Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Minh Nguyệt:
Nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Tô Hoài, Nhà xuất bản Kim Đồng vừa tổ chức tọa đàm “Tô Hoài – Nhà văn của mọi lứa tuổi” vào sáng 25/9 tại Hà Nội, thu hút sự tham gia của các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học, các nhà sư phạm... khắp mọi miền đất nước. Đây cũng là nơi các chuyên gia trao đổi, chia sẻ những nghiên cứu, góc nhìn mới về cuộc đời, sự nghiệp của nhà văn Tô Hoài.
Quang cảnh tọa đàm - Ảnh: Thúy Loan |
Bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Phó Giám đốc, Tổng biên tập NXB Kim Đồng cho biết: “Với sự đầu tư công phu về cả hình thức và nội dung, loạt ấn phẩm kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Tô Hoài thể hiện sự tri ân sâu sắc của Nhà xuất bản Kim Đồng với một tác gia có tầm ảnh hưởng lớn đến nền văn học nghệ thuật nước nhà. Chỉ riêng tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký đã chu du qua 30 nước trên thế giới. Và độc giả sẽ có cơ hội được tiếp cận 12 ấn bản “Dế Mèn phiêu lưu ký” khác nhau trong dịp kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Tô Hoài lần này.
12 ấn bản Dế mèn phiêu lưu ký của NXB Kim Đồng đến với bạn đọc trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tô Hoài |
Năm 2020 kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Tô Hoài, nhưng NXB đã phải tiến hành rất nhiều công việc từ năm ngoái. Bởi vì chúng tôi muốn mang đến bạn đọc bộ ấn phẩm giới thiệu đầy đủ nhất các tác phẩm của nhà văn Tô Hoài dành cho thiếu nhi. Nhà văn Tô Hoài được mệnh danh là nhà văn của mọi lứa tuổi bởi lẽ ông để lại dấu ấn rất nhiều sách, ví dụ mảng tự truyện, hồi ký, mảng sách về Hà Nội và đặc biệt là mảng truyện đồng thoại. Ông cũng là người cùng với các nhà văn nổi tiếng đóng góp vào việc thành lập nhà xuất bản Kim Đồng cũng như định hướng xây dựng một nền văn học thiếu nhi từ những ngày đầu, nên những dấu ấn ông để lại trên tác tác phẩm của mình có thể nói rất rõ rệt.”
Bà Vũ Thị Quỳnh Liên cũng chia sẻ thêm, Dế Mèn phiêu lưu ký đã có sức sống gần 80 năm và vẫn được bạn đọc đón nhận. Như bản Dế mèn phiêu lưu ký đen trắng có minh họa của họa sĩ Tạ Huy Long, thì dù mới được in khoảng 10 năm nay, nhưng đã được tái bản tới 87 lần. Trung bình mỗi năm có tới 10 ngàn bản chỉ riêng cho ấn bản này.
Bản Dế mèn phiêu lưu ký minh họa của họa sĩ Đậu đũa. |
Cũng trong đợt này, ấn phẩm “Dế Mèn phiêu lưu ký” do nữ họa sĩ trẻ Đậu Đũa minh họa đã ra mắt công chúng. Thuộc thế hệ 9X, Đậu Đũa là nữ họa sĩ đầu tiên vẽ “Dế Mèn phiêu lưu ký”. Chị cho biết, cơ duyên đến với tác phẩm từ đồ án tốt nghiệp đại học năm 2014, bằng tình yêu được nuôi dưỡng từ thời bé thơ với tác phẩm. Với con mắt của người trẻ thời hiện đại, minh họa của Đậu Đũa khác biệt với tạo hình Dế Mèn của các thế hệ họa sĩ đi trước. Nhân vật được cách điệu nhân cách hóa, cỏ cây hoa lá được trang trí, cách điệu nhiều hơn là vẽ tả thực.
Họa sĩ Đậu Đũa - ảnh: NXB Kim Đồng |
Họa sĩ Đậu Đũa chia sẻ: “Tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký là một tác phẩm rất kinh điển của nhà văn và đã được rất nhiều họa sĩ lão làng minh họa. Thành ra lúc vẽ minh họa mình gặp rất nhiều áp lực bởi vì không biết mình có thoát khỏi được những minh họa trước đó của các bậc đàn anh hay không. Mình đã phải phải tìm hiểu phong cách để vẽ khác đi. Dế mèn phiêu lưu ký từ nhỏ mình đã được đọc rồi, sau này được xem minh họa của anh Tạ Huy Long. Mình cũng tham khảo thêm từ đàn anh, rồi tham khảo từ cuộc sống, cây cỏ hoa lá thiên nhiên để đưa vào.”
Về cách viết các tác phẩm ký của nhà văn Tô Hoài, nhà văn, họa sĩ Nguyễn Trương Quý nhận xét: “Tô Hoài được sinh ra khi các các thiết chế đô thị Hà Nội bắt đầu ổn định, trưởng thành khi nơi này bước vào quá trình giải thực dân, can dự vào những vận động của đời sống xã hội thành phố trong chính thể độc lập cũng như các cuộc chiến tranh và thời bình cho đến tận thế kỷ 21. Vì vậy, có thể cắt nghĩa tính chất sử ký chi phối góc quan sát của Tô Hoài, dù là viết ở dạng đoản văn hay trường văn. Ngay trong những bài tạp ký ngắn của Chuyện cũ Hà Nội, ông cũng đưa lại vài nét nhấn nhá chuyện xưa nay, làm rõ những sự biến đổi của khung cảnh và lối sống, tạo ra một cảm thức về sự liên tục của dòng chảy đời sống.”
Ấn bản truyện đồng thoại của nhà văn Tô Hoài. |
Cũng nói về cách viết của nhà văn Tô Hoài, nhưng ở mảng truyện đồng thoại, nhà văn Lê Phương Liên cho rằng: “Nhà văn Tô Hoài đã nhân cách hóa đã làm cho tất cả con vật ấy trở nên rất sinh động gần gũi và rất vui tươi. Và mang rất nhiều đặc điểm của con người, đặc biệt là người Việt Nam. Nên bạn đọc khi soi mình vào những tác phẩm của Tô Hoài đều cảm thấy có mình ở trong đó.”
PGS TS Bùi Thanh Truyền, trưởng khoa Ngữ văn Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: “Tác phẩm của Tô Hoài đã được độc giả rất nhiều thế hệ yêu thích, biết đến. Những người về hưu rồi cũng rất nhớ những trang viết của ông, đặc biệt là Dế mèn phiêu lưu ký. Còn bây giờ, những bạn trẻ cũng rất thích thú.
Hai nữa, tác phẩm của Tô Hoài rất quen thuộc với học sinh. Thí dụ ở cấp tiểu học là những đoạn văn, bài văn miêu tả, những câu chuyện như Người đi săn và con nai, hoặc trên chiếc bè Dế mèn bênh vực kẻ yếu, trong Dế mèn phiêu lưu ký. Hay ở trung học cơ sở có Bài học đường đời đầu tiên, ở cấp trung học phổ thông có Vợ chồng A Phủ. Như vậy, rõ ràng Tô Hoài là một trong những nhà văn có vinh dự rất lớn, đó là tác phẩm có ở cả 3 cấp học tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, đặc biệt với số lượng rất nhiều, nên qua nhà trường rất nhiều độc giả Việt Nam biết đến Tô Hoài,
Thứ ba, lối viết riêng của ông, cách kể chuyện của Tô Hoài rất dí dỏm, phù hợp với cả người lớn lẫn trẻ em. Tính chất umua, hài hước nhiều người thích. Câu chuyện của Tô Hoài kể cũng phù hợp với rất nhiều độc giả. Ví dụ, người lớn tuổi vẫn có thể tìm ra những ý nghĩa, bài học rất nhân văn trong Dế mèn phiêu lưu ký, còn trẻ em rất thích câu chuyện này.
Tô Hoài là phù thủy chữ, cách sử dụng ngôn từ ngữ của ông rất đặc biệt, nên ngữ điệu, văn điệu của ông có thể dùng tiểu học cũng được, trung học cơ sở cũng được, trung học phổ thông cũng được. Vì những lý do trên tôi thấy so với những nhà văn khác - rõ ràng cũng được nhiều người biết đến, cũng được nhiều người yêu quý, nhưng có lẽ Tô Hoài có được hạnh phúc rất lớn là ông không bao giờ cũ, và ông là nhà văn của mọi lứa tuổi, cả quá khứ hiện tại và có thể cả tương lai”.
Nhà văn Tô Hoài - ảnh chụp năm 2000 của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán |
Trong không gian tọa đàm Tô Hoài – Nhà văn của mọi lứa tuổi, độc giả được chiêm ngưỡng 20 bức chân dung nhà văn Tô Hoài do nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán chụp và hòa mình vào thế giới Dế Mèn trong những tranh minh họa “Dế Mèn phiêu lưu ký” của các họa sĩ trong và ngoài nước.
Chương trình cũng được livestream trực tiếp trên fanpage của NXB Kim Đồng.
Ngoài ra, “Tuần đọc Tô Hoài” cũng diễn ra từ 21.9 – 27.9 trên fanpage NXB Kim Đồng và Kim Đồng Kids, hai fanpage chính thức của NXB Kim Đồng, hướng tới công chúng yêu mến tác phẩm của nhà văn Tô Hoài.
Chương trình dành cho tất cả độc giả mọi lứa tuổi, là nơi độc giả có thể chia sẻ các bài cảm nhận của mình về tác phẩm của nhà văn Tô Hoài, thể hiện sự yêu mến với nhà văn.