Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Hải Yến:
Mặc dù là một thể loại cực kỳ hấp dẫn, văn học khoa học viễn tưởng vẫn thường bị dán nhãn giải trí. Đây cũng là một rào cản khiến văn học khoa học viễn tưởng chưa thực sự được giảng dạy, nghiên cứu nhiều. Xuất phát từ thực tế trên, gần đây, Viện Văn học đã tổ chức tọa đàm “Văn học khoa học viễn tưởng: Từ trang sách đến bài học”, mong muốn đem đến một cái nhìn toàn diện hơn về vai trò và tầm vóc của thể loại này trong lịch sử văn chương. Văn học khoa học viễn tưởng có lịch sử như thế nào? Các tác phẩm khoa học viễn tưởng “made in Việt Nam” có tiềm năng ra sao?
Bị gán mác giải trí và không được giới hàn lâm quá lưu tâm, nhưng sức hút của văn học khoa học viễn tưởng lại là điều không thể phủ nhận. Độc giả Việt nhiều thế hệ chắc hẳn đã có những ngày say mê “Hai vạn dặm dưới đáy biển” của nhà văn Jules Verne hoặc “Người cá”, “Bột mì vĩnh cửu” của Aleksander Romanovich Belyaev… Tuy nhiên, khi bàn về văn học khoa học viễn tưởng “made in Việt Nam” thì đó lại là một câu chuyện khác.
ThS. Đặng Thị Thái Hà, Nghiên cứu viên Phòng Văn học Việt Nam đương đại, Viện Văn học cho biết không thể bao quát các nhánh của khoa học viễn tưởng. Chỉ xét riêng nhánh “first contact” (cuộc đụng độ đầu tiên) giữa con người và những cái không phải con người thì ở nước ta, vào năm 1941, đã xuất hiện hai tác phẩm là “Thám hiểm mặt trăng” và “Trên Hỏa tinh”, đều của tác giả Vũ Tinh, do NXB Cộng lực ấn hành: “Thám hiểm mặt trăng” và “Trên Hỏa tinh” đều được ghi là của Vũ Tinh nhưng thực chất, Tủ sách Hoa Mai này được mô phỏng theo một tủ sách khác mà chính nhà Cộng lực cũng nói đó là Tủ sách Hoa hồng (Pháp). NXB Cộng lực ra đời với một tôn chỉ rất rõ, mang tính khai sáng. Đấy là họ muốn đưa tủ sách của mình thành một tủ sách mang tính khai dân trí, gần như đối lập lại với cái mà họ chê là truyện diễm tình, những truyện làm mất thời gian của độc giả, làm nhu nhược cả người đọc thì họ đưa ra một tủ sách khác, chú trọng vào khoa học, vào những gì tinh hoa. Hai cuốn sách này được xuất bản trong tủ sách này của Cộng lực. Mục đích của Cộng lực cũng là đưa hai tác phẩm này vào các tủ sách gia đình, hoặc là đưa vào các thư viện công.”
Việc tiếp thu ảnh hưởng, học hỏi các mô típ của nước ngoài là điều dễ thấy trong các tác phẩm khoa học viễn tưởng Việt. Chẳng hạn, TS. Ngô Bích Thu, Phó trưởng Khoa Quan hệ công chúng – Truyền thông đa phương tiện, Đại học Hòa Bình chỉ ra rằng nhà văn Viết Linh, nhà văn hiếm hoi của nước ta theo đuổi đề tài khoa học viễn tưởng, cũng chịu ảnh hưởng rõ nét của nhà văn Mỹ Edgar Poe: “Có một điểm thú vị là khi khảo sát truyện của Viết Linh thì thấy ông có những điểm rất giống với cốt truyện của Poe và tương tự truyện khoa học của Poe. Truyện của Viết Linh thường nói về các hiện tượng, phát minh của loài người ở một số lĩnh vực khoa học cụ thể như là ông có nói về giấc mơ bay, chủ đề thôi miên, khám phá hành tinh khác… Edgar Poe cũng có những truyện rất nổi tiếng về chủ đề thôi miên như “Khám phá huyền diệu”, “Bí mật của nhà thôi miên”. Viết Linh cũng viết một truyện ngắn có tên “Bí mật của nhà thôi miên” và trong truyện này, ông cũng có những chi tiết thể hiện việc tiếp nhận, chịu ảnh hưởng từ truyện của Poe.”
Đặt văn học khoa học viễn tưởng Việt trong tương quan so sánh với Trung Quốc, TS. Nguyễn Thị Minh Thương, Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhận định: “Có thể thấy là nhìn trên những nét lớn, văn học khoa học viễn tưởng của Trung Quốc có lịch sử phát triển sớm hơn, có diện mạo đa dạng phức tạp hơn, đề tài chủ đề cũng rất là phong phú, dung lượng đồ sộ, kết cấu cốt truyện đa tuyến, nhân vật phức tạp. Trong khi đó thì truyện khoa học viễn tưởng Việt Nam có lịch sử phát triển muộn hơn. Vì vậy, diện mạo chưa thực đa dạng, dung lượng vừa phải, kết cấu cốt truyện cũng tương đối đơn giản
Về tính khoa học, truyện khoa học viễn tưởng Trung Quốc nghiêng về các yếu tố khoa học kĩ thuật cao, chuyên biệt, phức tạp như vật lý vi sinh, lượng tử, trí tuệ nhân tạo, người máy xuyên không không gian thời gian. Còn truyện khoa học viễn tưởng Việt Nam, như tôi thấy trong “Thiên mã”, hay là “Thần đồng và cuộc chiến bảo vệ Thủy Tháp”, tới “Hệ mặt trời xa lạ” của Lê Toán thì có sự giao thoa nhất định với truyện kì ảo. Cốt truyện, nhân vật, kiến thức khoa học cũng đơn giản.”
Rõ ràng, với lịch sử phát triển còn non trẻ so với các nước khác, văn học khoa học viễn tưởng Việt vẫn chưa thực sự có được những cốt truyện đặc sắc, hàm lượng khoa học còn đơn giản và vẫn đi theo những mô típ tương đối quen thuộc. Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Tổng thư ký Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam, văn học khoa học viễn tưởng cũng có những yêu cầu riêng đối với người viết: “Ai là tác giả của khoa học giả tưởng? Theo dịch giả Đỗ Ca Sơn, người dịch “Hai vạn dặm dưới đáy biển”, thì phải có ba tố chất. Thứ nhất phải là nhà khoa học. Thứ hai, đồng thời phải là nhà văn. Và thứ ba là đòi hỏi một việc là phải có tư duy đi trước thời đại. Ba tố chất ấy đều là rất khó cả. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nhà văn không viết được truyện khoa học giả tưởng. Ví dụ như Lưu Quang Vũ chẳng hạn, ông ấy đâu phải là nhà khoa học. Nhưng nếu không có sự giao lưu với các nhà khoa học thì không thể ra đời “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”.”
Tuy nhiên, văn học khoa học viễn tưởng ở nước ta cũng có những tín hiệu vui. Thực tế cho thấy, gần đây, chúng ta cũng có một số tác phẩm thuộc đề tài này như “Thần Đồng và cuộc chiến bảo vệ Thủy Tháp” của tác giả Trần Thu Hằng, “Tới hệ mặt trời xa lạ” của nhà văn Lê Toán, “Ác quỷ rừng phế tích” của tác giả Nam Thanh, họa sĩ Nguyễn Thành Phong (vẽ)… hoặc bộ sách “Người Sao Chổi” của tác giả 14 tuổi Cao Việt Quỳnh (Giải C Sách Quốc gia năm nay). Ngoài ra, truyện khoa học viễn tưởng đã được vào giảng dạy ở cấp phổ thông.
TS. Nguyễn Thị Minh Thương cho biết: “Sự đổi mới giáo dục hiện giờ là một chương trình ba bộ sách. Năm 2018, chương trình giáo dục phổ thông được ban hành và có rất nhiều điểm khác biệt so với trước. Trong đó, một trong những điểm khác biệt thu hút được sự quan tâm là đưa truyện khoa học viễn tưởng vào các cấp phổ thông. Cụ thể là lớp 5 và lớp 7. Trong chương trình giáo khoa lớp 5, về ngữ liệu văn học có yêu cầu: truyện dân gian, truyện ngắn, truyện khoa học viễn tưởng. Còn đến lớp 7, kiến thức văn học trong sách giáo khoa có yêu cầu là nhận biết được một số yếu tố của truyện khoa học viễn tưởng như đề tài, sự kiện, tình huống, cốt truyện, không gian, thời gian, nhân vật của truyện ngụ ngôn và truyện khoa học viễn tưởng. Và trong danh mục văn bản gợi ý của bản chương trình giáo dục phổ thông 2018 có tác phẩm “Hai vạn dặm dưới đáy biển” của Jules Verne.”
Không chỉ đem đến những cuộc phiêu lưu kì thú, văn học khoa học viễn tưởng còn hướng độc giả quan tâm tới các vấn đề khoa học. Đây vừa là mảnh đất của trí tưởng tượng vừa đòi hỏi người viết phải có kiến thức nhất định về khoa học. Hy vọng rằng bối cảnh 4.0 có thể tạo nên những cú huých cho văn học khoa học viễn tưởng nước nhà, thôi thúc các cây bút sáng tạo để chinh phục độc giả trong và ngoài nước.