Tháng 2/2018 Đài phát thanh quốc gia Thụy Điển, cơ quan truyền thông lớn nhất tại quốc gia này, đã bình chọn Mai Văn Phấn là nhà thơ của tháng 2. Và thơ của ông trong tuần đầu tháng 2 được Erik Bergqvist, dịch giả tuyển tập Nhịp Mùa Thu đọc trên radio.
Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Högberg tại buổi tọa đàm thơ Mai Văn Phấn cho Trung tâm văn hóa Pháp tổ chức tạ Hà Nội |
Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Högberg cho biết, tên tuổi Mai Văn Phấn đã được biết tới rộng rãi ở Thụy Điển, nơi mà ông đã được trao giải thưởng văn học uy tín CIKADA 2017, cũng như được giới thiệu trên Đài phát thanh quốc gia Thụy Điển: “Tôi đã có dịp đọc thơ của nhà thơ Mai Văn Phấn bằng tiếng Thụy Điển, tiếng Anh, tiếng Pháp. Và thực sự với tài năng và sự sáng tạo của Mai Văn Phấn thì thơ ca của ông đã giúp chúng ta có dịp tìm hiểu, có cái nhìn rõ ràng hơn về văn hóa cũng như cuộc sống đời thường. Thông qua văn học, thông qua cầu nối thơ ca cũng là một trong những chìa khóa, trụ cột cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước..”
Ông Vũ Hoàng Giang, Phó giám đốc công ty văn hóa truyền thông Nhã Nam cho biết, việc xuất bản tập thơ mới nhất của Mai Văn Phấn có tên “Lặng yên cho nước chảy” nằm trong khoảng không gian cho thơ hàng năm mà Nhã Nam phát hành dành cho người yêu thơ.
“Khi Nhã Nam nhận lời xuất bản tập thơ Lặng yên cho nước chảy của nhà thơ Mai Văn Phấn thì chúng tôi tin rằng ông là một nhà thơ đặc sắc, hấp dẫn và có một giọng điệu riêng. Đặc biệt là khi chúng tôi đang thực hiện xuất bản cuốn sách này, thì nhà thơ Mai Văn Phấn đã được giải thưởng CICADA 2017 của Thụy Điển. Tôi nghĩ đây là một sự thừa nhận giá trị không phải riêng cho tập thơ Lặng yên cho nước chảy mà cả bề dày sáng tác của nhà thơ…”. – Ông Vũ Hoàng Giang nói.
Nhân dịp sách phát hành, một chương trình tọa đàm về tập thơ có tên Lặng yên cho nước chảy được thực hiện đầu tuần qua tại Hà Nội. Tập thơ mới phát hành đã khái quát chặng đường sáng tạo của tác giả được coi là một trong những người cách tân thơ Việt.
Một góc khán phòng buổi tọa đàm. |
Biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, người biên tập tập thơ mới nhất này của Mai Văn Phấn cho biết: “Hiện nay ông có tới 14 tập thơ in ở nước ngoài. Thơ của ông được dịch sang 24 ngôn ngữ khác nhau. Những con số đó nói lên nhiều điều. Khi tuyển thơ cho tập lặng yên trong nước chảy của Mai Văn Phấn thì chúng tôi bắt đầu nghĩ đến những tác giả trẻ và chúng tôi muốn nuôi dưỡng niềm yêu thơ trong các bạn trẻ. Việc tuyển chọn tập thơ này hướng đến giới thiệu đầy đủ chân dung MVP, từng chặng đường thơ của ông, nhưng đồng thời cũng dễ tiếp cận.”
Là một người nghiên cứu, theo dõi thơ Mai Văn Phấn trong khoảng 10 năm nay, nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm cho rằng: “Vì cuối những năm 80, đầu những năm 90, chúng ta có Nguyễn Quang Thiều, Dư Thị Hoàn, Ý Nhi, Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc, Mai Văn Phấn… Khoảng năm 1992 với tập Giọt nắng thì Mai Văn Phấn đã xuất hiện ở trung tâm của chuyển động thơ Việt đổi mới. Tập Giọt nắng của Mai Văn Phấn hoàn toàn xứng đáng khi được đứng bên cạnh những tập như Lối nhỏ, Sự mất ngủ của lửa…Ở thời điểm đó những nhà thơ đã có một ý thức về sự đổi mới như thế.
Theo nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm: “Đến những tập như Cầu nguyện ban mai, Nghi lễ nhận tên, trường ca Người cùng thời, từ 1992 đến 2003, là thời điểm sáng tạo của Mai Văn Phấn vẫn có dáng dấp truyền thống, nhưng đã có những dự cảm, như một mũi tên nằm ở sức căng của dây cung, với những dự cảm sẽ đưa ông đi xa hơn. Đến 2009, Mai Văn Phấn đã xuất bản 3 tập thơ, từ những dự cảm ấy đã giải phóng và định hình ở 3 tập: Hôm sau, Và đột nhiên gió thổi, Bầu trời không mái che. 3 tập thơ này định hình một chặng khác của Mai Văn Phấn, đây là chặng Mai Văn Phấn thét gọi nhiều nhất, hoài niệm, hoang mang, đổ vỡ rất nhiều. 3 tập thơ này, nếu nghiên cứu theo lý thuyết hậu hiện đại sẽ tìm nhiều dẫn chứng trong đó.
Từ trái qua phải: Biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, nhà thơ Mai Văn Phấn, nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm. |
Mai Văn Phấn đã không dừng lại ở bất kỳ một chặng nào cả mà anh luôn luôn dịch chuyển. Hành trình thơ của Mai Văn Phấn là một hành trình chuyển động không ngừng . Và có một từ tôi cho rằng thể hiện rõ động thái của anh, đó là từ vong thân, tức là ruồng bỏ, phủ định mình. Phủ định cả những cái mình thành công, và phủ định cả những thất bại để mình tìm kiếm một chân trời mới, một mỹ cảm mới, một động lực mới để sáng tạo."
Với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, một nhà thơ cùng thế hệ, ở trung tâm đổi mới thơ thời kỳ đầu cùng Mai Văn Phấn, thì hai bài thơ nền tảng của Mai Văn Phấn là “Khúc biến tấu con quạ” và “Cửa Mẫu”:
“Hai bài thơ đó như hai bờ của một con sông, khác biệt nhau hoàn toàn nhưng chung một dòng chảy. Và theo tôi hai bờ con sông đã sinh ra dòng chảy trong tập thơ này. Phía bên kia đầy hiện đại, đầy siêu thực, thì phía bên này đầy tâm linh và đầy truyền thống. hai cái đó dần dần hòa vào nhau, và nó đẹp, nó bình yên, sâu thẳm, vô tận như nước chảy trong sự ngạc nhiên này.
Khi đọc thơ Mai Văn Phấn, tôi được sống một đời sống mà tôi không được biết trước đó nếu tôi không đọc nó. Ông đã biến đôi mắt ta thành một đôi mắt khác thường khi đọc thơ của ông.”
Nhà thơ Chu Thị Thơm nhận xét: “Mỗi bài thơ của anh ấy như một câu chuyện….Mỗi một câu chuyện của anh có yếu tố tự sự, có chất huyền thoại, gắn với tính huyền thoại của những câu chuyện cổ. Tôi thích thơ Mai Văn Phấn ở chỗ, anh ở trong tâm thế nặng và sâu cùng một lúc, và mô tả những vấn đề không đao to búa lớn, rất bình dị mà gần như chúng ta đi qua hàng ngày, chúng ta bỏ quên. Những cái chúng ta vô tình đi qua thì anh ấy nhắc đến bằng cách nói riêng của anh ấy."
Nhà văn Văn Chinh nhận xét, trong tập Lặng yên cho nước cháy, Mai Văn Phấn trở lại với thơ ba câu, với những nét đặc sắc: “Thể thơ 3 câu của Mai Văn Phấn khác thơ Haiku của Nhật. Ở Mai Văn Phấn thơ ba câu của anh ấy diễn đạt trọn vẹn một tứ thơ."
Nhà thơ Mai Văn Phấn ký tặng sách độc giả - Ảnh: Báo Đại biểu nhân dân |
Chia sẻ về quan niệm thơ đến từ đâu và thơ mang lại cho anh những điều gì, nhà thơ Mai Văn Phấn cho biết, đó là một lộ trình sáng tạo có ý thức chuyên nghiệp của một nghệ sĩ: “Lúc mới sáng tác những bài thơ của tôi tạo nên một góc riêng tư nhỏ bé, rất nhỏ bé thôi. Sau đó những riêng tư ấy tiếp tục ra đời. Và khi nhiều bài thơ gom lại, nó tạo thành một không gian. Và cho tới giờ ý thức xây dựng không gian của tôi là rất rõ, chứ không phải viết về con trâu hay về cánh đồng vv, mà là nó được nhìn trong một không gian đa chiều và đa phương. Thơ trước đây ở thời bản năng, thì tôi chờ cảm xúc đến, tôi chờ một sư may mắn nào đó đến. Nhưng bây giờ với sự ý thức của một nghệ sĩ, cái ý thức là tôi có thể thích hát lúc nào cũng được, tôi có thể làm cho trái tim mình run rẩy với một hiện tượng đời sống, với một hiện tượng trong tâm thức của mình. Thơ đến từ thế giới đặc biệt mà tôi đã nhìn thấy. Tuy quan niệm như vậy, nhưng thế giới ấy có xuất hiện hay không còn phải nhờ Giời.”
Sinh năm 1955 tại Kim Sơn (Ninh Bình), công tác trong ngành hải quan Hải Phòng, nên Mai Văn Phấn trở thành người phố cảng. Nhưng Mai Văn Phấn không chỉ là nhà thơ của một vùng đất. Được coi là một người làm thơ cách tân, cho tới nay, Mai Văn Phấn vẫn không ngừng đổi mới chính mình, để tạo nên một dòng chảy thơ riêng biệt.