Trong thực tế hiện nay, khi người đam mê đọc sách nói chung và người yêu sách văn học sử nói riêng không phải là nhiều, nhưng một ấn bản văn học huyền sử thời trung đại như Lĩnh Nam chích quái, được NXB Kim Đồng in lại với một diện mạo mới, đã trở thành hiện tượng, được bạn đọc nhiều lứa tuổi đón nhận nồng nhiệt..
Rõ ràng người trẻ không hề quay lưng lại với các giá trị truyền thống, nhưng với người trẻ cần một cách tiếp cận khác để có được sự đồng điệu. Và câu chuyện này đã được ghi lại trong một cuộc tọa đàm mới đây giữa những người làm sách và độc giả.
Ngay từ khi chưa chính thức phát hành, Lĩnh Nam chích quái (những chuyện kỳ lạ ở nước Nam) lập nên kỳ tích khi lần đầu tiên một cuốn sách lịch sử văn hóa đứng đầu danh mục sách được đặt mua nhiều nhất .
Họa sĩ Tạ Huy Long đã tạo nên một không gian mới cho Lĩnh Nam chích quái với hơn 200 hình minh họa sinh động, trong ấn bản năm 2017 của NXB Kim Đồng. Những bức tranh minh họa của Tạ Huy Long đã “thổi hồn vào tác phẩm văn học trung đại Việt Nam đưa nó trở lại sống động, tươi mới với bạn đọc Việt Nam hiện đại, thể hiện một cách nhìn mới mẻ về truyền thông văn hóa, lịch sử của dân tộc”. Ông Emmanuel Labrande, giám đốc L'Espace cho biết: Họa sĩ Tạ Huy Long đã gắn bó với đề tài lịch sử liên tục trong suốt hơn 20 năm nay cùng các tác phẩm được đánh giá cao:
"Chắc hẳn tác giả Tạ Huy Long không còn xa lạ đối với các bạn yêu sách nghệ thuật. Sau khi tốt nghiệp Đại học mỹ thuật công nghiệp, anh bắt tay vào lĩnh vực chuyên tranh, anh đã tham gia lớp dạy truyện tranh của tác giả người Pháp. Họa sĩ Tạ Huy Long đã thể hiện được tài năng của mình thông qua xê-ri minh họa các truyện cổ tích và thần thoại Việt Nam. Với tác phẩm Lĩnh nam chích quái, họa sĩ Tạ Huy Long đã đưa ra một cái nhìn đặc biệt về huyền thoại trong văn học dân gian Việt Nam."
"Không gian Tạ Huy Long tạo ra đủ huyển hoặc..." |
Lĩnh Nam chích quái đã được trích giảng dạy trong nhà trường phổ thông, là vốn cổ quý báu của dân tộc Tương truyền Trần Thế Pháp, một danh sĩ đời Trần, là tác giả bộ sách. Thông tin này đã được ghi trong các sách: Vịnh sử thi tập của Đặng Minh Khiêm, Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn và Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú. Ra đời vào khoảng cuối thời Trần, đúng như tên gọi Lĩnh Nam chích quái - lựa chọn ra những câu chuyện kỳ quái ở đất Lĩnh Nam, cuốn sách là tập hợp 22 câu chuyện cổ tích hoặc huyền thoại trong dân gian. Không chỉ có thế, trải qua suốt gần 7 thế kỷ tồn tại với những lần nhuận chính công phu của hai danh thần dưới triều Lê Thánh Tông là Kiều Phú và Vũ Quỳnh, Lĩnh Nam chích quái cũng đã tạo nên những ảnh hưởng không thể phủ nhận trong các bộ sách sử nổi tiếng sau này của Việt Nam.
Và đến ấn bản mới nhất này của NXB Kim Đồng, như một hình thức sách nghệ thuật do Tạ Huy Long, Lĩnh Nam chích quái thực sự có một cuộc trở lại ngoạn mục cùng bạn đọc. Nhà văn Lưu Sơn Minh (một nhà văn tâm huyết với đề tài tiểu thuyết lịch sử) đã cho biết cảm giác lần đầu tiên đọc Lĩnh nam chích quái do Tạ Huy Long minh họa: "Điều tôi cảm thấy đã nhất, là cảm giác huyền hoặc. Nó vừa đủ, nó không dọa ma. Không gian anh Long tạo ra đủ huyền hoặc"
..."từng bức tranh có một hàm lượng văn hóa dầy dặn..." |
Yêu thích đề tại lịch sử, nhưng Tạ Huy Long “cũng thấy mình có thể phát huy cao độ khả năng của mình ở những đề tài có tính chất khác thường, huyền bí thậm chí là kỳ dị, hoang dã”. Đó cũng là lý do anh bắt tay vào minh họa Lĩnh Nam chích quái, mà như anh khẳng định, chỉ riêng cái tên tác phẩm cũng đã gây cảm hứng cho anh trên hành trình tìm về cội nguồn, qua đấy hiểu hơn về đời sống văn hóa của người Việt xưa và nay. Kể nguyên do đến với tranh lịch sử, từ việc thuở nhỏ như tất cả những đứa trẻ thời đó cha mẹ phải đi làm, con cái được “nhốt” trong nhà, và có niềm vui lớn nhất là đọc sách, họa sĩ Tạ Huy Long nhớ lại:
"Chuyện lịch sử làm cho tôi bị cuốn hút, dù rằng lịch sử đó chỉ là dạng thông sử, là sử ai cũng biết, nhưng nó cuốn hút thực sự. Và cái thôi thúc, là suy nghĩ thời đó ông cha ta đi lại thế nào, ăn uống ra sao, có giống như bây giờ không. Và khi sống bằng sự liên tưởng, suy nghĩ đó thì tôi vẽ những bức tranh lịch sử đầu tiên. Sau này khi lớn lên một chút, thì có tranh của các họa sĩ Nguyễn Bích, Phan Doãn, Tạ Thúc Bình, là thế hệ cha anh, thì có định hình (cho tôi) sơ bộ về cái nhìn lịch sử."
Những tác phẩm có minh họa của Tạ Huy Long đã “kéo theo” một lượng “fan” học trò không nhỏ yêu thích người họa sĩ này. Và lần này, những minh họa của anh cho Lĩnh Nam chích quái, đã xóa bỏ định kiến rằng hững độc giả của Lĩnh Nam chích quái phải ở một độ tuổi trưởng thành nhất định. Tiến sĩ Nguyễn Tô Lan Lan là một trong những gương mặt thuộc thế hệ nghiên cứu Hán Nôm trẻ hiện nay ở Việt Nam, nhận xét: "Tranh của anh Long đạt được một sự hấp dẫn đến như vậy, vì ở đó có một hàm lượng văn hóa. Từng bức tranh hàm lượng văn hóa quá dầy dặn. Người vẽ được bức tranh như thế đã phải đọc được bao nhiêu tài liệu rồi. Và tài liệu đó là tài liệu khoa học. Khi xem tranh thì thấy anh Long là người đọc sử cực kỳ tốt và anh đọc sử rất là mới. Tại sao gọi là mới, vì khi đọc sử, để giải đáp một câu hỏi: thế cuối cùng cái này là cái gì, thì sẽ không bao giờ tìm ra câu trả lời. Một sự kiện lịch sử dưới rất nhiều con mắt khác nhau, dưới độ khúc xạ của thời gian, thì không bao giờ có cái gì gọi là một sự thật và tất cả dừng ở đấy rồi. Như thế thì lịch sử chán quá!"
Họa sĩ Tạ Huy Long khi sáng tác truyện tranh Cửa sổ - Ảnh: Hạ Huyền/Báo Thể thao và văn hóa |
Họa sĩ Tạ Huy Long cho biết: "Văn có cái khó của văn mà vẽ thì còn khó hơn nữa. Bởi vì nó phải được lượng hóa một cách rất rõ ràng bằng hình ảnh, để người ta nhìn thấy, để làm sao trong truyện người ta sống được hòa cùng không khí đấy. Thời kỳ đầu, tôi không thích lịch sử vẽ kiểu cách điệu, bởi vì tôi cảm thấy nó chỉ trang trí đẹp thôi, chứ nó không có cái không gian, không có cảm giác anh đứng ở vị trí thời gian đấy. Tôi phải tưởng tượng mình đứng trong không gian đấy, giữa kinh thành đấy, tham gia trận đánh đấy, hoặc là đang đi chợ quê thời kỳ đấy chẳng hạn. Đứng trong một không gian cổ kính, như đình chùa chẳng hạn, ngay từ thuở bé tôi đã thích mình sẽ nhắm mắt, sẽ tưởng tượng mình đứng trong thời kỳ như thế. Vẽ lịch sử tham vọng thì rất lớn để tái hiện đời sống, nhưng phần nhiều là để cho mình có một chuyến chu du trong dòng chảy ấy".
Lĩnh Nam chích quái, một trong số những ấn bản đặc sắc trong loạt sách đặc biệt xuất bản nhân dịp kỷ niệm 60 năm NXB Kim Đồng, thực sự là một minh chứng cho những nỗ lực làm sách theo tiêu chí của NXB này: “Không những HAY mà còn phải ĐẸP nữa”.