Dịch giả Bình Slavická: hy vọng sẽ có nhiều tác phẩm văn học Việt được dịch sang tiếng Séc và ngược lại

Chia sẻ
(VOV5) - Dịch giả  Bình Slavická là người Việt duy nhất vừa được trao giải Gratiasagit 2022 vì những đóng góp to lớn trong việc truyền bá văn hóa của Cộng hòa Séc ra với thế giới.

Thời gian vừa qua có một số tác phẩm văn học kinh điển của văn học Séc được dịch ra tiếng Việt thông qua một số ít ỏi các dịch giả người Việt. Chia sẻ một góc nhìn về câu chuyện dịch thuật văn học giữa hai nước, VOV5 mời quý vị cùng gặp gỡ dịch giả Bình Slavická, giảng viên ngành Việt Nam học thuộc Viện Châu Á học, Đại học Charles Cộng hòa Séc. Chị cũng là dịch giả quen thuộc của một số tác phẩm văn học Séc như Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông của tác giả Jan Nêruđa do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2018, Bệnh trắng của tác giả Karel Capek, Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2020, và vở kịch Nhà trên thiên đường của tác giả Iri Hubăc.

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
 
Dịch giả Bình Slavická: hy vọng sẽ có nhiều tác phẩm văn học Việt được dịch sang tiếng Séc và ngược lại - ảnh 1Dịch giả Bình Slavická cùng tượng Švejk ở Kralupy- CHSéc

PV: Thưa dịch giả, được biết là chị đã có nhiều năm giảng dạy về ngôn ngữ cũng như văn hóa Việt tại đại học ở Cộng hòa Séc và cũng tham gia dịch thuật một số tác phẩm văn học tiếng Séc ra tiếng Việt. Từ kinh nghiệm của mình, chị thấy tình hình dịch thuật văn học từ tiếng Việt sang tiếng Czech như thế nào?

Dịch giả Bình Slavická: Tôi rất tiếc khi điểm lại tất cả những cuốn sách được dịch từ văn học Việt sang tiếng Séc không có nhiều. Là người dạy tiếng Việt, thực sự tôi rất mong muốn làm sao có nhiều cuốn sách của văn học Việt được chuyển sang tiếng Séc. Đấy cũng không phải riêng nguyện vọng của tôi mà là nguyện vọng của nhiều người, đặc biệt những người có quan tâm đến văn học Việt Nam.

Theo chị vì sao văn học tiếng Việt chuyển ngữ sang tiếng Séc lại ít như vậy? Còn ở chiều ngược lại, văn học Séc dịch sang tiếng Việt thì như thế nào? Được biết cũng có một số dịch giả, (như dịch giả Dương Tất Từ hay là Đỗ Ngọc Việt Dũng..) tuy nhiên con số đó không nhiều, vậy tình hình các dịch giả dịch thuật từ tiếng Séc sang tiếng Việt hiện nay như thế nào?

Dịch giả Bình Slavická: Vì sao dịch sang tiếng Séc vẫn còn ít? Thứ nhất là trong số sinh viên có thể dịch được, thì không phải là những người biết tiếng Việt bình thường, mà phải là người có trình độ về tiếng Việt, phải học qua trường lớp và những người ấy phải giỏi tiếng Séc. Trong số những sinh viên của tôi chỉ có một vài người có thể làm được như thế. Và vấn đề lại quay lại một điều, dịch chỉ là sở thích thôi chứ nhuận bút cực ít, đúng không? Thù lao ít, mà dịch một cuốn thì (rất mất công) Có một dịch giả vừa mới dịch cuốn Nguyễn Huy Thiệp sang tiếng Séc. Trong khi dịch, vì dịch giả một người cực kỳ quan tâm, cẩn trọng, thường dịch một chút lại gọi điện cho tôi hay gặp nhau qua mạng để hỏi từng câu một. Về điều ấy tôi luôn sẵn sàng. Tất cả những người dịch từ tiếng Việt sang tiếng Czech mà yêu cầu tôi phụ đạo, tôi đều sẵn sàng giúp.  

Trong số sinh viên ra trường của ngành Việt Nam học, có một sinh viên rất giỏi tiếng Việt, giỏi cả tiếng Séc, đặc biệt làm thơ giỏi, cũng đã bắt tay vào dịch Kiều. Dịch cực kỳ hay. Nhưng tác phẩm Kiều rất dài, mà người dịch có gia đình rồi thì phải lo lắng kiếm tiền, chắc chắn việc dịch cũng khó. Người dịch cuốn Nguyễn Huy Thiệp cũng dịch rất giỏi về thơ, dịch Hồ Xuân Hương, Nguyễn Bính chẳng hạn. Hoặc một sinh viên cũ của chúng tôi là Ondra Slowik, có vợ người Việt, hiện đang sống ở Hải Phòng, cũng dịch rất giỏi, đã dịch Vũ Trọng Phụng. Đấy là những tài năng rất có triển vọng nếu họ có thể có thời gian, có điều kiện về gia đình, điều kiện về tài chính, về nhiều mặt thì hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều cuốn sách văn học Việt được dịch sang tiếng Séc. Đấy cũng là điều tâm đắc của tôi, một người dạy tiếng Việt.

Dịch giả Bình Slavická: Được biết chị cũng đã tham gia dịch thuật một số tác phẩm văn học kinh điển của Séc sang tiếng Việt. Và công việc này chắc cũng sẽ giống như tình hình chung, đó là việc dịch thuật luôn luôn mất thời gian và không phải dễ dàng gì?

Dịch từ tiếng Séc sang tiếng Việt, như tôi đã nói, nhiều người biết tiếng Séc nhưng không phải ai cũng có thể dịch sang tiếng Việt.

Dịch giả Bình Slavická: hy vọng sẽ có nhiều tác phẩm văn học Việt được dịch sang tiếng Séc và ngược lại - ảnh 2Cuốn sách kinh điển "Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới" của tác giả Jaroslav Hašek do dịch giả Bình Slavická chuyển ngữ.

Tôi rất tâm đắc với việc dịch, giới thiệu văn học Séc sang Việt, bởi vì quan hệ Việt Séc là quan hệ rất đặc biệt, rất nhiều người Việt biết tiếng Séc. Đặc biệt ở Séc, tôi nghĩ trên thế giới chưa nơi nào như thế, người Việt được coi là một dân tộc thiểu số của Séc, là quê hương thứ hai.

Đối với các cháu sinh ra ở đây, sống trong môi trường Séc, nghe tiếng Séc nhiều hơn tiếng Việt, về Việt Nam quê hương của bố mẹ cũng chỉ là trở về thăm chứ không phải gọi là "về nhà".

Chẳng hạn như trong lớp tôi có sinh viên người Việt. Bây giờ trong số sinh viên vào học ngành Việt Nam học, khoảng một nửa là sinh viên người Việt. Khi hỏi: Em quê ở đâu? Em ấy nói: Em quê ví dụ Plzen... chứ không như người Việt mình thường nói: tôi quê Thanh Hóa, Nghệ An hay gì đó. Các em nói quê ở Séc, biết tiếng Séc nhiều hơn tiếng Việt, nhưng muốn chuyển ngữ (sách tiếng Séc) sang tiếng Việt thì không chuyển được.

Tôi coi việc giới thiệu văn hóa, văn học Séc như là nghĩa vụ của mình. Chẳng ai giao cho mình nhưng tự cho đấy là một nghĩa vụ. Bởi vì nghĩ lại những ngày tôi được học tiếng Czech, nghĩ lại những kỷ niệm với các thầy các cô đã dạy cho tôi từng câu từng chữ, tôi muốn đền đáp lại điều đó.

Hai nữa, đúng ra người Việt ở chỗ nào cũng coi là quê mình, bởi vì đây là dân tộc thiểu số của Séc, về Việt Nam là nơi mình sinh ra hoặc với các cháu bây giờ là nơi cha mẹ sinh ra. Tôi rất trân trọng lòng tin của mọi người trao cho tôi, để tôi được phép dịch những cuốn sách mà tôi thích thú và chọn là cuốn sách tiêu biểu của văn học Séc, để người Việt ở nhà hiểu được văn học, con người của đất nước Séc; con cháu, bà con mình là dân tộc thiểu số bên đó hiểu được nơi họ sống là nơi tốt, nơi đất lành chim đậu, Theo tôi nghĩ, nghĩa vụ của văn học là như vậy. Tôi cố gắng để đóng góp, có khả năng góp được chút nào hay chút đó.

Xin cảm ơn dịch giả Bình Slavická. Rất mong đợi những tác phẩm dịch tiếp tới của chị.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu