Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và giải thưởng văn học quốc tế Hàn Quốc

Tú Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Mới đây, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, giám đốc Nhà xuất bản Hội nhà văn vinh dự là đại diện Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng Văn học quốc tế Hàn Quốc Chang won 2018. Ông là nhà thơ Việt Nam đầu tiên được nhận giải thưởng quốc tế này.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và giải thưởng văn học quốc tế Hàn Quốc - ảnh 1 Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Ảnh: vov.vn

Giải thưởng văn học quốc tế Hàn Quốc Changwon là giải thưởng văn học danh tiếng hàng năm của xứ sở kim chi. Trong số những hồ sơ ứng viên cung cấp, Hội đồng xét duyệt lựa chọn duy nhất một một nhà thơ quốc tế, đã có những đóng góp thi ca và đã có nhiều tác phẩm được giới thiệu đến nhiều nước trên thế giới. Các nhà thơ trong diện xét giải thưởng này đều từ 50 tuổi trở lên. Sở dĩ có tiêu chí này vì đó là những nhà thơ cần có quá trình sáng tạo cống hiến lâu dài. Giải thưởng từng vinh danh các tác giả nổi tiếng trên thế giới như Christopher Merrill và Tracy K.Smith của Mỹ, Bắc Đảo của Trung Quốc, Claude Mouchard của Pháp…

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã từng tham dự ba liên hoan và hội thảo thơ Hàn Quốc, trình bày những tác phẩm của mình cũng như quan niệm về thi ca Việt Nam và đương đại. Tạp chí về thi ca lớn ở Hàn Quốc cũng đã ba lần giới thiệu thơ của ông. Đó là những bài thơ tốt nhất trong các tập thơ Sự mất ngủ của lửa, Người đàn bà gánh nước sông, Cây ánh sáng của Nguyễn Quang Thiều. Ngoài ra, một số bài như Bài hát về cố hương, Linh hồn những con bò, Nhà thơ, Những cánh bướm… được in ở hơn 40 tạp chí trên thế giới. Trước đó Hội đồng xét duyệt cũng chia sẻ bản thân họ cũng đã tìm đọc và biết đến thơ của Nguyễn Quang Thiều trên những tạp chí thi ca quốc tế trước khi đọc hồ sơ ứng viên của ông.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ: “Tôi nghĩ rằng đối với mỗi nhà thơ, bài thơ họ viết ra được chia sẻ với bạn đọc là một hạnh phúc, được bạn đọc trong nước biết đến là một niềm hạnh phúc, lại được bạn đọc ở một ngôn ngữ khác, văn hóa khác lại là một niềm vui lớn hơn. Đặc biệt thơ mình lại được dịch ra một ngôn ngữ khác, được chọn lựa, trao giải, tôn vinh, thì dường như tác phẩm của mình đã chạm đến một điều gì đó chung của con người trên toàn thế giới, cho dù mỗi nhà thơ trên thế giới có thể viết khác nhau, cho dù ngôn ngữ và phong cách khác nhau và những vấn đề thi pháp khác nhau, nhưng đều khơi mở điều gì đó. Và giải thưởng này để cho thấy rằng những điều mình đã, đang và sẽ viết là những điều mình đã đi đúng trên con đường thi ca, đúng những vấn đề con người trên thế giới đang quan tâm đến”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng là người có quan hệ hợp tác những sự kiện thi ca giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Ông nhận định Hàn Quốc là một đất nước đang thực hiện rất tốt chiến lược truyền bá thi ca trong nước đến với thế giới. Văn học Hàn Quốc đang ngày càng lan rộng không chỉ tới Việt Nam mà cả nhiều nước trên thế giới. Đó là điều mà hiện nay văn học Việt Nam hiện nay rất cần học hỏi. “Hội nhà văn trong những năm vừa rồi đã nỗ lực rất nhiều, dịch những quyển thơ, truyện ngắn sang tiếng Trung Quốc, xuất bản ở Trung Quốc, Nhật Bản, Colombia, Mỹ… nhưng trong khát vọng của tôi, trong cách nhìn và tương đối hiểu về toàn bộ lịch sử và văn học hiện đại Việt Nam và những bước tiến của chúng ta trong việc dịch thuật và truyền bá thì tôi vẫn muốn con đường dịch thuật này phải cụ thể hơn, dài lâu hơn. Vậy chúng ta phải giới thiệu từng bước một những tác phẩm tốt nhất, chính xác nhất trong toàn bộ lịch sử văn học Việt Nam ra thế giới, tôi nghĩ rằng việc này cần phải làm mạnh mẽ hơn nữa, cụ thể hơn nữa và phải có một đầu tư rất lớn để làm điều đó. Đến lúc này phải trở thành chiến lược truyền bá của nhà nước”.

Vào tháng 9 năm nay, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều sẽ có mặt tại Seoul để nhận giải thưởng danh giá này. Ông chia sẻ, đây có lẽ cũng là cơ hội rất tốt để quảng bá văn học Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Trước đây, Nguyễn Quang Thiều cũng đã từng đại diện Việt Nam tham gia Hội thảo Văn học trên nhiều nước thế giới. Như ông đã nói “khát vọng lớn nhất” của ông là mở rộng con đường dịch thuật và truyền bá văn học Việt Nam nhiều hơn nữa đến với bạn bè quốc tế.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu