”Tuyển thơ chiến tranh Vệ quốc 1941-1945: Đợi anh về” ra mắt

PV
Chia sẻ
(VOV5) - Hai dịch giả Nguyễn Huy Hoàng và Nguyễn Văn Minh đã dày công dịch 180 bài thơ của 24 tác giả tiêu biểu nhất trong nền thơ ca Chiến tranh Vệ quốc.

Một trong những tác phẩm thơ ca Chiến tranh Vệ quốc nổi tiếng là bài thơ Đợi anh về của nhà thơ Konxtantin Ximonov. Bài thơ này đã được nhà thơ Tố Hữu dịch sang tiếng Việt ngay từ năm 1947, đã có một ảnh hưởng và ý nghĩa đặc biệt đối với cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam. Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày Cách mạng tháng Mười Nga, một tập thơ bao gồm 180 bài thơ của 24 nhà thơ của nền thơ Chiến tranh Vệ quốc đã được chọn dịch ra tiếng Việt mang tên Tuyển thơ chiến tranh Vệ quốc 1941-1945: Đợi anh về, do Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông ấn hành.

”Tuyển thơ chiến tranh Vệ quốc 1941-1945: Đợi anh về” ra mắt - ảnh 1

Hai dịch giả Nguyễn Huy Hoàng và Nguyễn Văn Minh đã dày công chọn lọc và dịch180 bài thơ của 24 tác giả tiêu biểu nhất trong nền thơ ca Chiến tranh Vệ quốc như Ximonov, Onga Bergolls, Tvardovxki, Anna Akhmatova, Evtusenko vv…Những bài thơ trong tập thơ chọn lọc này đã thể hiện một cách chân thực về cuộc chiến tranh đẫm máu; và qua đó tính cách Nga được bộc lộ một cách rõ ràng và sâu sắc nhất. Đó là sự tàn khốc, bi thương, nhưng hào hùng và lạc quan tin tưởng, như nhà mỹ học Borev đã nói: “đó là những tiếng khóc đau thương về sự hy sinh và mất mát, nhưng đồng thời cũng là tiếng ca vinh quang về sự bất tử”. Những độc giả yêu thơ ca Nga sẽ nhận ra nhiều bài thơ trong tập thơ này đã được phổ nhạc thành các bài hát yêu thích không chỉ ở Nga và còn ở Việt Nam.

Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai (1941 -1945) đã gây nên một thảm họa kinh hoàng đối với nhân loại. Trong chưa đầy nửa thập kỷ, gần như cả châu Âu chìm trong máu lửa và sự hủy diệt. Khoảng bảy mươi triệu người đã bị chết, hàng nghìn thành phố bị hủy hoại và gây ảnh hưởng nặng nề tới cuộc sống của hàng chục quốc gia trong suốt một thời gian dài. Liên Xô (cũ) là đất nước bị tàn phá nặng nề nhất với hơn 27 triệu người hy sinh, những thành phố lớn và những công trình văn hóa mang tầm vóc của nhân loại hầu như bị hủy diệt. Nhưng từ trong đau thương và chết chóc, nhân dân Liên Xô đã dũng cảm đứng lên với sức mạnh tự lực, tự cường quyết bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc.

Báo chí, nhiếp ảnh, hội họa, âm nhạc Liên Xô (cũ) trong những năm chiến tranh và hậu chiến tranh đã ghi lại sự tàn bạo và đẫm máu của quân thù, sự đau thương khốc liệt trong suốt 1.418 ngày đêm dưới đạn bom mà nhân dân Liên Xô gánh chịu; nhưng đồng thời nó cũng phản ánh được quyết tâm, lòng dũng cảm vô bờ bến, đức hy sinh cao cả và ý chí lạc quan của quân đội và nhân dân Xô Viết. Tất cả đã tạo thành sức mạnh làm nên chiến thắng.

Trong hoàn cảnh đó đã xuất hiện một nền văn học lớn lao, không một dân tộc nào sánh nổi, đó là nền văn học chiến tranh, nó được coi là một viện bảo tàng về tinh thần, về tâm hồn và những giá trị nhân văn cao cả nhất với những công trình và tác phẩm của hàng ngàn nhà văn, nhà thơ suốt trong thời kỳ 1941-1945 và cả về sau nữa. Văn học chiến tranh, đặc biệt thơ ca chiến tranh Liên Xô là niềm tự hào và kiêu hãnh của nhân dân Nga. Nó được hun đúc từ một truyền thống lâu đời kể từ Puskin, Lermontov, Blok, Exenhin, Maiakovxki và rất nhiều những tên tuổi khác mang tầm nhân loại.

Khi cuộc chiến tranh nổ ra, cùng với đội ngũ các nhà báo, rất nhiều nhà văn, nhà thơ đã có mặt ở chiến trường, tham gia cùng với quân đội trên chặng hành trình giải phóng Liên Xô, giải phóng châu Âu. Chính vì vậy, trong tác phẩm của họ mang hơi thở của chiến tranh, mang tính thời sự nóng hổi của từng trận đánh và nhịp đập của cuộc sống thời chiến của nhân dân.

Ngay từ năm 1947, khi nhân dân Việt Nam đang tiến hành cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp xâm lược, từ trong rừng già của chiến khu Việt Bắc, trong hoàn cảnh thiếu thốn trăm bề, những chiến sĩ vệ quốc quân Việt Nam đã được đọc những tác phẩm, những bài thơ viết về đề tài chiến tranh của Liên Xô được dịch qua tiếng Pháp, tiếng Anh. Một trong những bài thơ nổi tiếng nhất được nhà thơ Tố Hữu dịch lúc bấy giờ là “Đợi anh về” của Konxtantin Ximonov. Dù chưa nhiều, nhưng lúc này, bạn đọc Việt Nam đã có một cái nhìn, sự hiểu biết về tầm vóc của nền thơ ca chiến tranh Xô Viết.

Sau ngày Việt Nam và Liên Xô chính thức đặt quan hệ ngoại giao 1950 và đặc biệt sau ngày miền Bắc giải phóng 1954 và đất nước thống nhất (1975), văn học Liên Xô trước đây và văn học Nga ngày nay, đã được dịch và giới thiệu rộng rãi ở Việt Nam. Các trường đại học, các trường phổ thông của Việt Nam đã đưa văn học Nga vào chương trình giảng dạy; nhiều công trình nghiên cứu về văn học đã chọn đề tài các nhà văn và tác phẩm Nga. Tính hiện thực sâu sắc, chủ nghĩa nhân đạo cao cả và phong cách cổ điển, dân tộc của văn học Nga đã chinh phục đông đảo bạn đọc Việt Nam.

Lần này, việc chọn dịch một tuyển tập thơ chiến tranh bao gồm 24 nhà thơ nổi tiếng nhất của Nga sang tiếng Việt Nam đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại có một ý nghĩa rất to lớn. Đây là lần đầu tiên, thơ ca chiến tranh Nga được giới thiệu một cách hệ thống và chọn lọc, giúp cho bạn đọc Việt Nam có một cái nhìn tổng thể về một mảng văn học đặc trưng và nổi tiếng, góp phần tôn vinh nền văn học Nga. Tuyển tập thơ được mang tên một bài thơ nổi tiếng mà nhà thơ Tố Hữu dịch tròn 70 năm trước, được bạn đọc Việt Nam hâm mộ: “Đợi anh về”, có một ý nghĩa rất sâu sắc.

Tuyển tập thơ “Đợi anh về” sẽ là một nhịp cầu văn hóa, góp phần củng cố tình hữu nghị hai nước Việt Nam - Liên bang Nga; là nén tâm nhang của bạn đọc Việt Nam thành kính tưởng nhớ tới những người con của nhân dân Nga đã ngã xuống cho sự nghiệp giải phóng Liên Xô và nhân loại trong cuộc chiến tranh chống phát xít.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu