Ra mắt Những kẻ hèn nhát – tác phẩm kinh điển của văn học Séc

Ngọc Lan
Chia sẻ
(VOV5) - Josef Škvorecký là một trong những nhà văn lớn của văn học hiện đại Séc nửa sau thế kỷ 20.

"Bằng cuốn tiểu thuyết đầu tay Những kẻ hèn nhát, nhà văn Josef Škvorecký, con người mơ mộng và hoài nghi, đã được xếp vào đội ngũ các tác giả kinh điển của văn học Séc ngay từ khi ông còn sống, và đã trở nên bất tử."

Với sự hỗ trợ của Bộ Văn hóa Cộng hòa Séc và Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Việt Nam cùng Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, tác phẩm văn học này đã được dịch sang tiếng Việt bởi dịch giả Bình Slavická - người Việt duy nhất cho đến nay được trao giải Gratias agit vì những đóng góp to lớn trong việc truyền bá văn hóa, con người Cộng hòa Séc ở nước ngoài.

Cuốn sách được dịch ra 17 ngôn ngữ, được tái bản 11 lần, trở thành một trong những cuốn sách phải đọc ở nhà trường và có mặt trong đề thi tốt nghiệp văn học tại trường phổ thông trung học Séc.

Ra mắt Những kẻ hèn nhát – tác phẩm kinh điển của văn học Séc - ảnh 1

Tác giả cuốn sách, Josef Škvorecký (27/9/1924 tại Tiệp Khắc – mất 3/1/2012 tại Canada) là nhà văn và dịch giả người Séc, với khối lượng tác phẩm đồ sộ. Ông là một trong những nhà văn lớn của văn học hiện đại Séc nửa sau thế kỷ 20 đồng thời là dịch giả có uy tín, người đã đưa các tác giả nổi tiếng của văn học Mỹ đến với độc giả Séc. Từ năm 2007, CH Séc có thêm giải thưởng văn học mang tên Josef Škvorecký, trao tặng cho tác giả Séc có sáng tác văn xuôi hay nhất của năm.

Gần như một cuốn tự truyện, Những kẻ hèn nhát của Josef Škvorecký viết về tám ngày cuối cùng (từ 4/5 đến 11/5/1945) của Đại chiến Thế giới II tại thị trấn nhỏ gần biên giới Séc - Đức mà tác giả đặt tên là Kostelec. Đầu tháng 5/1945, thủ đô Berlin bị Hồng quân Liên Xô đánh chiếm, Hitler đã tự sát nhưng tại Tiệp Khắc, quân Đức vẫn không chịu hạ vũ khí. Những người yêu nước Tiệp Khắc phát động cuộc khởi nghĩa nhưng bị quân Đức đàn áp nên đã kêu gọi Hồng quân giúp đỡ.

Cả thị trấn xôn xao về tình hình chiến sự nhưng chàng sinh viên Danny chỉ có hai mối quan tâm thực sự, đó là phụ nữ và nhạc jazz. Phần lớn nội dung tác phẩm viết về sở thích chơi kèn sax của Danny và tình yêu của anh dành cho các cô gái, đặc biệt là nỗi khát khao Irena. Khi những người lãnh đạo Kostelec thành lập một lực lượng dân quân địa phương nhằm mục đích giữ gìn trật tự an ninh cho thị trấn, Danny và những người bạn trong ban nhạc của anh lại tỏ ra hoài nghi, thậm chí coi đó là trò hề. Khi bị buộc phải tham gia lực lượng quân sự và đi tuần tra quanh thành phố, Danny lại xem việc tham gia cách mạng và bắn súng là một cách hay để gây ấn tượng và giành lấy tình yêu của Irena.

Những mộng tưởng xa vời của chàng sinh viên chỉ dừng lại khi những người tị nạn tràn vào thị trấn, quân Đức nổ súng cùng tình cảnh hỗn loạn trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến ở châu Âu bao trùm Kostelec. Lúc này, anh phải đối mặt với những câu hỏi về cuộc đời, mục đích và tương lai của anh nếu anh sống sót qua thời khắc nguy hiểm của chiến tranh.

Bằng giọng văn đậm chất hoạt kê, câu chuyện mở đầu bằng âm nhạc và kết thúc cũng bằng âm nhạc, tác phẩm Những kẻ hèn nhát khiến độc giả được trải nghiệm một giai đoạn lịch sử mà không có cảm giác đen tối, u buồn, ám ảnh. Những kẻ hèn nhát tuy được hoàn thành từ năm 1949, nhưng vì tình hình chính trị Tiệp Khắc lúc đó mà mãi đến cuối năm 1958 mới được xuất bản lần đầu tiên. Và hơn một nửa thế kỷ sau khi ra đời, nó vẫn còn giữ nguyên được vẻ tươi nguyên mới mẻ ban đầu.

Dịch giả Bình Slavická sẽ có mặt tại buổi tọa đàm ra mắt cuốn sách diễn ra vào ngày 10/12 tại Hà Nội, với sự tham dự của đại diện đại sứ quán CH Séc, NXB Phụ nữ và các diễn giả. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu