Nghe âm thanh tại đây:
1. Có lẽ, một tin vui với người yêu văn học đầu xuân mới, là vừa mới đây bộ 18 tác phẩm văn học thiếu nhi của nhà văn Vũ Hùng được vinh danh tại giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2017, cùng ba tác phẩm, công trình khác. Giải thưởng tôn vinh nhà văn Vũ Hùng với bộ sách viết về muôn thú, rừng núi và thiên nhiên tươi đẹp của đất nước, ghi lại nhiều ký ức vàng son đã mất. Những tác phẩm của ông còn có giá trị giáo dục cho trẻ em nhiều thế hệ.
Năm nay không có tác phẩm văn xuôi, thơ được trao Giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam mà chỉ có 2 tác phẩm lý luận phê bình và 1 tác phẩm dịch được trao giải, là tập tiểu luận phê bình “Bóng người trong bóng núi” của nhà thơ, nhà lý luận phê bình Lê Thành Nghị; công trình nghiên cứu “Cách tân nghệ thuật văn học phương Tây” của nhà nghiên cứu lý luận phê bình Phùng Văn Tửu; tập kịch thơ “Khổ vì trí tuệ” của Aleksander Griboedov, bản dịch của nhà văn Lê Đức Mẫn.
Nhà văn Vũ Hùng trong một buổi ra mắt sách tại Hà Nội. |
Điểm mới của lễ trao giải chính là “Giải thưởng sự nghiệp”, lần đầu tiên được trao cho nhà văn Vũ Hùng. Với những người yêu văn học, thì giải thưởng cũng thể hiện một sự trân trọng đối với những giá trị văn chương thực sự, khi sách của nhà văn Vũ Hùng được tái bản liên tục sau mấy chục năm ông xa xứ và trở về định cư tại quê hương.
Bộ sách của nhà văn Vũ Hùng từng nhận giải thưởng Sách Việt Nam do Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức năm 2016. Lúc đó, bộ sách mới xuất bản được 12 cuốn, và nhận giải ở hạng mục Giải Vàng Sách hay.
Chia sẻ niềm vui với thính giả Việt Nam ở xa tổ quốc, nhà văn Vũ Hùng cho biết: “Bộ sách được giải thưởng năm nay, tôi đã viết cách đây 30 năm rồi, nên khi được tin bộ sách được giải thưởng thì tôi rất vui mừng và cũng rất ngạc nhiên. Trong cái đợt tái bản này thấy số người đọc cũng mua nhiều, nên tôi rất vui mừng và sung sướng.
Nhân dịp này, tác giả rất cảm động và trước hết là cám ơn NXB Kim Đồng, và Ban chấp hành Hội nhà văn (Việt Nam) đã có lựa chọn đưa cuốn sách đó vào giải thưởng. Nghệ sĩ thường có tư tưởng là không có biên giới, nên là người Việt nam mà có quan hệ tới văn chương nghệ thuật dù ở trong nước hay ngoài nước thì cũng thế. Tôi xin gửi lời chúc mừng năm mới tới tất cả các bạn làm văn học nghệ thuật người Việt ở nước ngoài”.
2. Có một câu chuyện đáng chú ý khác, là hành trình xuyên Việt bằng xe đạp của nhà văn Phạm Ngọc Tiến cùng nhà báo Trần Đăng Tuấn những ngày cuối năm Đinh Dậu, kết thúc trước thềm năm mới Mậu Tuất.
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến (trái) và nhà báo Trần Đăng Tuấn trong hành trình đạp xe xuyên Việt - Ảnh: FB nhà văn Phạm Ngọc Tiến. |
Cách đây 25 năm, ngày 1/4/1993, tại cổng tòa soạn Báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam), cũng từng bắt đầu một hành trình xuyên Việt độc nhất vô nhị trong giới văn chương của bốn nhà văn, nghệ sĩ tuổi Tuất, là các nhà thơ, nhà văn: Hoàng Cầm (sinh 1922 Nhâm Tuất), Hòa Vang (sinh năm 1946 Bính Tuất, Nguyễn Lương Ngọc (sinh 1958 Mậu Tuất) và nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán, xuyên Việt với hành trình đi bộ.
Nhưng hành trình đạp xe đạp năm nay của nhà văn Phạm Ngọc Tiến và nhà báo Trần Đăng Tuấn không phải vì văn học, mà để kêu gọi sự ủng hộ cho Quỹ Cơm có thịt, ủng hộ cho trẻ em vùng cao.
Nhà báo Trần Đăng Tuấn đã chia sẻ trên trang cá nhân trong hành trình:
“Chị Hải Zeissler và chồng là ông Bob Zeisler, một cựu binh chiến tranh Việt Nam, ở New Jersey, Mỹ. Chị mỗi tháng nấu một lần món bún bò. Ông Bob chở đi giao cho từng người mua.
Chị Hải nói nhiều khi hộp bún bò loang cả nước ra áo ông.
Toàn bộ tiền bán bún thu được hai vợ chồng mang về trong chuyến thăm quê Việt Nam để ủng hộ Cơm Có Thịt, biết chúng tôi đạp xe qua Đà Nẵng thì hẹn gặp để trao.
Ông Bob luôn miệng nói Cơm Có Thịt là "Good job" và ông rất sẵn sàng tiếp tục giúp vợ đưa bún bò để tham gia. Số tiền ủng hộ là 2500 USD. Tôi nghĩ ông Bob đã phải đi giao rất nhiều hộp bún bò. Bạn của chị Hải là Hellen Loan Nguyen cũng gửi ủng hộ 100 USD.”…
Vợ chồng chị Hải và nhà báo Trần Đăng Tuấn. Đóng góp của những tấm lòng vàng, sau chuyến đi của hai "nhà" sẽ được góp vào xây dựng phòng học cho điểm trường Huổi Mí A (Điện Biên) - Ảnh: FB nhà báo Trần Đăng Tuấn. |
Rất nhiều nghĩa cử ấm áp như vậy của người dân trong và ngoài nước ủng hộ hai “nhà” đạp xe xuyên Việt, mang đến một cái Tết ấm áp cho trẻ em, học trò nghèo vùng cao.
3. Trong dịp năm mới âm lịch, rất nhiều văn nghệ sĩ xa quê vì công việc, không có điều kiện trở về dự cái tết quây quần nơi quê cũ. Nghệ sĩ guitar Đặng Ngọc Long, hiệu trưởng một trường âm nhạc ở Berlin mà chúng tôi từng giới thiệu cùng quý vị, cũng là một trong số đó.
Nghệ sĩ guitar Đặng Ngọc Long |
Từ đất Đức, anh chia sẻ một món quà âm nhạc cùng thính giả xa xứ của Đài Tiếng nói Việt Nam, như một lời chúc yêu thương đầu năm mới: “Mỗi lần về quê ăn Tết thì tôi rất thích, nghĩa là thích hơn ở bên Đức. Được đi thăm bà con láng giềng, đi chợ hoa, sắm sửa, nhất là đi chợ hoa. Tôi rất thích phong tục ở nhà tôi, là bố tôi bảo tôi (con trưởng) đi ra ngoài hái lộc rồi vào xông nhà cho khỏi xui (cười).
Tôi về quê ăn tết rất ít cách đây 6 năm, có một lần tôi nhớ mãi là khi về quê ăn Tết cùng chương trình Xuân quê hương do Bộ ngoai giao tổ chức, có đại diện kiều bào các nước về, cả khán giả Việt Nam. Rất tuyệt vời là chúng tôi được ăn các món từ Bắc vào Nam không thiếu một thứ gì. Tôi thích nhất là bánh đúc, mà ở bên Đức không có bánh đúc. Các tiết mục thả cá chép rất hấp dẫn, rồi xem các làng nghề dân tộc của Việt Nam.
Năm đó tôi tham gia chương trình Xuân quê hương nên cũng biểu diễn một tiết mục cho khán giả trong nước và kiều bào một bản độc tấu ghi ta cùng dàn nhạc giao hưởng. Đó là năm 2010.
Năm nay không về được, tôi xin gửi tặng khán giả một bản độc tấu của tôi, bài rất quen thuộc và cũng là những tâm tư, nỗi lòng của chúng tôi những người xa xứ, đó là bài Bèo dạt mây trôi, do tôi biên soạn chuyển cho guitar và tôi tự biểu diễn”