Nhà văn Viết Linh: Người mang “Giấc mơ bay” đã tới “Hành tinh kì lạ“

Kim Đồng
Chia sẻ
(VOV5) - Sau một thời gian chiến đấu với bệnh tật, nhà văn Viết Linh đã chính thức rời “Ga cuối cuộc đời” (tên một cuốn sách của nhà văn Viết Linh) vào trưa ngày 22/12/2021 tại Hà Nội.
Nhà văn Viết Linh: Người mang “Giấc mơ bay” đã tới “Hành tinh kì lạ“ - ảnh 1Nhà văn Viết Linh thời trẻ

Ông là người có những đóng góp đáng ghi nhận cho văn học thiếu nhi, đặc biệt là ở đề tài văn học giả tưởng và mảng sách khoa học cho thiếu nhi.

Nhà văn Viết Linh tên thật là Nghiêm Siêu, sinh năm 1931, quê ở Ứng Hòa – Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Ông là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam từ năm 1987.

Ông từng học Trường Đại học Sư phạm, khoa Sử, sau đó dạy học tại trường cấp 3 Nguyễn Huệ ở Thị xã Hà Đông. Năm 1960, ông về Nhà xuất bản Kim Đồng, làm việc tại Phòng Xã hội Chủ nghĩa, sau chuyển sang Phòng Khoa học cho tới khi nghỉ hưu vào tháng 7 năm 1992.  Ngoài bút danh Viết Linh, ông còn sử dụng bút danh Thanh Sơn, Tùng Sơn trong một số bài viết.

Là người yêu văn chương và sáng tác, ngay từ những năm còn là sinh viên, Viết Linh  đã có  truyện ngắn được in trên Tạp chí Sinh viên. Sau này, ông viết nhiều cho thiếu nhi, có thể kể ra đây những cuốn sách đã được xuất bản của ông và đã được độc giả thiếu nhi yêu thích như: “Bản thông cáo viết trên lá cây” (viết chung với Phạm Văn Đỗ) (1959); “Luống rau kết nghĩa” (1962); “Gánh xiếc lớp tôi” (1963); “Lá thư cá rô phi” (1964); “Một trận hỏa mù” (1965);  “Chiếc xe đạp gỗ” (1967); “Ông than đá” (1969); “Quả trứng vuông” (1970); “Quả xanh, quả chín” (1971); “Giấc mơ bay”, “Việc nhẹ nhất”, “Đúng như vậy”, “Ánh sáng vùng biển tối” (kịch bản phim hoạt hình); “Mái trường xưa”, “Huyền Trân công chúa” (tái bản đến 5 lần)…

Năm 1992, tác phẩm “Mái trường xưa” của ông được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhà văn Viết Linh: Người mang “Giấc mơ bay” đã tới “Hành tinh kì lạ“ - ảnh 2Một số tác phẩm của nhà văn Viết Linh

Nhà văn Viết Linh từng tâm sự rằng, ông học Đại học Sư phạm khoa Sử, về Nhà xuất bản Kim Đồng là cơ quan chuyên về văn học thiếu nhi nhưng lại được phân công biên tập mảng sách khoa học. Trình độ khoa học của ông khi đó chỉ ở mức phổ thông, nhưng lại làm việc với các cộng tác viên là các nhà khoa học uyên bác tầm giáo sư, tiến sĩ, nên để lấp đầy khoảng trống về kiến thức, chỉ còn cách học qua sách. Có một thời gian dài, Thư viện Trung ương chính là nơi Viết Linh dành “tám giờ vàng ngọc” mỗi ngày để đọc sách tìm tài liệu, chỉ tiếp cộng tác viên ở cơ quan vào chiều thứ Sáu mỗi tuần.

Viết Linh là người rất thông minh và hiếu học. Sinh ra trong thời gian khó, trong kháng chiến chống Pháp, ông đã tự mày mò học tập, bổ sung kiến thức và tốt nghiệp lớp 9 phổ thông (lớp cuối của hệ phổ thông khi đó). Ông hoàn thiện vốn ngoại ngữ của mình cũng bằng cách tự học cuốn “Tự học tiếng Anh” do người Pháp viết.

Với kiến văn thông tuệ và vốn sống dày dặn, các tác phẩm của ông viết cho thiếu nhi – nhất là mảng sách khoa học viễn tưởng – luôn đầy ắp các thông tin khoa học mới mẻ cho bạn đọc trẻ. Cuốn “Hành tinh kì lạ” của ông từng được dịch và xuất bản tại Liên Xô. Cùng với "Bí mật của nhà thôi miên" (1962), "Quả trứng vuông" (1970), "Giấc mơ bay" (1976)... có thể nói ông là nhà văn hiếm hoi của Việt Nam viết về lĩnh vực khoa học viễn tưởng cho thiếu nhi ở thời điểm đó và cho đến cả bây giờ. Bởi theo nhà văn Viết Linh “Một đứa trẻ không biết mơ ước sẽ khó thành đạt trong tương lai cuộc đời.”

Ở cương vị một biên tập viên sách khoa học, ông đã có công mời được các tác giả viết về khoa học rất hay viết sách cho Nhà xuất bản Kim đồng như Phạm Ngọc Toàn, Hải Hồ… Ông chính là người khởi xướng, gây dựng bộ sách “Em yêu khoa học” của Nhà xuất bản Kim Đồng. Ông rất tâm huyết với quan điểm của nhà văn Hoàng Nguyên Cát: “Sách khoa học của Nhà xuất bản Kim Đồng chủ yếu là 'gây men'. Nghĩa là làm cho các em yêu thích một vấn đề khoa học nào đó, chẳng hạn 'Chỉ cần các em yêu cây lúa, sau đó, muốn đi sâu, các em sẽ tìm đọc các loại sách khác về lúa'”.

Nhà văn Viết Linh: Người mang “Giấc mơ bay” đã tới “Hành tinh kì lạ“ - ảnh 3Một số tác phẩm của nhà văn Viết Linh

Nhà văn Viết Linh cho rằng “Cái giỏi của người viết truyện khoa học? Chính là làm cho các em tiếp thu được kiến thức nhẹ nhàng... Tôi rất thú cái ví dụ về loại hình này: giống như những viên kẹo giun xanh đỏ ngọt ngào hấp dẫn, đường và bột nhiều kèm theo cả bao bì sặc sỡ, thuốc chỉ có tí tẹo. Uống thuốc không phải nhăn mặt sợ đắng mà thưởng thức như một cái kẹo ngon lành. Các em sẽ không thích những truyện cầm lên tay, mới đọc được vài dòng đã “ngửi thấy mùi giáo dục”.

Trong hơn ba mươi năm làm việc tại Nhà xuất bản, nhà văn Viết Linh đã cùng với các biên tập viên như Vũ Ngọc Bình, Hoàng Nguyên Cát, Văn Linh, Trần Thị Nhâm… tạo dựng nền móng cho công tác biên tập sách của Nhà xuất bản Kim Đồng. Đó là những tiêu chuẩn như: cẩn, hay, đúng, hợp… Cẩn là cẩn thận khi chọn lựa đề tài, tác giả, bản thảo; hay về văn chương; đúng về kiến thức; hợp với đối tượng bạn đọc. Ông là người vui vẻ, hóm hỉnh… Những nơi nào có ông ngồi cùng là không khí trò chuyện  sẽ thường rộn lên tiếng cười, niềm vui bởi những ý tưởng dí dỏm dân gian do ông nhóm lên. Có lẽ những đồng nghiệp của ông luôn nhớ tới những câu thơ vui của ông, mà ông hay tự trào là “thơ hợp tác xã”.

Ông tự nói về mình một cách hóm hỉnh: “Học Sử, làm công tác văn học, biên tập sách khoa học đúng là Viết... Linh tinh thật!” Đó chỉ là cách ông tự trào, nói vui, bởi cùng với Phạm Cao Cùng, Lưu Văn Khuê, Phạm Ngọc Toản, Vũ Kim Dũng… ông là một trong số ít những cây bút tiên phong, có dấu ấn  trong mảng văn học giả tưởng của Việt Nam.

Vĩnh biệt ông – một nhà văn, một biên tập viên tâm huyết gắn bó cả đời với công tác làm sách cho thiếu nhi Việt Nam.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu