Văn học Nga, trong một vài năm vừa qua, đã dần dần được giới thiệu trở lại Việt Nam, không chỉ là những tác phẩm của một thời hoàng kim từng vang bóng, mà cả những tác phẩm hiện đại. Ra đời - một tập truyện vừa đáng chú ý của văn học Nga đương đại vừa ra mắt bạn đọc Việt Nam.
Như lời giới thiệu sách: “Sự xuất hiện bất ngờ của sinh linh nhỏ bé nào hẳn cũng đều là niềm hạnh phúc của nhân gian. Thế nhưng, sự ra đời của “nhân vật chính” trong truyện vừa Ra đời không chỉ khuấy đảo, xáo trộn cuộc sống thường ngày một gia đình từ lâu đã lụi dần xúc cảm mà còn soi chiếu vào tận tâm can những thân phận người nhỏ bé trong cuộc đời với những vùng vẫy, tuyệt vọng, bế tắc và tha hóa đến trần trụi.”
Dịch giả Phan Xuân Loan cho biết, chị lựa chọn dịch “Ra đời” của Aleksei Nikolayevich Varlamov từ những nghiên cứu ban đầu của mình, về những gương mặt tiêu biểu trong “khu rừng đầy choáng ngợp” của văn học Nga đương đại. Đây là một tác phẩm cho thấy được tâm tư, tình cảm của một dân tộc giữa những sự đổi thay dữ dội của xã hội Nga trong thế giới hiện đại. Nhà văn, nhà chính luận Aleksei Nikolayevich Varlamov hiện đang là Tổng biên tập tạp chí Học văn, Hiệu trưởng trường viết văn Gorki của Nga và giáo sư thỉnh giảng Đại học Iowa, Hoa Kì. Trong số rất nhiều giải thưởng cao quý trao cho Aleksei Varlamov, không thể không kể đến giải thường Solzhenhitsyn năm 2006: “bởi sự khắc họa tinh tế trong sức mạnh văn xuôi và sự mong manh của hồn người, cũng như số phận của họ trong thế giới hiện đại...”
Nhà văn Aleksei Nikolayevich Varlamov |
Dịch giả Phan Xuân Loan cho biết: “Tác phẩm này tôi đọc rất xúc động. nói về sự hồi sinh của mối quan hệ của một cặp vợ chồng, từ khi người vợ phát hiện mình mang thai sau 12 năm mong đợi. Sự ra đời của đứa bé giúp cho người vợ và người chồng, hồi sinh lại mối quan hệ tưởng đã đi đến bờ vực tan rã. Ra đời kể về nước Nga thập niên 90 thời Ensin, tất nhiên không nêu đích danh, nhưng trong truyện người đọc biết về bối cảnh nước Nga thời đó. Lúc đó bắt đầu những cuộc tư hữu hóa rất ồ ạt của tổng thống Ensin. Và người Nga sống trong giai đoạn đó trải qua cuộc khủng hoảng đạo đức như thế nào, những gia đình Nga sống trên bờ vực tan vỡ ra sao; họ trở lại, họ tìm lại được, sống lại được tinh thần Nga như thế nào... qua những giá trị cơ bản về đạo đức, qua tôn giáo, chính thống giáo được thể hiện trong tác phẩm. Tất nhiên đây không phải là một tác phẩm truyền bá chính nghĩa chính thống giáo, mà là tác phẩm lý giải vì sao dân tộc Nga đứng được, trụ được, giữ được những giá trị đạo đức cơ bản của họ, trong đó có tôn giáo và những giá trị đạo đức cơ bản của con người.”
Mỗi số phận người trong Ra đời của nhà văn Aleksei Varlamov là một câu chuyện sống động đầy ám ảnh trong xã hội hiện đại. “Với lối tự sự nhẹ nhàng, không chút lên gân trong Ra đời, ngay từ những chương đầu, giọng văn điềm đạm nhưng đầy tinh tế của nhà văn Aleksei Varlamov như kéo tuột độc giả vào một hố sâu đen đặc với những cay đắng vấp váp, những sợ hãi hèn kém của lòng người chật hẹp, bế tắc, để dần đi về cuối truyện, người đọc sẽ dần vỡ ra được tại sao Ra đời lại là một trong những tác phẩm nhân văn nhất của văn học Nga hiện đại, và cũng là cuốn sách có sức sống bền bỉ trong lòng độc giả đến như vậy. Varlamov đã hoàn toàn thành công khi gieo vào lòng người đọc những hoài nghi, sợ hãi về một xã hội thờ ơ lạnh lẽo nhưng sau tất cả, cũng chính ông đã trao gửi một thông điệp đầy cảm thông và bao dung đến kì lạ trong tác phẩm của mình.” Văn phong của Aleksei Nikolayevich Varlamov, như dịch giả Phan Xuân Loan nhận định: “Tác phẩm của ông rất đa dạng, rất nhiều giọng, trong đó vừa có tác phẩm cho thiếu nhi vừa có tác phẩm cho người lớn. Gần đây, ông đang quay trở lại viết những loại tiểu sử nhân vật nổi tiếng, ông giới thiệu họ 1 cách hết sức hấp dẫn. Và tôi đã tìm đọc tác giả này, ông viết rất hấp dẫn. Những truyện ngắn của ông không quá sâu sắc như Eximop (một tác giả Nga đương đại đã được giới thiệu ở Việt Nam), giọng văn của ông lạnh hơn, nhưng nó vui, hơi hài hài, dí dỏm, cũng rất sâu sắc.”
Aleksei Nikolayevich Varlamov bắt đầu nghiệp viết lách với truyện ngắn Những con gián đăng trên tạp chí Tháng Mười (1987) và tiểu thuyết Ngôi nhà ở Ostozhie (1990). Năm 1995, tập truyện vừa Ra đời đã mang lại cho ông giải thưởng Antibooker danh giá. Và đến năm 2014, tiểu thuyết Sói suy tư của ông đã được các nhà phê bình nhận định là “một nỗ lực cá nhân khi nhìn về Thế kỉ Bạc”. Tác phẩm “Ra đời” của ông, với những ám ảnh tinh thần Nga đương đại, để lại những chỉ dấu cho bạn đọc, từ ẩn dụ tinh tế về giữ gìn những giá trị nhân văn giữa dòng xoáy đổi thay của thời cuộc.