Khúc tình ca của người lính đảo

Anh Thư
Chia sẻ
(VOV5) - Những ảnh hình, chi tiết, nhân vật trong bài thơ chính là một phần hiện thực cuộc sống của người lính đảo.

Hồn nhiên, phóng khoáng, có phần ồn ào bề bộn đầy chất lính – đó là giọng điệu thường gặp trong những sáng tác về người lính của nhà thơ – người lính Trần Đăng Khoa. “Lính đảo hát tình ca trên đảo” là một ví dụ.

Theo tác giả, bài thơ trước hết là trang nhật kí ghi lại nhịp sống đời thường của chiến sỹ Trường Sa vào những năm 80 thế kỉ trước.

Nghe âm thanh bài viết tại đây quan giọng đọc Thành Tuấn:
 
Khúc tình ca của người lính đảo - ảnh 1Người lính trên đảo Trường Sa giữ chắc tay súng canh giữ biển trời của Tổ quốc - Ảnh: Quang Dũng/Báo Nghệ An.

Ở thời điểm những năm 80 của thế kỷ trước, các phương tiện phục vụ đời sống vật chất và tinh thần vô cùng thiếu thốn. Đảo vắng, chỉ có biển, trời và những người lính. Ca nước ngọt, nắm rau xanh, hay niềm ao ước được cảm nhận bóng dáng đất liền qua một cánh chim, một lá thư, một giọng nói cười con gái dường như đều xa xỉ với người lính đảo. Những đêm văn nghệ được các chàng trai trẻ tự biên tự diễn để vui với nhau, vơi bớt nỗi nhớ nhà.

“Lính đảo hát tình ca trên đảo” cũng như nhiều sáng tác khác được nhà thơ Trần Đăng Khoa viết trong những năm 80 của thế kỉ trước, khi là anh lính hải quân cùng đồng đội ở ngoài Trường Sa sóng nước. Những ảnh hình, chi tiết, nhân vật trong bài thơ chính là một phần hiện thực cuộc sống của người lính đảo.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa bùi ngùi: “Hồi ấy đời sống vật chất cũng như tinh thần của người lính đảo rất khó khăn. Có những hòn đảo trọc lóc. Bóng râm duy nhất tỏa xuống đảo lại là bóng của người lính. Tiểu đội nào cũng có cuốn lịch riêng. Thậm chí mỗi người lính lại còn có riêng một cuốn lịch bỏ túi. Nhưng có lịch cũng như không. Nếu quên đi việc bóc lịch thì sau đó không thể xác định được thời gian. Chỉ biết mặt trời lên là thêm một ngày, mặt trời lặn là đã đi qua một ngày”…

Nào hát lên cho mây nước biết

Rằng chúng ta là những con người

Yêu em thủy chung hơn muối mặn

Dù thư tình chưa biết gửi cho ai

“Lính đảo hát tình ca trên đảo” – Người hát phải có người nghe, và người nghe trong tưởng tượng của các chàng lính trẻ chính là những cô gái, những người yêu chưa biết mặt biết tên. Chính vì thế mà ngay từ khổ đầu bài thơ, chàng lính trẻ đã phải phân trần về cảnh “Đá san hô kê lên thành sân khấu – Vài tấm tôn chôn mấy cánh gà - Em đừng trách bọn chúng anh tạm bợ - Chẳng phông màn nào chịu nổi gió Trường Sa”. Hình như có thoáng chút vụng về ngượng nghịu, rồi vẻ rụt rè khi đứng trước phái đẹp ấy biến mất. Người lính đã thực sự hòa mình vào đêm diễn của mình và đồng đội

Những giai điệu ngang tàng như gió biển

Những lời ca toàn nhớ với thương thôi

Đêm buông xuống nhìn nhau không rõ nữa

Cứ ngỡ như vỏ ốc cất thành lời

Tình yêu của người lính Trường Sa là như thế đấy. Yêu vô tư, nồng nàn, thủy chung. Thứ tình yêu chưa có, chưa biết ấy là nguồn sức mạnh tinh thần, động viên những con người trẻ tuổi vượt lên khó khăn gian khổ cùng bao hiểm nguy giấu mặt khó lường. Đó còn là lý tưởng sống nhiệt tình, trong sáng, dẫu không hề hô khẩu hiệu, không lên gân lên cốt nhưng có sức thuyết phục bởi sự tự nhiên, chân thành và cảm động.

“Lính là thế, là tếu táo, nhưng cũng đầy sâu sắc. Cũng có những nỗi đau thăm thẳm. Nhưng thể hiện bên ngoài lại rất hóm hỉnh. Nếu không có chất hài hước, không có sự hóm hỉnh thì có lẽ người lính của những năm tháng ấy không thể vượt qua được bao thử thách khắc nghiệt. Bởi ở đất liền còn có đất có rừng để che chở, còn ngoài xa khơi không có gì. Trần trụi chỉ có một mình đối diện với trời nước thôi. Cho nên tôi viết “Ta bắt đầu thôi mây nước đã mở màn” là như vậy” – Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhớ lại.

        Nào hát lên cho đêm tối biết

Rằng tình yêu sáng trong ngực ta đây

Ta đứng vững trước muôn trùng sóng gió

Tổ quốc Việt Nam bắt đầu ở nơi này

Bài thơ dùng cái không để nói cái có: không có phông màn sân khấu, không có em, không có đêm trăng lãng mạn, vậy nhưng lại có rất nhiều: có gió mặn, có cát khô, có đá, có biển và trời, có lời ca khỏe khoắn, có đồng đội bên nhau, đặc biệt có tình yêu Tổ quốc luôn rực cháy.

Những người lính trong thơ Trần Đăng Khoa giống như cây bão táp, như đá san hô vững bền tươi tốt trên đại dương gió bão. Tình yêu Tổ quốc giống như ánh sáng diệu kì tòa ra từ trái tim Đan Ko, và cũng giống như người anh hùng Đan Ko trong tác phẩm của nhà văn Nga Măc-xim Gor-ki, khi Tổ quốc cần, họ sẵn sàng xé toang lồng ngực tận hiến trái tim rực rỡ của mình. Khúc tình ca của người lính đảo vì thế không bao giờ cô đơn. Và những bài thơ, những trang viết về người lính Trường Sa của Trần Đăng Khoa đã trở thành một phần bảo tàng kí ức, với những ảnh hình, tư liệu vô giá, để ngày hôm nay ta soi chiếu lại, nhìn lại những chặng đường đã qua của đất nước, của lịch sử.

Với nhà thơ Trần Đăng Khoa, ông đã nhận được thật nhiều từ những tháng năm mặc áo lính. Viết về người lính là một cách trở về với lòng mình, với con người thật của mình.“Trước khi trở thành người lính, tôi vốn nghiêm túc lắm. Nhiều người gọi tôi là “ông cụ non”. Thơ tôi viết cũng nghiêm túc, thậm chí có màu sắc chính trị rất rõ rệt. Không phải tôi cố tình, vì trẻ con làm saoo ý thức được điều ấy. Nhưng đời sống của chúng ta những năm 60 – 70 của thể kỉ trước là đời sống chính trị. Cả xã hội như vậy, và tôi đâu nằm ngoài. Sau này, khi vào lính thì tôi mới có chất hài hước. Từ đó tạo thành giọng điệu, phong thái con người tôi, kể cả văn chương của tôi trong giai đoạn thứ hai. Nếu không có những người đồng đội, không có những năm tháng quân ngũ thì tôi cũng không thành tôi như hiện nay. Bây giờ Trần Đăng Khoa là một gã vui vẻ, hài hước, nhưng đằng sau tiếng cười ấy là những nỗi niềm khác thẳm sâu. Cái đấy mới đúng là Trần Đăng Khoa”.

Ở tuổi ngoài 60, Trần Đăng Khoa vẫn miệt mài với văn chương chữ nghĩa. Và dù đã đặt chân tới nhiều nơi trên thế giới, dùng máy tính, điện thoại, ô tô đời mới, có tất cả nhu cầu vật chất mà một người bình thường mơ ước, nhưng ông cũng vẫn gắn bó với bộ quân phục đã bạc màu, thích bữa cơm rau dưa đơn giản, và khi ngồi xuống bàn làm việc, những vấn đề của hiện tại lại cuốn ông đi, thúc giục ông viết ra những suy nghĩ của người trí thức trước ngổn ngang đời sống…

                    Lính đảo hát tình ca trên đảo

Đá san hô kê lên thành sân khấu

Vài tấm tôn chôn mấy cánh gà

Em đừng trách bọn chúng anh tạm bợ

Chẳng phông màn nào chịu nổi gió Trường Sa

Gió rát mặt, đảo luôn thay hình dạng

Sỏi cát bay như lũ chim hoang

Cứ mặc nó! Nào hỡi các chiến hữu

Ta bắt đầu thôi. Mây nước đã mở màn…

‘Sân khấu lô nhô mấy chàng đầu trọc

Người xem ngổn ngang cũng… rặt lính trọc đầu

Nước ngọt hiếm, không lẽ dành gội tóc

Lính trẻ, lính già đều trọc tếu như nhau

Những lúc vui cứ gọi đùa sư cụ

Là bà con xa với bụt ốc đây mà

Thôi lặng yên nghe. Có gì đang đang sóng sánh

Hóa ra là sư cụ hát tình ca

Cái giai điệu ngang tàng như gió biển

Nhưng lời ca toàn nhớ với thương thôi

Đêm buông xuống nhìn nhau không rõ nữa

Cứ ngỡ như vỏ ốc cất thành lời…

Rằng có đêm trăng dắt em đi dạo

Gương mặt em dịu dàng. Hàng cây cũng tươi xinh

Mở mắt chung chiêng nghe lưng trời sóng vỗ

Và tay mình lại nắm lấy tay mình

Người yêu chúng anh ơi, các em ở phương nào?

Các em cao hay lùn? Có trời mà biết được

Bóng dáng nào sẽ đến với chúng anh?

Trông bốn phía chỉ âm u mây nước

Nào hát lên cho mây nước biết

Rằng chúng ta là những con người

Yêu em thủy chung hơn muối mặn

Dù thư tình chưa biết gửi cho ai

Nào hát lên cho đêm tối biết

Rằng tình yêu sáng trong ngực ta đây

Ta đứng vững trên đảo xa sóng gió

Tổ quốc Việt Nam bắt đầu ở nơi này

Điệu tình ca cứ ngân lên chót vót

Bỗng bàng hoàng nhìn lại phía sau

Ngoài mép biển, người đâu lên đông thế

Ồ, hóa ra toàn những đá trọc đầu…

TRẦN ĐĂNG KHOA - (Đảo Sơn Ca, 1982)

 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu