Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga, Hội Hữu nghị Việt - Nga, Hội Hữu nghị Nga - Việt phối hợp cùng Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông tổ chức ra mắt "Tuyển thơ chiến tranh Vệ quốc 1941-1945: Đợi anh về" của hai dịch giả Nguyễn Huy Hoàng và Nguyễn Văn Minh.
Tuyển thơ “Đợi anh về” bao gồm 180 bài thơ của 24 tác giả tiêu biểu nhất trong nền thơ ca Chiến tranh Vệ quốc như Ximonov, Olga Berggolts, Tvardovxki, Anna Akhmatova, Evtusenko… Những bài thơ trong tuyển tập này đã thể hiện một cách chân thực về cuộc chiến tranh đẫm máu. Và qua đó, tính cách Nga được bộc lộ một cách rõ ràng và sâu sắc nhất. Dù rằng cuôc chiến tranh có tàn khốc, bi thương, nhưng bừng sáng trong đó vẫn là tinh thần hào hùng và lạc quan tin tưởng vào ngày mai.
Nhà nghiên cứu và phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nhận định rằng: “Các nhà thơ trong tập này chủ yếu là các nhà thơ đã sống và sáng tác và có tên tuổi trong thời kỳ Liên xô, tiếp thêm cho người đọc hiểu thêm về thơ ca Liên xô hồi đó và tình hình nước Nga hiện nay, và càng thêm nuôi dưỡng được tình cảm của độc giả Việt Nam với nước Nga. Ví dụ lịch sử có thể thăng trầm thế nào, số phận mỗi dân tộc khác nhau thế nào, văn chương vẫn là nhịp cầu để tạo nên sự cảm thông hiểu biết của cả dân tộc và con người thuộc bất cứ màu da, chủng tộc, tôn giáo nào.”
Về nhan đề của tuyển thơ, “Đợi anh về” là tên một bài thơ của nhà thơ Nga Konstantin Ximonov viết trong những năm quân đội Nga chiến đấu với Phát-xít Đức. Đây là một bài thơ quen thuộc của người dân Việt Nam qua bản dịch từ tiếng Pháp của nhà thơ Tố Hữu năm 1947. Bản thân việc chọn nhan đề cho bài thơ này cùng như vừa nhắc lại một kỷ niệm đẹp của nhân dân Việt Nam với đất nước Nga. "Đợi anh về" có sức ảnh hưởng đặc biệt đối với người dân Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Pháp. Vũ khí tinh thần của nước Nga cũng chính là hành trang cho người Việt thời kỳ đó.
Ông Nguyễn Thế Lữ, nguyên là lưu học sinh ở Nga tâm sự: "Chọn bài thơ Đợi anh về của nhà thơ Ximonov làm tên của tác phẩm dịch, tôi thấy đây là một tác phẩm tuyệt vời cả về câu chữ cả về truyền tải tư tưởng, tình cảm của một thế hệ người phụ nữ Liên xô trước đây. Theo tôi đây là một thông điệp vô cùng quý giá cho nhân loại. Thông điệp này có giá trị mãi mãi, đó là chúng ta phải yêu thương nhau, bảo vệ hòa bình, đừng để xảy ra chiến tranh. Không có gì mất mát hơn chiến tranh. Chỉ có tình yêu là mãi mãi, và tình yêu của người phụ nữ qua bài thơ của Ximonov đã nói rõ tất cả”
Nhận xét về tính chuyên môn của bản dịch toàn bộ tuyển thơ, ông Nguyễn Xuân Hòa, thành viên Hội ngôn ngữ học TP. Hà Nội và cũng là người hiệu đính cho tác phẩm này nhận xét: “Tập thơ này tôi thấy rất thích vì chuyển ngữ phù hợp với tiếng Việt. Nó mượt mà nhưng vẫn mang hơi thở của cuộc chiến tranh Vệ quốc. Cuộc chiến tranh Vệ quốc có được sở dĩ là nhờ Cách mạng tháng 10 Nga năm 1917 và với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Chính vì vậy mà mặc dầu mang hơi thở của cuộc chiến tranh, trong đó thấm đẫm tính nhân văn sâu sắc. Trong đó có người chị, người vợ người em... luôn luôn nhớ đến người ra đi nên có cái tên như vậy”
Ra đời trong dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng 10 Nga vĩ đại, tuyển thơ Đợi anh về còn giống như một chiếc cầu nối giữa văn học Nga và văn học Việt Nam, góp phần củng cố tình hữu nghị bền chặt giữa hai nước Việt Nam và Liên Bang Nga. Giáo sư Nguyễn Kim Đính, nguyên chủ nhiệm Khoa Văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cho rằng:
“Văn học Xô viết trong thời kỳ Vệ quốc vĩ đại rất quan trọng trong tiến trình phát triển của văn học Nga, đặc biệt rất gần gũi với chúng ta. Nhân dân hai nước phải chống phát xít Đức, hy sinh như thế nào thì rất gần gũi với chúng ta bới chúng ta phải trải qua hàng chục năm chiến tranh. Chúng ta cũng có những bà mẹ anh hùng như thế nên tác phẩm này rất dễ đi vào lòng người. Và hơn nữa tôi nghĩ đây là một đóng góp quan trọng trong sự phát triển tình hữu nghị giữa hai nước, đồng thời đóng góp quan trọng trong sự phát triển của văn học Việt Nam, vì thật ra trong văn học Việt Nam chúng ta, những tác phẩm nổi tiếng nhất vẫn là những tác phẩm viết về chiến tranh.”
Cũng cùng quan điểm, bà Natalia Shafinskaya, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Việt Nam cho rằng: “Quyển sách này có đóng góp rất lớn của hai dịch giả trong việc cung cấp thông tin về thời kỳ ác liệt của người dân Nga, khi ai cũng đứng lên bảo vệ Tổ quốc của mình. Qua những bài thơ này dường như có thể hiểu sâu hơn về tâm hồn người dân Nga, và người dân Nga, người dân Việt Nam gắn bó với nhau bởi những tình cảm rất chung. Qua tập thơ này, cả hai dân tộc có thể hiệntình đoàn kết với nhau, và cũng tìm được biện pháp tốt nhất để giữ gìn hòa bình trên thế giới”.
Một số hình ảnh tại buổi ra mắt sách:
Dịch giả Nguyễn Huy Hoàng (ngoài cùng bên phải) cùng các đại biểu - Ảnh: Hoàng Đông |
Khách tham dự buổi ra mắt sách - Ảnh: Hoàng Đông |
Những người làm sách cùng bạn đọc, khách mời chụp ảnh lưu niệm - Ảnh: Hoàng Đông |
Ảnh: Hoàng Đông |
Ảnh Hoàng Đông |