Văn học trẻ đồng bằng sông Cửu Long – Từ ngã rẽ đến đường dài

Nguyễn Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Văn học đồng bằng sông Cửu Long nói chung, và văn học An Giang nói riêng, có một đội ngũ sáng tác trẻ nhiều hứa hẹn.

Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Đoàn Hùng:

Sự xuất hiện nhiều hơn về số lượng tác giả và tác phẩm có chất lượng đã cho thấy lực lượng sáng tác trẻ ở đây đang dần ổn định về phong cách, góp phần tạo nên diện mạo đương đại của văn học đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, làm sao để các cây bút trẻ đi được đường dài với văn chương?  

Những năm gần đây, Giải Tác giả Trẻ của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam đã gọi tên nhiều cây bút ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long như Nguyễn Bàng, Trần Sang, Nghiêm Quốc Thanh, Nguyễn Mạnh Hà…

Văn học trẻ đồng bằng sông Cửu Long – Từ ngã rẽ đến đường dài - ảnh 1

Tuy nhiên, theo tác giả Trương Chí Hùng, việc bồi đắp lực lượng sáng tác trẻ chưa bao giờ dễ dàng: “Văn học trẻ An Giang nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung thời gian qua và chính thời điểm hiện tại rất khởi sắc. Tuy nhiên khi bàn về văn học trẻ thì tôi cũng như nhiều người thường hay có nhận định là sự ồ ạt giai đoạn đầu sáng tác của các bạn trẻ không thể hiện được con đường dài của các bạn. Mấy bạn không đi dài hơi được hoặc mọi người thường hoài nghi về sự ổn định trong quá trình sáng tác của các bạn trẻ. Trên thực tế thì cũng vẫn có thật. Có những bạn trẻ khi tôi công tác tại trường đại học thì các bạn viết gửi cho Câu lạc bộ ở trường đại học của chúng tôi để đăng lên trang của Câu lạc bộ thì mấy bạn viết rất sắc nét. Chúng tôi cũng chăm chút động viên các bạn duy trì sáng tác nhưng sau đó, khi các bạn ra trường, công việc bề bộn, hầu như các bạn bỏ qua quá trình sáng tác. Mai một những cây bút như vậy, chúng tôi rất tiếc.”

Văn học trẻ đồng bằng sông Cửu Long – Từ ngã rẽ đến đường dài - ảnh 2Nhà văn Võ Diệu Thanh - Ảnh: Báo SGGP

Không thể phủ nhận, ở giai đoạn đầu, các cây bút trẻ đều có sự hăng hái. Nhưng không phải ai cũng có thể đi đường dài. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, chẳng hạn như từ áp lực cuộc sống, cảm thấy không còn đủ nhiệt huyết. Hoặc văn chương đơn thuần chỉ là một lựa chọn tay ngang, một ngã rẽ trong cuộc đời.

Nhà văn Võ Diệu Thanh, một cây bút sắc sảo của đồng bằng sông Cửu Long chia sẻ: “Bản thân tôi cũng đã từng viết rồi bỏ văn khoảng chừng 10 năm mới quay lại viết văn. Khi mình quay lại viết thì tay nghề của mình còn thua các bạn trẻ nữa. Sau đó tôi nghĩ là mình phải nhất tâm với nghề đó. Khi mình chọn văn chương hay bất cứ nghề gì để mình theo đuổi, mình phải xác định được mình theo đuổi nó vì cái gì. Nếu mà mình nói mình đi theo văn chương để được tên tuổi, để được khen ngợi, để được một cái danh vọng nào đó thì một lúc nào đó mình sẽ không làm được hoặc là mình bị mất cảm hứng thì để quay trở lại rất là khó.”

Nhà thơ Võ Tấn Cường (ở Tiền Giang), người đã theo đuổi văn chương từ năm 17 tuổi, cũng cho rằng chẳng thể nào gắn bó với văn chương nếu người viết không có đủ đam mê: “Nếu một người có năng khiếu bẩm sinh thiếu đi sự đam mê thì người sáng tác đó, nhất là những người sáng tác trẻ, sẽ không đi đường dài được. Bởi vì đam mê sẽ dẫn dắt mình đi. Đối với một người làm thơ thì bây giờ đứng trước một đời sống xã hội có rất nhiều biến động và những quan niệm sống, những giá trị sống bây giờ nó có sự đảo lộn. Và đối với những người trẻ, theo như tôi tìm hiểu, theo dõi họ sáng tác thì có rất nhiều bạn trẻ ban đầu họ có năng khiếu, họ làm thơ, thậm chí họ rất có tài, họ rất giỏi. Nhưng khi mà lựa chọn có dấn thân hay không vào con đường sáng tác thơ thì thường là họ lưỡng lự. Hoặc họ rẽ sang một hướng khác thì họ có thể đảm bảo cuộc sống của họ. Theo tôi bây giờ các bạn trẻ có nhiều con đường lựa chọn lắm. Có khi thơ chỉ như một hương hoa trong một giai đoạn cuộc đời nào đó thôi."

Văn học trẻ đồng bằng sông Cửu Long – Từ ngã rẽ đến đường dài - ảnh 3Tác giả Vĩnh Thông - Ảnh: vanvn.vn

Bên cạnh yếu tố tự thân, tác giả Vĩnh Thông, một trong những gương mặt trẻ tiêu biểu của văn học đồng bằng sông Cửu Long, nhắc tới yếu tố Hội, nhóm như một chất xúc tác đối với người viết: “Về góc độ cá nhân thì mình ít có sự ảnh hưởng của các hội nhóm. Tuy nhiên, nếu mà nói về góc độ chung của mọi người thì các bạn trẻ hiện nay nhờ các hội nhóm này mà các bạn ấy có thể thêm niềm cảm hứng để sáng tạo. Chúng ta biết rằng nếu mà sáng tác, mình ngồi ở nhà mình vẫn có thể viết được. Nhưng đôi khi vì lý do này lý do kia mà mình bỏ qua. Nhờ có hội nhóm này mà mình gặp gỡ bạn bè anh em đồng nghiệp, rồi cùng chia sẻ cùng tương tác với nhau thì nó sẽ kích thích mình, để mình có thêm động lực để mình viết.”

Bất kỳ ai cũng có thể yêu thích một câu thơ, một câu văn, nhưng để bước chân vào con đường sáng tác và theo đuổi nó một cách quyết liệt lại là một câu chuyện khác. Đối với đồng bằng sông Cửu Long, nơi có một lực lượng sáng tác trẻ đang phát triển mạnh mẽ, câu hỏi này càng trở thành trăn trở của các nhà văn thuộc nhiều thế hệ mà lời đáp vẫn cần thêm thời gian và những cuộc tiếp sức.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu