rặng cúc tần
Mẹ lại đứng nhìn lên đây
Như mỗi lần nắng ngả
Nhưng chắc mẹ chẳng hình dung thằng con trai của mẹ,
                                                    cái hòn đất thô của mẹ
Đang lượn bay trên cao thẳm bầu trời

Thật đấy mà, con trai của mẹ đây
Con đang ngồi viết thư bên cửa sổ máy bay
Và nhớ mẹ

Đó là những câu mở đầu bài Bức thư viết bên cửa sổ máy bay, nhà thơ Trần Đăng Khoa hoàn thiện năm 1981. Nhưng ở hình thức lá thư, thì nó được chắp bút ngày 15-7-1979, với lời mở đầu Kính gửi mẹ ở làng quê. Người thanh niên xuất thân từ nông thôn, trong một gia đình nông dân, lần đầu tiên đi máy bay, bay vào vùng trời khác, cao hơn rộng hơn góc sân khoảng trời quê nhà, thế nên không khỏi xúc động, và ý nghĩ đầu tiên là hướng về mẹ, bồi hồi với những hoài niệm trong sáng ắp đầy hạnh phúc nơi quê nhà tuổi thơ. Sâu thẳm trong trái tim nhà thơ, hình ảnh mẹ luôn hiện hữu, cả lúc hạnh phúc, lúc hiểm nguy, lúc thành công thành danh hay những khi lo buồn trăn trở. Mẹ chính là sợi dây nối ông với cuộc đời này. Và trong suốt hành trình sống, nhà thơ Trần Đăng Khoa luôn tâm niệm làm theo những lời mẹ dặn, trong công việc, trong đối nhân xử thế, trong đạo làm người.

Mẹ ơi, có thể trong cuộc chiến đấu này
Con sẽ ngã xuống
Ngã xuống bình thường
Như bao đồng đội của con
Để mái nhà gianh mẹ được yên ả
Dưới sắc nắng vàng...

Người mẹ của hai nhà thơ - ảnh 2Nhà thơ Trần Đăng Khoa cùng mẹ và em gái khi còn nhỏ. - Ảnh: NVCC

Người mẹ của nhà thơ Trần Đăng Khoa bình dị như bao phụ nữ nông thôn miền Bắc xưa kia, cũng răng đen tóc vấn, áo nâu quần thâm, hàng ngày tất tả với việc đồng áng, chợ búa, vườn tược. Cụ chưa một ngày được đến trường, chỉ tự học chữ theo cách của riêng mình, hẳn không thể kèm cặp các con về kiến thức sách vở, nhưng cụ lại là người thầy đầu tiên của các con. Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết, cụ đã học chữ từ những trang Kiều.

Ảnh hưởng của người mẹ đối với con cái vì thế luôn là điều dễ hiểu, vừa mang tính huyết thống tự nhiên, vừa mang ý nghĩa xã hội. Tuy nhiên mức độ ảnh hưởng của người mẹ như thế nào, có sức chi phối ra sao trong cách nhìn, cách cảm, cách bao quát về cuộc sống của người con thì lại khác nhau. Người mẹ của hai nhà thơ Trần Nhuận Minh và Trần Đăng Khoa sống trọn cuộc đời ở nông thôn, cách nhìn cuộc sống của người mẹ ấy mang đậm dấu ấn dân gian, tôn trọng tự nhiên, tôn trọng sự sống, tôn trọng cả những sự vật tưởng như vô tri, coi chúng có ý thức và đời sống riêng giống như con người. Quan niệm và cách đối nhân xử thế ấy đã gieo vào lòng chú bé Trần Đăng Khoa những hạt mầm nhân ái. Qua năm tháng, những hạt mầm cùng bao câu ca dao, dân ca, chuyện cổ tích, truyện thơ Nôm mà người mẹ đã thủ thỉ hàng đêm, trong tiếng võng đưa đều đều, tiếng giường tre cót két, tiếng muỗi kêu vo ve nơi mái gianh lụp xụp, góp phần không nhỏ vào quá trình hình thành cảm xúc tâm hồn của cậu bé Trần Đăng Khoa. Trong đêm tối, cậu vẫn nghe được tiếng động khẽ khàng của chiếc lá rơi nghiêng:

Ngoài thêm rơi chiếc lá đa

Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng

                          (Bài thơ Đêm Côn Sơn)

Những quan sát vừa hồn nhiên vừa giàu chất thơ trước quang cảnh đồng chiều:

Luống cày còn thở sủi tăm

Sương buông cho đống hoang nằm chiêm bao

                           (Bài thơ Đồng quê)

Hay cái nhìn mơ mộng:

Đất trời cách một gang mây

tôi cùng với luống cày tỏa hương

                        (Bài thơ Đồng chiều)

       Cả niềm cảm thương tưởng chừng rất nhỏ:

Thương một quãng đường chói nắng

Mầm hoa đạp đất vươn lên

                          (Bài thơ Hoa dại)

Khi bà ngoại muốn ăn một miếng trầu, mẹ dặn cậu bé Khoa soi đèn, đọc bài đồng dao đánh thức cây trầu để hái. Và khi bà ngoại mất, mẹ lại xé chiếc khăn tang ra thành nhiều mảnh nhỏ và dặn: “Con hãy ra đeo tang cho cây cối đi, không cây nó héo lụi mất. Bà mất rồi. Con thấy cây cối nó có buồn không?”. Từ những lời mẹ dạy, từ tình huống có thật đó, sau này Trần Đăng Khoa viết bài thơ nổi tiếng “Đánh thức trầu” đậm chất đồng dao: Đã ngủ rồi hả trầu/ Tao đã đi ngủ đâu/ Mà trầu mày đã ngủ/ Bà tao vừa đến đó/ Muốn xin mấy lá trầu/Tao không phải ai đâu/ Đánh thức mày để hái/ Trầu ơi, hãy tỉnh lại/ Mở mắt xanh ra nào/ Lá nào muốn cho tao/ Thì mày chìa ra nhé/ Tay tao hái rất nhẹ/ Không làm mày đau đâu...”

Người mẹ của hai nhà thơ - ảnh 3Nhà thơ Trần Đăng Khoa bênbạn bè - Ảnh: NVCC

Những tri thức và tình cảm mà người mẹ ấy truyền cho con là tri thức và tình cảm muôn đời của cuộc sống, chẳng hề xa lạ trong dân gian, nhưng bằng một cách đặc biệt, vừa mộc mạc, vừa trân trọng, cụ đã gìn giữ và gửi gắm tới các con mình. Trong số bốn người con của cụ, nhà thơ Trần Nhuận Minh là con trai lớn nên cụ rèn cặp rất nghiêm khắc, đầu xuôi thì đuôi lọt, các em cũng phải nhìn vào anh để trưởng thành. Ngay khi Trần Đăng Khoa đang được ngợi ca được nổi tiếng, thì trong mắt người mẹ ấy, Khoa là Khoa của mẹ thôi. Nhà nghèo, lại hay có khách, nhiều khách từ Hà Nội về, từ tỉnh xa đến, chủ yếu để gặp cậu bé thần đồng, hẳn cụ đã phải thu vén tảo tần lắm để lo cho khách, dù chỉ là bữa cơm rau dưa đơn giản ở cái thời khó khăn khan hiếm tiền bạc thực phẩm. Người mẹ ấy đã đi vào thơ Trần Đăng Khoa, giản dị tự nhiên như đất đai, như hạt lúa, hạt phù sa. Trong làng mạc, trong dáng hình quê hương xứ sở luôn có mẹ, luôn hiện hữu những điều ruột thịt nhất, những giao cảm thân gần nhất của tình mẹ con:

Đất ơi, hãy nói giùm tôi, núm nhau tôi mẹ vùi ở nơi nào

Mà cơn mưa xói mòn làm da tôi bỏng rát

Mà trận nắng chết cây làm tim tôi đau thắt

Đất ơi, núm ruột tôi đất giữ ở nơi nào?

                                        (Bài thơ Đất ơi)

Có thể nói, mẹ chính là ngọn nguồn cảm xúc trong thơ Trần Đăng Khoa, thuở nhỏ cũng như sau này. Khi đã qua tuổi thiếu niên, trở thành người lính, người chồng, người cha, thì mẹ vẫn là miền không gian mát lành, níu ông về với góc sân và khoảng trời tuổi nhỏ. Mẹ không chỉ là quá khứ mà còn là hiện tại, là tương lai. Mẹ làm nên hồn cốt của đất đai, của quê hương xứ sở, là điều đẹp đẽ nhất có thật ở trên đời. Để sau mỗi chặng đường gian lao, ông được trở về, được sưởi ấm trong tình thương đôi mắt mẹ. Ước mơ được trở về ngôi nhà gianh nơi thiên đường tuổi nhỏ mãi cháy lên thành những khát khao:

Xin mẹ cứ đọc Kiều
Cho căn nhà trở lại yên tĩnh
Dưới bóng cây bảng lảng hoàng hôn
Xin mẹ cứ ngồi tựa cửa chờ con
Như những ngày xưa
Mỗi chiều đi học về
Và mẹ lại lắng nghe
Tiếng bước chân bầy trẻ nhỏ
Chúng ôm sách, bá vai nhau, rúc rích cười, đi ngang qua cửa sổ
Đi ngang qua chiều
Yên tĩnh

...

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu