Nghệ sĩ Trần Ngà và miền ký ức xanh thẳm về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thanh Giang
Chia sẻ
(VOV5) - "Đấy là những người đã trải qua chiến tranh, qua những ngày tháng rất khó khăn trong nghề làm phim thời hậu chiến, nhưng vẫn giữ được một tâm hồn trong trẻo,  một tình cảm rất trong sáng, một niềm đam mê rất đáng khâm phục"...

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Hằng năm, vào ngày 19/5, NSƯT Trần Ngà cùng với những anh chị em còn lại trong đội ngũ trực tiếp phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh, vẫn vào Phủ Chủ tịch để thắp hương tưởng nhớ Người.

Bà hẹn gặp chúng tôi trong căn hộ sáng dịu từ ánh nắng chiếu qua những tán cây ngoài cửa sổ ở ngõ 34 Trần Phú cũ, nay là đường Tôn Thất Thiệp.

Những hồi ức về Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tươi rói trong tâm trí của bà, mát rượi như một miền xanh thẳm trong những ngày nắng tháng 5. Biết các cháu phóng viên đến thăm, nữ nghệ sĩ đã trân trọng đánh máy lại từng câu chữ trong hồi ức, đọc cho chúng tôi nghe những câu chuyện về Cụ Hồ:

“Trong đoàn Ca Múa của chúng tôi ngày ấy thường có 3 chị em chúng tôi là NSƯT Linh Nhâm, NSND Tường Vi và tôi, hay được vào biểu diễn phục vụ Bác Hồ. Công việc mà chúng tôi thường làm là hát, đọc sách báo để Bác Hồ nghe và được Bác cho mang hoa đi tặng khách nước ngoài tới thăm Chủ tịch Phủ

 Vì tôi ít tuổi nhất, thấp bé và tròn trĩnh nên Bác gọi tôi là “bé hạt mít” Một lần bác bảo tôi:

- Bé ra ngoài hiên lấy cho bác mấy tờ báo vẽ.

Trong đầu tôi, lúc đó vẫn chưa hiểu ý Bác muốn lấy báo gì? Tôi lật giở những tập sách báo để trên chiếc bàn mây ở góc hiên mà không phát hiện ra loại báo nào. Loay hoay mãi cuối cùng tôi đã đánh liều mang mấy cuốn Họa báo Trung Quốc vào thì may quá, đó đúng là ý của Bác (Bác gọi báo vẽ còn chúng ta vẫn thường gọi là họa báo)” - Bà kể lại.

Nghệ sĩ Trần Ngà và miền ký ức xanh thẳm về Chủ tịch Hồ Chí Minh - ảnh 1Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đón tiếp Anh hùng Liên Xô, phi công vũ trụ G.Ti-tốp, chụp ảnh lưu niệm trước nhà sàn của Bác, NSUT Trần Ngà thứ hai từ phải (ngày 13/11/1966).

Nghệ sĩ Trần Ngà khi ấy là một ca sĩ, dẫn chương trình của Ðoàn ca múa Tổng cục Chính trị, đoàn văn công đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng thời được tham gia đội ngũ những người phục vụ trực tiếp Phủ Chủ Tịch phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1961 đến năm 1969 (tới khi Người mất). Trong không khí thân tình ngày ấy, những người phục vụ đều gần gũi với Người như trong gia đình.

Bà kể: “Bác Hồ đối với nhân viên, đối với tất cả những người xung quanh thực sự rất thân ái, rất gần gũi như cha con. Những người đã sống gần Bác Hồ, và trải qua cả quá trình từ đầu kháng chiến khi Bác Hồ trực tiếp về nước lãnh đạo, đều thấy cả một thế hệ cán bộ ngày xưa được Bác Hồ đào tạo, thực sự là những người rất tốt, rất chân chính, tất cả vì vì dân vì nước. Tôi vẫn rất tự hào khi mình là một Đảng viên từ thời kỳ đó. Cho đến bây giờ tôi vẫn thấy như thế, Bác Hồ rất vì dân vì nước. Tôi rất tự hào về thời gian mà mình được sống, thời gian mình được làm việc ở đó. Cán bộ của thời kỳ đó cũng hết sức tốt, liêm khiết và một lòng một dạ vì nhân dân, vì đất nước này."

Nghệ sĩ Trần Ngà và miền ký ức xanh thẳm về Chủ tịch Hồ Chí Minh - ảnh 2Hàng năm, những người trực tiếp phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh đều tổ chức gặp mặt vào 19/5, và dâng hương tưởng nhớ Người. (NSUT Trần Ngà mặc áo hoa vàng).

Sau này, khi xem trên generic nhiều phim của Điện ảnh Quân đội trước đây, nhiều khán giả nhầm cái tên Trần Ngà là một biên tập nam, chứ không thể hình dung đó là một người phụ nữ nhỏ nhắn, có giọng nói nhẹ nhàng, gương mặt thanh thoát, phúc hậu như một Bà Mụ. Từ một văn công, về Điện ảnh Quân đội, trở thành nhân viên thu thanh rồi biên tập âm nhạc, nghệ sĩ Trần Ngà đã gắng gỏi học hỏi từng ngày.

“Khi mới về, nghề nghiệp tôi chưa biết gì cả, vì tôi từ văn công chuyển sang. Nhưng được đơn vị cho đi học, sang Xưởng phim Thời sự Tài liệu Trung ương (nay là Hãng phim Tài liệu Trung ương) vừa học vừa làm. Rồi học bên Đài phát thanh (Đài Tiếng nói Việt Nam -VOV) vừa học vừa thực tập trong vòng một năm. Đến năm 1978 do yêu cầu công tác tôi chuyển hẳn về bộ phận biên tập.  Làm biên tập âm nhạc thì cần phải có trình độ tốt hơn, nên tôi xin đi học tiếp trường Âm nhạc Việt Nam. Sau 4 năm vừa học vừa làm, tôi tốt nghiệp Đại học khoa Lý luận âm nhạc, có cơ sở để mình làm việc tốt hơn” – Nghệ sĩ Trần Ngà chia sẻ.

Nhà giáo, GSTS Trần Thanh Hiệp, nguyên Phó giám đốc điện ảnh Quân đội, người dã có nhiều năm làm việc cùng nghệ sĩ Trần Ngà kể lại: “Ở đây có rất nhiều cán bộ từng trải, có năng lực, đã từng qua các chiến trường, có những anh chị đi bộ đội từ thời kháng chiến chống Pháp, có nhiều người lăn lộn trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Khi xem các bộ phim đánh dấu những giai đoạn lịch sử của đất nước do Điện ảnh Quân đội sản xuất, chúng ta dễ dàng gặp gỡ những tên tuổi rất nổi tiếng. 

Nghệ sĩ Trần Ngà và miền ký ức xanh thẳm về Chủ tịch Hồ Chí Minh - ảnh 3

Nghệ sĩ ưu tú Trần Ngà

Chị Trần Ngà là một trong hai biên tập âm nhạc có nhiều công lao đóng góp đối với sự phát triển của Điện ảnh Quân đội. Chị Trần Ngà trước đây từng là diễn viên và là người dẫn chương trình rất nổi tiếng của Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị. Do đam mê nghệ thuật, chị Ngà về Điện ảnh Quân đội, chấp nhận tất cả những sự thiệt thòi, phấn đấu để tìm hiểu nghệ thuật âm thanh, nghệ thuật âm nhạc trong phim.

Chúng ta biết rằng thời kỳ chiến tranh, rồi khi đất nước mới hòa bình lập lại, đất nước thốn nhất, thì điều kiện kinh tế xã hội, điều kiện kỹ thuật của đất nước rất khó khăn, nên những người làm phim trong đó có chị Trần Ngà đã phải có những nỗ lực rất lớn, tâm huyết, có thể nói là những người "tử vì Đạo".

Thời ấy thường phim tài liệu thường chọn nhạc, ít nhạc sáng tác vì tiền ít. Nhưng có thể nói rằng bằng bàn tay mà chúng tôi thường đùa là “ngón nghề rất phù thủy”, thì chị Trần Ngà đã chọn được những giai điệu rất phù hợp, nâng chất lượng hình ảnh, chất lượng tư tưởng nghệ thuật của các bộ phim lên. Mặc dù sau này tôi không hoạt động Điện ảnh Quân đội nữa, nhưng tôi luôn luôn giữ lại những tình cảm rất ấm áp với nhiều người ở đấy, đặc biệt đối với chị Trần Ngà. Bởi vì đấy là những người đã trải qua chiến tranh, trải qua những ngày tháng rất khó khăn trong nghề làm phim thời hậu chiến nhưng vẫn giữ được một tâm hồn rất trong trẻo, một tình cảm rất trong sáng, một niềm đam mê rất đáng khâm phục” - GS Trần Thanh Hiệp chia sẻ.

Công việc biên tập âm nhạc của Điện ảnh Quân đội, cũng giúp cho bà có cơ hội được thể hiện tình cảm trong những bộ phim về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, bộ phim Những giờ phút cuối đời Bác Hồ, của đạo diễn Phạm Quốc Vinh, với những thước phim lịch sử quý giá có một không hai do hai nhà quay phim quân đội Nguyễn Thanh Xuân, Trần Anh Trà thực hiện, nghệ sĩ Trần Ngà cũng vinh dự được tham gia biên tập âm nhạc.

Nghệ sĩ Trần Ngà vẫn rất tinh anh ở tuổi ngoại 80. Miền ký ức của nghệ sĩ Trần Ngà (và những nhân chứng trực tiếp của một thời kỳ lịch sử như bà), đã mở một cánh cửa vào thế giới Người Hiền, thế giới mà, trong đời sống hiện tại, sẽ phải có những phút giây lắng lại mới cảm nhận và hiểu sâu sắc được.

“Trong lúc ăn cơm, Bác Hồ hỏi:  Giờ lương bé được bao nhiêu? Tôi nói: Con được 84 đồng. Bác bảo: thế thì bằng 1/3 lương của Bác rồi đấy! Lương Cụ được hơn 200 đồng mà. Lúc bấy giờ về tôi nghĩ, thấy mình ân hận quá, cứ áy náy ân hận lắm, như thế là lương của mình cao. Tôi về xin đánh tụt lương chỉ còn lại 64 đồng, cho đến 14 năm sau mới trở lại với mức cũ. Nhưng về sau này anh chị em trong xưởng phim rất khó chịu, bảo “tại mày mà chúng ta cứ phải thế này không được lên lương” (cười). Ngày xưa mà, sống vô tư lắm, không nghĩ ngợi gì chuyện quyền lợi vật chất. Phải nói là thời gian đó không phải một mình tôi mà nói chung tất cả mọi người, trong xã hội đều như thế cả.” – Bà nhớ lại.

Để hiểu hơn về một thế hệ “con cháu Bác Hồ”, thế hệ những người như nghệ sĩ Trần Ngà, những người đã chịu ảnh hưởng sâu sắc từ lý tưởng, từ cuộc sống của vị Lãnh tụ đưa dân tộc giành độc lập, thì có lẽ, không những chỉ cảm nhận trong không khí thời đại họ đã sống, mà cần nhìn chi tiết hơn, ví dụ, từ Gia Đình của họ.

Như nhà văn Trần Hoài Dương, người đã sáng tác Miền xanh thẳm, người neo lại trong lịch sử văn đàn Việt với những tác phẩm văn học thiếu nhi trong trẻo, đã viết: “Tôi đã đến với văn học thiếu nhi như đến với một thứ Đạo. Viết là để vươn tới những gì cao đẹp nhất. Viết là để tự hoàn thiện dần con người mình. Viết là để đem lại lòng yêu thương và vẻ đẹp tuyệt vời của văn chương cho trẻ nhỏ".

Người đã tâm sự những lời gan ruột ấy, và đã sống một cuộc đời như đã tâm niệm thế, là em trai của nghệ sĩ Trần Ngà.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu