Vâng, thưa quý vị, đúng là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đang đọc Bài hát về cố hương, bài thơ ông luôn đọc mở đầu bằng tiếng Việt hay tiếng Anh ở các cuộc liên hoan thơ trong nước và quốc tế, vì với ông Bài hát về cố hương chính là bản tuyên ngôn của ông về làng mình.
Trong những cuộc giao lưu với bạn đọc, Nguyễn Quang Thiều từng bộc bạch: "Với văn xuôi, tôi chỉ là người kể chuyện. Nhưng thơ ca lại là thế giới tự do của mình. Ở đó tôi được tự do làm con giun bò qua khu mồ của dòng họ, làm con chim tung bay trên bầu trời riêng...
Nghe âm thanh toàn bài và bài thơ do nghệ sĩ Nguyễn Đình San đọc tại đây:
Dịch giả Nguyễn Thị Kim Hiền, người Việt ở LB Nga nhớ lại: “Tôi nhớ lần đầu tiên gặp nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là tại Hội thảo về văn học Việt Nam, trong đợt Những ngày văn hóa Việt Nam tại LB Nga. Tác giả Mùa hoa cải ven sông đã tặng tôi một tập thơ nhỏ. Trước đó, nói thật là tôi chưa bao giờ đọc thơ ông cả. Ngồi trong hội trường, tôi đã giở tập thơ đó. Và bất ngờ đập vào mắt tôi là một bài thơ nhan đề là Bài hát về cố hương. Không biết có phải vì tôi đã sống xa quê hương rất lâu hay không, nhưng bài thơ đó đã khiến tôi chú ý, đã cuốn hút tôi. Tôi đọc và những câu thơ tha thiết của Nguyễn Quang Thiều đã cuốn hút tôi, lay động đến tận những góc sâu thẳm nhất trong trái tim tôi. Và làm cho tôi như quên hết tất cả. Ngồi trong hội trường, tôi đã chuyển ngữ bài thơ đó sang tiếng Nga một cách rất dễ dàng và nhanh chóng. Về sau nhà thơ Nga Nhikolai Periaslov đã hoàn chỉnh bản dịch đó và gửi đi dự thi. Bài hát về cố hương của Nguyễn Quang Thiều đã được giải Bài thơ nước ngoài hay nhất dịch ra tiếng Nga trong năm đó".
...“Bài hát về cố hương” của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, được đăng trên tạp chí Văn học Nga, từng được bình chọn là tác phẩm dịch thuật hay nhất năm 2011 của bạn đọc yêu thơ ca tại Nga...
Trong hành trình đọc thơ qua khoảng 50 nước trên thế giới. Bài hát về cố hương luôn được Nguyễn Quang Thiều lựa chọn chia sẻ với bạn yêu thơ. Không chỉ tiếng Nga, bài thơ đã được dịch ra các thứ tiếng của các nước: Anh, Nhật, Colombia, Tây Ban Nha…Bài thơ cũng được in trong tập Những người đàn bà gánh nước sông và những bài thơ trong tập Sự mất ngủ của lửa tại Mỹ, và được giải thưởng chung kết của Hội dịch giả văn học quốc gia Mỹ.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tại chân đê làng Chùa. - Ảnh: Họa sĩ Lê Thiết Cương |
...
Nguyễn Quang Thiều, trong các tác phẩm văn học đã viết, say đắm với mảnh đất làng Chùa của mình, như Đoàn Lê với làng Chùa của bà, như cụ Kim Lân với làng chợ Giầu Phù Lưu, như Raxun Gamdatov kể chuyện về mảnh đất Đaghextan.
Và ông cũng còn may mắn, khi làng Chùa của ông vẫn đẹp, vẫn là một làng quê còn được bao người dân yêu thơ, làm thơ gìn giữ; không phải khắc khoải, đau xót tìm cách giữ làng trước làn sóng đô thị hóa, trước những cơn bão bất động sản tràn tới.
Ông, như nhiều nhà văn nhà thơ tên tuổi khác, đã nói hộ người bình thường cái lòng yêu mảnh đất cố hương, cái tâm tình khiến người dù đi xa đâu vẫn không khỏi một lúc nào đó chạnh lòng nhớ về nơi mình đã từng sinh ra, lớn lên.