Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Cách nhau 4 giờ bay và hàng ngàn cây số, nhưng Việt Nam và Hàn Quốc ngày càng có mối quan hệ gắn bó, thân thiết trên nhiều lĩnh vực. Trong 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quá trình giao lưu văn học giữa hai nước cũng đã đi được một chặng đường đáng ngưỡng mộ khi số lượng các tác giả, tác phẩm được giới thiệu ngày một nhiều, góp phần bắc thêm những nhịp cầu văn hóa.
Quan hệ ngoại giao Việt – Hàn đã ghi dấu thành tựu trên nhiều phương diện. Trong đó, chắc chắn phải nhắc tới văn học. Dù xuất hiện muộn màng hơn phim truyện, âm nhạc Hàn Quốc ở nước ta, văn học Hàn cũng bắt đầu được giới thiệu rộng rãi. Và ngược lại, nhiều tác phẩm văn học Việt cũng được chuyển ngữ sang tiếng Hàn, minh chứng cho mối quan hệ hợp tác đặc biệt giữa hai nước.
Ngày 18/11, tại Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra chương trình Giao lưu văn học Việt Nam – Hàn Quốc với hai nhà văn Đỗ Tiến Thụy (Việt Nam) và nhà văn Eun HeeKyung (Hàn Quốc). - Ảnh: nxbtre.com.vn |
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đây là mối quan hệ giao lưu phát triển theo mọi nghĩa: “Từ năm 2000 đến nay, mới trong vòng 20 năm, văn học Hàn Quốc đã có vị trí không nhỏ trong đời sống văn học Việt Nam. Điều này là do chiến lược truyền bá văn học nghệ thuật của Hàn Quốc ra thế giới, do văn học Hàn Quốc có những điểm tương đồng với văn hóa và những mối quan tâm đến đời sống của bạn đọc Việt Nam, do số lượng người Việt Nam nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc ngày càng tăng lên.
Nhưng lý do đặc biệt hơn cả là tinh thần của các nhà văn hai nước luôn vươn về những vẻ đẹp vĩnh hằng của đời sống nhân loại. Những tác phẩm văn học của nhà văn hai nước đã được dịch đã mang hai nước từng có những năm tháng đau buồn trong quan hệ đến một ngôi nhà chung đầy ánh sáng của sự chia sẻ, tình yêu thương con người và những giấc mơ đẹp đẽ. Đấy chính là sứ mệnh của văn học nói chung và sứ mệnh của văn học hai dân tộc nói chung.”
Nếu như khoảng 20 năm trước, các tác phẩm văn học Hàn còn khá hiếm ở nước ta thì giờ đây, cùng với sự hợp tác của đội ngũ nhà văn, nhà thơ, dịch giả hài nước, diện mạo văn học xứ kim chi đã hiện ra rõ nét hơn. Không chỉ có các tác phẩm cận đại, trung đại, mà nhiều tác phẩm đương đại cũng đã được giới thiệu như “Chiếc thang cao màu xanh” của Gong Ji-yong, “Cá hồi” của Ahn Do-hyan, “Trắng” của Han Kang. Thậm chí, có những cuốn trở thành best-seller ở nước ta như tiểu thuyết “Hãy chăm sóc mẹ” của Shin Kyung-suk.
Bên cạnh đó, các tác phẩm văn học thiếu nhi Hàn Quốc cũng đã tạo được ấn tượng sâu sắc với nhiều độc giả Việt, trong đó có nhà văn Lê Phương Liên: “Tôi cũng được may mắn được đọc một số tác phẩm văn học thiếu nhi của Hàn Quốc, đặc biệt là tác phẩm của nữ nhà văn Hwang Sun-mi và cuốn sách nổi tiếng nhất của bà là “Cô gà mái xổng chuồng”. Cô gà mái có tên là Mầm Lá đã từ biệt cuộc sống chỉ có ăn rồi đẻ trứng trong một trại chăn nuôi để mà sống một cuộc đời của một cô gà mái theo cách tự nhiên nhất. Tư tưởng nhân văn, tư tưởng yêu quý động vật của người Việt Nam và người Hàn Quốc rất giống nhau. Ở Việt Nam, chúng ta đã có một tác phẩm dịch ra tiếng Hàn. Đó là tác phẩm “Tôi là Bê tô” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, viết về một con chó. Tôi nghĩ rằng trên thế giới này, trẻ em đều khóc giống nhau, cười giống nhau. Những tác phẩm chạm đến trái tim của các em, khiến các em khóc và các em cười đều là những tác phẩm không có biên giới.”
Ảnh: vnuhcm.edu.vn |
Trong bối cảnh hiện tại, có thể nói rằng đã có một dòng chảy văn học Hàn Quốc tại Việt Nam. Và ở Hàn Quốc, không ít các tác phẩm văn học Việt đã góp mặt trong đời sống tinh thần của người dân xứ sở kim chi. Ông Bang Jai-Suk, đồng Chủ tịch Câu lạc bộ Văn học Hòa bình Việt – Hàn, chia sẻ: “Hiện nay ở Hàn Quốc những tên tuổi như Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Bình Phương, Y Ban, Thùy Dương… không còn xa lạ.
Đặc biệt, nhà văn Bảo Ninh, nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà văn Văn Lê đều là những tên tuổi rất nổi tiếng. Các tác phẩm được biên dịch sang tiếng Hàn của các vị hiện nay đã được đưa vào giáo trình, để các em học sinh sinh viên Hàn Quốc học tập và nghiên cứu. Tôi cho rằng người Hàn Quốc là những người giàu có về mặt tinh thần khi được cảm nhận những tác phẩm hay như vậy của các tác giả Việt Nam.”
Tập thể các nhà văn, nhà nghiên cứu tại Việt Nam và Hàn Quốc góp mặt trong Hội thảo Văn học Việt-Hàn 2022. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+) |
Vừa là dịch giả tiếng Hàn vừa là nhà nghiên cứu văn học, TS. Nguyễn Thị Hiền, Giảng viên trường Đại học Văn Lang, đem đến cái nhìn cận cảnh hơn về các tác phẩm văn học Hàn lấy bối cảnh Việt Nam hoặc có nhân vật Việt Nam: “Trước đây mình có làm một nghiên cứu về Việt Nam trong văn học Hàn Quốc thì theo nghiên cứu của mình, hiện nay có khoảng hơn 150 đầu sách của các nhà văn Hàn Quốc viết về Việt Nam. Người Việt Nam trong các sáng tác của Hàn Quốc là những con người trong chiến tranh Việt Nam. Nhưng sau đó, dần dần chúng ta thấy một số nhân vật là người Việt, ví dụ như những người lao động Việt Nam, những cô dâu Việt Nam. Tác phẩm của nhà văn Bang Hyan-suk cũng có và một số nhà văn khác cũng có. Gần đây, cũng có một số bóng dáng các cô dâu Việt Nam hoặc những con người Việt Nam hiện đại đang sống trong lòng Hàn Quốc hoặc Việt Nam có liên quan đến Hàn Quốc xuất hiện trong các sáng tác của nhà văn Hàn Quốc. Tuy nhiên, nó chưa phải là dòng văn học chính trong dòng chảy văn học đương đại.”
Văn học là cánh cửa để chúng ta thấy được những nét đặc trưng về văn hóa, xã hội của một quốc gia. Chính vì vậy, việc giới thiệu các tác phẩm văn học Hàn ở nước ta hoặc đưa tác phẩm Việt tới tay độc giả Hàn chắc chắn sẽ thúc đẩy việc giao lưu văn hóa giữa hai nước, góp phần để hai dân tộc hiểu hơn về nhau trên chặng đường phía trước.