Vở mùa "Vòng lặp" |
Trong khuôn khổ Hanoi Dance Festival vừa qua, vở múa mang tên “Loop”- có nghĩa là Vòng lặp của nghệ sĩ gốc Việt Xuân Lê đã gây ấn tượng mạnh với công chúng Việt. Thông qua việc kết hợp những tinh túy của bộ môn trượt patin, tung hứng, múa đương đại và múa hip- hop, Xuân Lê đã xây dựng một ngôn ngữ vũ đạo rất riêng, độc đáo và đầy chất thơ.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Xuân Lê từng vô địch giải trượt patin nước Pháp và đứng thứ 6 giải trượt patin thế giới (thể loại freestyle) năm 2009. Như một cơ duyên, vào năm 2010, con đường nghệ thuật của anh đánh dấu một bước ngoặt khi anh có cơ hội gặp gỡ đạo diễn Thomas Braud. Người bạn này đã gợi ý anh tìm hiểu và kết hợp trượt patin với múa đương đại. Bắt đầu đến với môn nghệ thuật mới mẻ khi đã 16 tuổi, Xuân Lê tâm sự:
“Tôi đến với múa đương đại vào năm 16 tuổi, nếu đây là múa ba-lê thì sẽ là hoàn toàn muộn, nhưng múa đương đại thì lại là khía cạnh khác. Trước đó tôi đã học trượt Pa-tanh từ nhỏ nên về cơ bản cơ thể tôi đã được tập luyện. Khi đến với múa đương đại tôi phải học thêm những kĩ năng về múa, nhưng điều đó không có nghĩa là mình bắt đầu từ con số 0.
Tôi hiểu khi bắt đầu muộn như thế này cũng có những điểm mạnh và điểm yếu. Đối với tôi, tôi có những kinh nghiệm tuyệt vời khi là thành viên của một số đoàn xiếc. Tôi được luyện tập các kỹ thuật về hip hop, múa đương đại… và đến năm 2016 tôi thành lập đoàn múa cho riêng mình”.
Xuân Lê trả lời phỏng vấn phóng viên Đài tiếng nói Việt Nam |
Và Vòng lặp chính là tác phẩm sáng tác solo đầu tiên của anh. Qua tác phẩm này, Xuân Lê khá “tham vọng” khi muốn truyền tải đến khán giả một chủ đề khá rộng: Cuộc đời. Xuân Lê tâm sự: “Tôi muốn khai thác một khía cạnh rộng lớn của cuộc đời, đó là nguồn gốc, bản ngã. Chúng ta là ai trong cuộc đời này. Chúng ta được sinh ra như thế nào, cuộc sống chúng ta vận động ra sao.
Tôi muốn qua tác phẩm khơi gợi cho người xem những gì thuộc về họ và yếu tố xung quanh họ mà trong phút chốc có thể họ lãng quên. Tôi gọi vở diễn của mình là loop – vòng lặp bởi điều tôi muốn nói chính là vòng tròn của cuộc đời này”.
Xuân Lê trả lời phỏng vấn phóng viên Đài tiếng nói Việt Nam |
Để nói về vở múa này, ông Emmanuel Labrande, Giám đốc Viên Pháp tại Hà Nội nhận xét: “Xuân Lê là người biên đạo cũng là nghệ sĩ múa phân tích câu hỏi về chuyển động và cuộc đời thông qua những đường trượt patin. Có lẽ là bởi vì việc trượt pa-tanh và cuộc sống là hai điều mà chúng ta khó có thể xoay xở.
Bằng việc kết hợp tinh thần của việc trượt patin lẫn việc nhào lộn vì Xuân Lê là người đến từ sân khấu xiếc. Xuân Lê đã phát triển ra được ngôn ngữ múa hết sức độc đáo và rất nên thơ, mang phong cách tối giản. Âm thanh ánh sáng kết hợp cùng nhau làm người xem mê đắm”.
Nói về bản thân mình, Xuân Lê tự nhận mình có 75% dòng máu là người Việt, bởi vì ngoài bố là người Việt hoàn toàn thì bà ngoại anh là người Tây Ban Nha và ông ngoại là người Việt Nam. Nhưng từ lâu Xuân Lê đã không còn trăn trở về bản ngã của mình, đối với anh Việt Nam luôn là một phần hiện hữu trong tâm hồn mình.
Vở mùa "Vòng lặp" |
Xuân Lê bộc bạch: “Tôi sinh ra tại Pháp và là một người Pháp gốc Việt. Tôi nghĩ rằng dựa trên những gì tôi đã trải qua tôi luôn cảm nhận có một phần Việt Nam luôn hiện hữu trong thế giới của tôi. Tôi không bao giờ cố gắng giải thích phần gốc rễ Việt Nam trong vở diễn của tôi, mà trong múa đương đại những chuyển động của cơ thể mới giãi bày ra tất cả.
Và chắc chắn những hình ảnh được tái hiện trên sân khấu sẽ luôn khiến khán giả nghĩ đến Việt Nam.Và bạn biết đó, có một hình ảnh luôn trở đi trở lại trong đầu tôi khi tôi bắt đầu thực hiện Vòng lặp đó chính là hình ảnh của Tổ tiên. Tôi chưa bao giờ cố gắng giải thích nguồn cội Việt Nam mình bởi tôi hiểu Việt Nam đương nhiên luôn là một phần tạo ra tôi bây giờ”.
May mắn sinh ra trong một gia đình làm nghệ thuật, bố là đạo diễn điện ảnh và mẹ anh là nhiếp ảnh gia. Xuân Lê cho rằng dù không trực tiếp nhưng bố mẹ anh đã giúp đỡ anh rất nhiều trong quá trình phát triển bản thân như ngày hôm nay.
“Tôi nghĩ bố mẹ tôi đã cho tôi chìa khoá để làm mọi điều tôi muốn. Họ không yêu cầu tôi phải trở thành một nghệ sĩ hay làm điều gì liên quan đến nghệ thuật bởi họ hiểu chuyên ngành này đôi khi vô cùng áp lực. Họ giúp tôi quan sát công việc theo một khía cạnh khác biệt. Bố mẹ tôi làm công việc liên quan đến hình ảnh nên tôi cũng học hỏi được điều đó trong múa.
Tôi quan sát những chuyển động của người nghệ sĩ múa theo bao quát hơn. Tôi biết sự truyền tải người nghệ sĩ trong khung hình hay hình ảnh chính người nghệ sĩ muốn được nhìn thấy là như thế nào. Trong bộ môn múa, khi trình diễn ở sân khấu, đôi lúc bạn muốn được hướng sự chú ý của khán giả đến một vị trí đặc biệt, và theo một cách gián tiếp, những gì tôi học hỏi từ bố mẹ giúp tôi làm điều đó tốt hơn”.
Hiện nay Xuân Lê đang trong quá trình tiếp tục xây dựng một vở múa mới và kêu gọi các quỹ tài trợ nghệ thuật. Anh hy vọng trong khoảng 2 năm tới, anh cùng đoàn múa của mình sẽ giới thiệu đến với công chúng vở diễn mới này. Xuân Lê chia sẻ múa đương đại là chính là nơi tuyệt vời nhất anh được chìm đắm trong những sáng tạo vô biên của cá nhân mình.