Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Tiếp nối thành công của 3 kỳ tổ chức, cuộc thi viết truyện đồng thoại ENEOS & MOGU "Đóa hoa đồng thoại" lần thứ 4, 2021 tiếp tục được tổ chức với mong muốn lan tỏa kết nối trái tim của người dân Nhật Bản và Việt Nam, đồng thời góp phần vào việc nuôi dưỡng tâm hồn trẻ em.
Cuộc thi do Công ty Trách nhiệm hữu hạn More Production Việt Nam tổ chức có sự đồng hành của đơn vị tài trợ là Công ty trách nhiệm hữu hạn Tư vấn và Holdings JX Nippon Oil & Energy Việt Nam (JXEV); Nhà xuất bản Kim Đồng; Dự án Mọt sách Mogu và Quỹ Bắc cầu.
Quang cảnh Lễ phát động - Ảnh: Báo Hà Nội mới |
Đồng thoại là thể loại truyện viết cho trẻ em trong đó loài vật và các vật vô tri được nhân cách hoá để tạo nên một thế giới thần kì, thích hợp với trí tưởng tượng của các em. Cuộc thi viết truyện đồng thoại của Nhật Bản do tập đoàn ENEOS tổ chức thường niên từ năm 1970 đến nay.
Hoạt động này đến Việt Nam vào năm 2018 có tên Giải thưởng sáng tác truyện đồng thoại ENEOS & MOGU "Đóa hoa đồng thoại".
Ông Misahitô Hiranô Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn JXEV chia sẻ niềm vui vì Cuộc thi đã và đang là sân chơi văn học lành mạnh cho thiếu nhi và vì thiếu nhi: "Hoạt động này của chúng tôi được tổ chức từ những năm 1970, khi ấy Nhật Bản cũng giống với Việt Nam bây giờ, mới bắt đầu bước vào thời kỳ phát triển cao độ. Thời kỳ ấy Nhật Bản cũng không có nhiều tranh truyện chất lượng như bây giờ. Cả về nội dung và kỹ thuật in ấn. Giải thưởng không chỉ là cuộc thi sáng tác truyện mà chúng tôi còn tổ chức các workshop hướng dẫn trẻ em viết làm sao đạt chất lượng cao nhất. Ngoài những workshop với tác giả người Việt Nam thì chúng tôi còn mời tác giả, họa sĩ vẽ tranh Nhật Bản giao lưu nhằm nuôi dưỡng tính cách, tinh thần tự lập của các bạn nhỏ Việt Nam."
Sau ba năm tổ chức, Giải thưởng ngày càng thu hút đông đảo các tác giả ở mọi lứa tuổi, chất lượng các bài thi cũng nâng lên rõ rệt qua từng năm. Giải thưởng sáng tác truyện đồng thoại ENEOS & MOGU “"Đóa hoa đồng thoại" đã trở thành giải thưởng uy tín, có sức lan tỏa, tạo thành phong trào sáng tác văn học của các em học sinh, giáo viên trong các trường tiểu học, phổ thông cơ sở trên cả nước. Điều này được minh chứng qua số bài tham dự, số thi sinh tham gia ngày càng tăng. Nếu như năm 2018, có 251 tác phẩm của 207 thí sinh ở 10 tỉnh/thành tham dự Giải thưởng thì đến năm 2020, số tác phẩm tham dự tăng kỷ lục với 1351 tác phẩm của 872 tác giả ở 52 tỉnh/thành trên cả nước tham gia.
Trong bối cảnh mối quan hệ Nhật – Việt đang ngày càng trở nên mật thiết trên tất cả các lĩnh vực, hoạt động phổ cập văn hóa đọc sách và tranh truyện Ehon cũng như việc tổ chức cuộc thi "Đóa hoa đồng thoại" có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc “nuôi dưỡng ước mơ và làm phong phú tâm hồn trẻ thơ”.
Bà Lê Thị Thu Hiền - Giám độc Công ty Trách nhiệm hữu hạn More Production Việt Nam, đơn vị tổ chức cuộc thi chia sẻ: "Qua cuộc thi tôi mong muốn trẻ em Việt Nam nói riêng và độc giả Việt Nam nói chung sẽ có nhiều tác phẩm văn học do chính người Việt sáng tác, chứ không phải là sách dịch. Truyện thì có nhiều thể loại. Có truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài… Nhưng đối tượng mà chúng tôi hướng vào chính là các bạn nhỏ từ 2 đến 6 tuổi. Các bạn này sự tập chung chưa được cao. Chính vì thế chúng tôi cần những truyện ít chữ, nhiều tranh để các bạn tập chung chú ý. Từ đó các bạn mới phát huy được trí tưởng tượng. Chúng tôi mong làm sao để tạo ra một thể loại truyện cực ngắn để các bạn chưa biết chữ dễ dàng tiếp cận.
Như các năm trước, năm nay Ban Tổ chức Cuộc thi “Đóa hoa đồng thoại” vẫn duy trì 3 hạng mục Giải thưởng. Đó là Giải thưởng Tự do dành cho thí sinh thuộc mọi lứa tuổi. Giải thưởng Phổ thông cơ sở và Giải thưởng Tiểu học. Ngoài ra các thí sinh có quốc tịch Việt Nam, người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam cũng có thể tham gia ở tất cả các hạng mục trên.
Bà Vũ Dương Thúy Ngà - Nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) cho rằng Cuộc thi không chỉ mang đến cho các em thiếu nhi những tác phẩm văn học hấp dẫn mà còn góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.
Với ý nghĩa “Hãy dành cho trẻ em những điều tốt đẹp nhất trong tâm hồn”, cuộc thi “Đóa hoa đồng thoại” đã quy tụ nhiều tác phẩm văn học lấp lánh tinh thần nhân văn, biết sẻ chia, quan tâm tới mọi người. Những câu chuyện cảm động này không chỉ giúp bồi đắp, nâng đỡ ước mơ của các em, mà còn giúp hoàn thiện dần về nhân cách, một trái tim biết yêu thương và chia sẻ.
Bà Lê Phương Liên - Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi cho rằng: "Ban giám khảo phải cảm nhận được chất hồn nhiên, ngây thơ trong từng câu chữ, và trong từng cảnh ngộ mà tác phẩm thể hiện. Thứ hai là câu văn cho trẻ em thì phải trong sáng. Hiện nay ngôn từ ngoài cuộc sống và mạng xã hội nhiều từ ngữ chưa được chau chuốt. Thì nhân cuộc thi chúng ta có dịp chau chuốt ngôn ngữ để trong sáng, thuần Việt hơn. Thứ ba là thông điệp của toàn tác phẩm phải là thiện lành, đem lại cảm hứng làm việc thiện, chân thật. “Đóa hoa đồng thoại” thì chữ “đồng thoại” chính là tiếng nói của Nhi đồng, chứ không phải là chuyện về loài vật như bây lâu chúng ta lầm tưởng. Đồng thoại là tiếng nói của sự tưởng tượng, trong lành nhất … đó là một trong những đòi hỏi cao nhất mà Ban giám khảo mong muốn."
Còn bạn Nguyễn Diệu Linh Chi (học sinh lớp 8A1 trường Trung học cơ sở Kim Giang- Hà Nội) chia sẻ niềm vui khi Cuộc thi “Đóa hoa đồng thoại” luôn là sân chơi bổ ích cho các em yêu thích viết văn. "Sân chơi văn học khá là ít ở Việt Nam nên hoạt động này rất bổ ích cho chúng em. Em mong rằng những cuộc thi như thế này sẽ phát triển rộng ra để nhiều người biết đến. Còn các bạn học sinh thì có thêm sân chơi văn học thật sự để chúng em thứ nhất là không sợ học ngữ văn, thứ hai là có thể tự mình viết ra những tác phẩm văn học yêu thích."
Cuộc thi năm nay, Ban tổ chức có Workshop “Bút kể ta nghe” được tổ chức hai đến bốn buổi từ tháng 3 đến tháng 5 với các khách mời: Nhà văn Lê Phương Liên, nhà văn Nhã Thuyên, Tiến sĩ Giáo dục Thụy Anh, tác giả Mai Liên. Giao lưu với tác giả Nhật Bản sáng tác tranh truyện ehon nổi tiếng của Nhật Bản: Mariko Shinju & Hideko Nagano. Workshop giúp các tác giả và người viết tìm nguồn cảm hứng, luyện tập, thực hành sáng tác với sự giúp đỡ của các nhà văn khách mời của Giải thưởng