“Ông hoàng trinh thám” Pháp Michel Bussi gặp gỡ bạn đọc Việt Nam

Việt Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Michel Bussi sẽ có một tác phẩm được xuất bản vào tháng 3 năm sau đang trong quá trình biên tập với nhà xuất bản, cũng như bộ phim huyền ảo– Neo, dành cho lứa tuổi thiếu niên. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Sơn Tùng:

Trong nền văn học Pháp đương đại, Michel Bussi được mệnh danh là “ông hoàng trinh thám” với phong cách viết biến hóa tài tình, bất ngờ đến ngạt thở. Ông giành được hơn 15 giải thưởng văn học lớn, các tiểu thuyết của ông đã được dịch và xuất bản tại hơn 35 quốc gia, trong đó một số đã được chuyển thể thành phim.

Theo tờ Le Figaro, ông là một trong năm nhà văn Pháp có sách bán chạy nhất năm 2021 tại nước này.

Buổi tọa đàm về truyện Trinh thám Pháp - Việt qua góc nhìn của các nhà văn nổi danh” vừa được Viện Pháp và Nhã Nam tổ chức tại Hà Nội, với sự xuất hiện của nhà văn Michel Bussi, cùng đại sứ Pháp tại Việt Nam - nhà văn Nicolas Warnery và nhà văn Di Li.

“Ông hoàng trinh thám” Pháp Michel Bussi gặp gỡ bạn đọc Việt Nam  - ảnh 1Từ trái qua: Đại sứ Pháp tại Việt Nam - nhà văn Nicolas Warnery, nhà văn Di Li, nhà văn Michel Bussi tại buổi tọa đàm ở Thư viện Quốc gia Việt Nam. - Ảnh: Hà Thu

Về chuyến thăm Việt Nam lần này, Michel Bussi cho biết ông rất xúc động khi nhiều tác phẩm của mình đã được chuyển ngữ cũng như xuất bản ra tiếng Việt, vì bản thân không thể tưởng tượng việc một nhà văn đến từ vùng Normandy xa xôi lại có thể được đọc ở tận Việt Nam. Với ông, chuyến giao lưu lần này cũng là cơ hội thu thập tư liệu, để lúc nào đó Việt Nam có thể trở thành một bối cảnh mới trong sáng tác sau đó của mình.

"Tôi rất vui được tham gia vào tọa đàm này với một nữ tác giả Việt Nam và ngài Đại sứ. Đây là lần đầu tôi có dịp khám phá Việt Nam và rất háo hức được tìm hiểu một nền văn hóa mới. Rất vui khi thấy khán phòng đầy ắp khán giả mà ai ai cũng háo hức được trao đổi, được nhận ký tặng sách. Nhân dịp này tôi xin giới thiệu bản dịch tiếng Việt tác phẩm lấy cảm hứng từ Hoàng tử bé. Được biết Hoàng tử bé rất nổi tiếng ở Việt Nam, đặc biệt được các bạn gái trẻ yêu thích, nhiều người từng đọc khi còn trên ghế nhà trường và thường gắn tác phẩm này với nước Pháp, nên tôi rất mừng khi có dịp giới thiệu và trao đổi với quý vị về tác phẩm của mình." - Ông chia sẻ.

Tại buổi tọa đàm, Michel Bussi chia sẻ bản thân không có ý định trở thành tác giả trinh thám. Michel Bussi là một giảng viên ngành địa lí tại Đại học Rouen trước khi trở thành nhà văn. Cuốn sách đầu tay có tên Vết khắc hằn trên cát, viết năm ông gần 40 tuổi, về một câu chuyện tình, một câu chuyện lịch sử lấy bối cảnh quê hương Normandy. Ông đã thêm thắt một vài chi tiết trinh thám vào truyện với suy nghĩ sẽ cuốn hút bạn đọc hơn, nhưng rồi sau đó dần dần đã đi theo con đường này.

“Ông hoàng trinh thám” Pháp Michel Bussi gặp gỡ bạn đọc Việt Nam  - ảnh 2Michel Bussi bất ngờ khi tác phẩm của ông được nhiều bạn đọc Việt mến mộ. - Ảnh: Hà Thu

Các tác phẩm của Bussi đã được Nhã Nam xuất bản tại Việt Nam bao gồm: "Xin đừng buông tay", "Hoa súng đen", "Mẹ đã sai rồi", "Vết khắc hằn trên cát", "Kho báu bị nguyền rủa". Buổi tọa đàm đồng thời là dịp ra mắt bản dịch tiếng Việt cho cuốn sách mới nhất của Michel Bussi, "Mã 612: Ai đã giết Hoàng tử Bé?".

Michel Bussi sẽ có một tác phẩm được xuất bản vào tháng 3 năm sau đang trong quá trình biên tập với nhà xuất bản, cũng như bộ phim huyền ảo– Neo, dành cho lứa tuổi thiếu niên. Ông cũng dự định phát triển từ các tiểu thuyết của mình sang phim truyền hình cũng như truyện tranh.

“Ông hoàng trinh thám” Pháp Michel Bussi gặp gỡ bạn đọc Việt Nam  - ảnh 3Bạn đọc đến khán phòng lớn của Thư viện Quốc gia để gặp gỡ nhà văn. - Ảnh: Hà Thu

Tại cuộc tọa đàm ở Hà Nội, qua câu chuyện của Michel Bussi và Di Li – nữ tác giả viết truyện trinh thám hiếm hoi của Việt Nam hiện nay, một số thông tin về cách thức viết văn học trinh thám đã được thảo luận, những sự tương đồng, các khác biệt, cũng như cơ hội và các thách thức trong ngày hiện tại của dòng văn học trinh thám.

Nhà văn Di Li cho biết, lực lượng viết trinh thám của Việt Nam còn rất mỏng, cũng như lịch sử viết truyện trinh thám Việt không có nhiều để có thể kế thừa: "Thách thức lớn nhất khi viết truyện trinh thám là trí tưởng tượng. Đây là thể loại huy động tối đa trí tưởng tượng. Đây là thể loại cũng như những thể loại huyền ảo, khoa học viễn tưởng (của) Việt Nam có rất ít. Nền móng để tác giả Việt kế thừa là từ văn học trinh thám phương Tây. Mà trinh thám phương tây thì hệ thống luật pháp, điều tra vv... khác hoàn toàn với bối cảnh Việt Nam. cách những kẻ thủ ác gây ra án mạng, gây ra những tội ác cũng rất khác với Việt Nam. Vì thế cần phải song hành hai yếu tố: trí tưởng tượng nhưng vẫn phải bám sát với thực tế."

Còn đối với Michel Bussi, trinh thám là một thể loại đòi hỏi người viết phải đầu tư công sức rất nhiều, khi luôn đòi hỏi kết cấu phức tạp cũng như các hệ nhân vật khác nhau. Mặc dù trước đây tiểu thuyết trinh thám thường ngắn, cốt truyện đơn giản, nhanh chóng phát hiện ra các thủ phạm… như trong tác phẩm của Agatha Christine hay George Simenon… ngày nay độc giả đã có yêu cầu cao hơn.

Trước sự xuất hiện của nhiều loại hình giải trí bên cạnh sách vở như phim chuyển thể, phim truyền hình… cũng như một thị trường đọc và viết đa dạng, độc giả giờ đây đã quá quen thuộc với dòng sách này, từ đó đòi hỏi những tiểu thuyết mới phải hay hơn, khó đoán hơn, giật gân hơn, đáng tin hơn và hấp dẫn hơn. Giờ đây các thủ phạm cần nhiều đầu óc và cần gắn với cuộc sống đời thường nhiều hơn.

“Ông hoàng trinh thám” Pháp Michel Bussi gặp gỡ bạn đọc Việt Nam  - ảnh 4Quang cảnh buổi giao lưu của nhà văn Michel Bussi với sinh viên khoa Pháp - Đại học Hà Nội - Ảnh: Hà Thu

Chuyến giao lưu của Michel Bussi  cũng sẽ tiếp tục tại địa điểm là Huế (29/10), Đà Nẵng (31/10) và TP. Hồ Chí Minh (3/11).  Cuốn tiểu thuyết mới nhất của ông có tên, “Mã 612: Ai đã giết Hoàng tử bé” ra mắt để kỷ niệm 75 năm ra đời tác phẩm lừng lẫy Hoàng tử bé của Saint-Exupéry. Tác phẩm là một cuộc truy tìm ẩn số đồng thời tưởng nhớ đến nhân vật hoàng tử tóc vàng bé nhỏ, hiện thân của thời thơ ấu, bị biến mất vì rắn cắn...

Tác giả sẽ tham gia vào buổi tọa đàm tại TP HCM, điểm dừng cuối của chuyến giao lưu, và thảo luận cùng Tiến sĩ Văn học Trần Lê Bảo Chân về Hoàng tử bé, một nhân vật văn học có nhiều ảnh hưởng đến ông. Thế giới thơ mộng và thông điệp về một tấm lòng nhân đạo cao cả của nhân vật do A. de Saint-Exupéry tưởng tượng đã đồng hành cùng nhà văn Bussi từ thời thơ ấu.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu