William Joiner Centre là một trung tâm đặc biệt thuộc Massachusetts, Boston, do các cựu binh Mỹ sáng lập, hướng tới sự giao lưu văn hóa giữa nhà văn hai nước. Nhà văn Lê Lựu cùng nhà biên kịch Ngụy Ngữ là những người làm văn nghệ Việt Nam đầu tiên đến Mỹ qua lời mời của William Joiner. Quan hệ văn học Việt – Mỹ đã có ngay trong chiến tranh khi những nhà văn cũng là cựu binh Mỹ tìm hiểu về văn hóa Việt Nam. Họ dùng văn chương để nói về dân tộc Việt Nam, cuộc chiến về dân tộc Việt Nam ở ngay trong chiến tranh. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Giám đốc NXB Hội Nhà văn Việt Nam cũng là người tích cực hoạt động, cầu nối giữa các văn nghệ sĩ Việt Nam và các văn nghệ sĩ cựu binh Mỹ trả lời phóng viên Đài tiếng nói Việt Nam về quan hệ giao lưu văn học giữa Việt Nam và Mỹ.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Giám đốc NXB Hội Nhà văn Việt Nam cũng là người tích cực hoạt động, cầu nối giữa các văn nghệ sĩ Việt Nam và các văn nghệ sĩ cựu binh Mỹ |
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Thưa ông, ông có thể kể về khởi đầu mối quan hệ văn học giữa Việt Nam và Mỹ cũng như quá trình hình thành trung tâm William Joiner?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Quan hệ của các nhà văn Việt Nam khởi đầu là quan hệ giữa nhà văn của hai nước. Đó là những nhà văn Mỹ mà trước khi trở thành nhà văn, nhà thơ, họ đã từng tham chiến ở Việt Nam. Và trong thời gian tham chiến ở Việt Nam, họ nhận ra sự sai lầm của cuộc chiến tranh đó. Và lớn hơn nữa là họ nhận ra một đất nước, một nền văn hóa, và họ không thể lý giải được tại sao mình lại cầm súng mang bom đến trên mảnh đất này, tàn phá và giết chóc. Đó là một điều thực sự ý nghĩa.
Vừa rồi tôi có viết một bài báo, một trong những phát hiện lớn nhất của người Mỹ về chiến tranh Việt Nam, không phải những phát hiện về những bí mật về vũ khí hay những bí mật về chiến lược, chiến thuật mà các vị tướng Việt Nam đã tiến hành, mà là phát hiện về tâm hồn bên trong mỗi người lính đó. Cách đây khoảng 20 năm Bộ quốc phòng Mỹ đã giải mật các hồ sơ, tài liệu thu giữ từ trong chiến trường từ những người lính đã hy sinh và bị bắt, những tài liệu thất lạc của người lính giải phóng.
Các nhà văn của trung tâm William Joiner đã đọc hàng nghìn micro film đó, và họ bàng hoàng nhận ra rằng trong các tài liệu sổ tay ghi chép của người lính Việt Nam, có một hình ảnh ai cũng vẽ. Đó là con chim bồ câu. Và trong mọi tài liệu sổ tay đều có văn bản thi ca. Và khi đọc những văn bản hồi ký đó thì họ nhận ra rằng ở đó là một thế giới hoàn toàn khác biệt. Ở đó là một tinh thần mà họ hoàn toàn không bao giờ biết tới.
Trong nhật ký ghi chép của các nhà thơ Mỹ trước đó vốn là lính Mỹ đều vang lên sự sám hối, dày vò, sự nổi dậy và phản chiến. Còn trong những trang viết của người lính Việt Nam đều vang lên tình yêu Tổ quốc. Ở đó họ nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ vợ, nhớ người yêu. Và khát vọng của những người lính đó là chiến tranh kết thúc càng nhanh càng tốt để họ trở về quê hương của mình, cày cấy, gieo hạt, lấy vợ, sinh con. Họ chỉ muốn một đời sống bình dị như vậy. Đó chính là những phát hiện rất lớn.
PV: Từ đó đến nay, những nhà văn cựu binh Mỹ đã có những đóng góp như thế nào trong sự phát triển quan hệ văn học giữa hai nước?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Sau năm 1975, khi chiến tranh kết thúc, những người lính là nhà văn nhà thơ Mỹ trở lại Việt Nam để một lần nữa đứng trên mảnh đất đó trong một tinh thần khác, một cảm nhận khác về dân tộc này, về con người trên mảnh đất nước VN, cảm nhận về văn hóa, về hòa bình, khát vọng hòa bình, giấc mơ thật đẹp đẽ và bình dị. Và những người lính này đã lập ra trung tâm William Joiner, nhà thơ Kevin Bowen đã tổ chức hội thảo năm 1987. Và nhà văn Việt Nam đầu tiên đến Mỹ là nhà văn Lê Lựu, một nhà văn là cộng sản, người lính đến đó và trên diễn đàn công khai của nước Mỹ, ông đã lên tiếng về cuộc chiến tranh, nói về quê hương của ông, nói về những người nông dân, những người lính, những điều bình dị nhất…
Và từ năm 1987 cho đến năm 2017, hàng năm các nhà văn Việt Nam đều đến Mỹ và trung tâm William Joiner đã công bố tác phẩm của họ, in dịch tác phẩm của họ và đã tạo nên diễn đàn của họ để thuyết trình và nói về dân tộc mình, văn học của đất nước mình trước tất cả những tri thức Mỹ, bạn đọc và sinh viên Mỹ. Nhân kỷ niệm hội thảo 30 năm văn học Việt Nam và Mỹ, chính quyền Boston, thủ phủ của bang Massachusett đã quyết định một điều rất quan trọng. Đó là cho cựu binh Mỹ, Kevin Bowen, một ngày gọi là “ngày của Kevin Bowen”. Và một trong hai điểm đi đến quyết định để tôn vinh nhà thơ Kevin Bowen là bởi vì ông đã làm cho người Mỹ hiểu sâu sắc hơn nữa nền văn hóa của Việt Nam. Tôi cho đó là một điều rất đặc biệt, khi tôn vinh một công dân vì công dân đó đã làm cho họ hiểu vẻ đẹp văn hóa của một đất nước, nơi họ đã từng tiến hành một cuộc chiến tranh tàn khốc.
PV: Để góp phần vào sự giao lưu văn học Việt Mỹ, có lẽ không thể không kể đến sự đóng góp của những nhà văn Việt Nam. Xin ông cho biết về những hoạt động của các nhà văn Việt Nam từ đó đến nay?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Các nhà văn Việt Nam có thể nói là những sứ giả hòa bình , nhà ngoại giao xuất chúng đầu tiên của Việt Nam đặt chân đến đất Mỹ. Khi các chính khách trong quan hệ băng giá chưa đến được, khi các doanh nhân doanh nghiệp chưa đến được thì các nhà văn Việt Nam đã đến. Họ đã xuyên qua biên giới của thù địch của cấm vận, chiến tranh lạnh để cất tiếng. Và nước Mỹ đã nhận ra rằng đằng sau họ là một dân tộc mà nước Mỹ hoàn toàn không hiểu hết. Năm 1997, nước Mỹ đã có 4000 đầu sách khác nhau. Tất cả đều có đáp án chung Việt Nam là một đất nước, văn hóa.
Các nhà văn đã có đóng góp vô cùng hệ trọng. Có những người Mỹ không hiểu gì nhưng lại khen những bài thơ của nhà thơ Việt Nam xuất bản tại Mỹ, họ mới hiểu họ không biết gì về dân tộc này cả. Chuyến đi của các nhà văn đến Mỹ, họ luôn đón chào chúng tôi trong một tinh thần khác biệt cho dù đất nước ta đã từng có rất nhiều thứ bị cô lập thế nhưng văn học đã mở ra, bước đến, hòa đồng chia sẻ giải mã những bí ẩn, phức tạp, ngờ vực của người nước ngoài đối với dân tộc chúng ta thông qua những trang viết của mình.
PV: Vâng, xin chân thành cảm ơn ông!