Chiếc mũ len, bức tranh dán giấy và tình cảm của người Pháp đối với Bác Hồ

Quang Dũng, PV VOV thường trú tại Paris, Pháp
Chia sẻ
(VOV5) - Nước Pháp và nhân dân Pháp có một mối liên hệ đặc biệt với Bác Hồ. Đó là đất nước tư bản phương Tây đầu tiên mà Bác đặt chân đến trên con đường bước ra thế giới.

Họ là những người Pháp bình dị giữ trong mình một tình cảm quý mến, chân thành và sâu sắc với Chủ tịch Hồ Chí Minh của nhân dân Việt Nam, luôn trân trọng, giữ gìn và thể hiện tình cảm đó qua những kỷ vật liên quan đến Bác. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 

Nước Pháp và nhân dân Pháp có một mối liên hệ đặc biệt với Bác Hồ. Đó là đất nước tư bản phương Tây đầu tiên mà Bác đặt chân đến trên con đường bước ra thế giới để tìm đường giải phóng dân tộc từ khi còn là chàng thanh niên trẻ mang tên Nguyễn Tất Thành.

Những ngày tháng hoạt động cách mạng sôi nổi đầu tiên của Bác cũng là trên đất Pháp, khi Bác kết giao, tìm hiểu và học hỏi từ những chí sĩ, những con người tranh đấu từ khắp nơi trên thế giới. Đó là nơi Bác gửi bản yêu sách đầu tiên đến một Hội nghị của những cường quốc để đòi độc lập cho nhân dân An Nam. Cuộc đời hoạt động cách mạng gian nan nhưng vĩ đại của Bác sau này, vì thế, cũng đã in đậm trong tâm trí nhiều người dân Pháp.

Chiếc mũ len, bức tranh dán giấy và tình cảm của người Pháp đối với Bác Hồ - ảnh 1Chiếc mũ len và bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh tăng ông Biquard. Ảnh: VOV Paris 

 Rất nhiều năm trôi qua, nhiều người trong số họ vẫn lưu lại những ký ức về Bác, qua những kỷ vật, những hành động giản dị đời thường và sự gắn kết mà họ cảm nhận được từ Bác, dù có người chưa từng được gặp Bác.

Claire Biquard là một người như thế. Chưa từng gặp Bác nhưng với bà và gia đình, Bác là một người vô cùng gần gũi.

Cuối tháng 12/1968, đoàn Phong trào Hoà bình Pháp gồm 4 thành viên đã đi thăm Việt Nam nhằm ủng hộ cuộc đấu tranh chống Mỹ của nhân dân Việt Nam. Cha của bà Claire Biquard là Pierre Biquard cũng có mặt trong đoàn.

Chiếc mũ len, bức tranh dán giấy và tình cảm của người Pháp đối với Bác Hồ - ảnh 2Nhiều hiện vật quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh được trao lại. Ảnh Quang Dũng 

Ông Pierre Biquard là nhà vật lý và là nhà hoạt động hòa bình tích cực của Pháp, Ủy viên Hội đồng toàn quốc Phong trào Hòa bình Pháp, Uỷ viên Hội đồng Hòa bình thế giới và Tổng thư ký Liên đoàn thế giới những người làm công tác khoa học.

Đoàn được Bác Hồ tiếp tại Phủ Chủ tịch và ở đó, có một câu chuyện xúc động mà gia đình Biquard không bao giờ quên. Vài năm trước, bà Claire Biquard kể lại "Với đoàn đại biểu Pháp, đó là một vinh dự lớn vì lúc đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gần 79 tuổi và phải hạn chế các cuộc tiếp khách. Khi chuyến thăm sắp kết thúc và đoàn chuẩn bị rời đi, nhìn thấy cha tôi không có gì trên đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa một chiếc mũ len cho cha tôi và bảo « Anh đội mũ vào đi, bên ngoài đang rất lạnh". Cha tôi nhìn chiếc mũ và nói: Nhưng thưa Chủ tịch, chiếc mũ quá nhỏ với cái đầu của tôi. Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời: Vậy anh cứ giữ  lấy như một kỷ niệm. Đó là câu chuyện về chiếc mũ len Bác Hồ, bố tôi đã rất tự hào kể lại câu chuyện này cho bạn bè và gia đình, và chiếc mũ đã trở thành di sản quan trọng của gia đình tôi"..

Chiếc mũ len, bức tranh dán giấy và tình cảm của người Pháp đối với Bác Hồ - ảnh 3Hai con gái của ông Biquard kể lại những kỷ niệm đẹp về Chủ tịch Hồ Chí Minh với người cha. - Ảnh: VOV Paris 

Từ sau kỷ niệm đáng nhớ đó, ông Pierre Biquard không có dịp quay trở lại Việt Nam. Nhưng như người con gái của ông kể lại, ông dõi theo Việt Nam mỗi ngày và một lần nữa, vô cùng xúc động khi được biết cuốn tiểu sử mà ông viết về nhà vật lý Frédéric Joliot-Curie và xuất bản năm 1961 được đặt trong phòng làm việc của Bác. Năm 1989, qua một người bạn, Pierre Biquard đã nhờ được Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam khi đó chụp được bức ảnh về cuốn sách trong phòng làm việc của Bác và bức ảnh đó cũng đã trở thành một di sản quan trọng nữa của gia đình Biquard.

Với chiếc mũ len được Bác Hồ tặng, ông Pierre Biquard đã trân trọng lưu giữ bao năm, cho đến tận cuối đời. Năm 2016, vài năm sau khi người cha qua đời, bà Claire Biquard và người chị gái của mình đã liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và gửi tặng chiếc mũ về cho Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Hà Nội lưu làm hiện vật lịch sử, minh chứng cho tình cảm chân thành, giản dị của Bác và sự trân trọng mà một gia đình người Pháp dành cho Bác.

Chiếc mũ len, bức tranh dán giấy và tình cảm của người Pháp đối với Bác Hồ - ảnh 4Họa sĩ Mustapha trao tặng  chân dung Bác tại ĐSQ VN tại Pháp. Ảnh: VOV Paris 

Với một người Pháp khác, tình cảm dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh của nhân dân Việt Nam lại đến một cách tự nhiên mà không cần duyên hạnh ngộ.

Hoạ sĩ Boutadjine Mustapha, một người Pháp gốc Algeria cách đây vài năm đã nảy sinh ra một ý tưởng rất độc đáo, đó là làm nên một bức tranh Chủ tịch Hồ Chí Minh theo cách chưa ai từng làm. Ông mua các tạp chí đắt tiền rồi xé các trang có các chữ và các mảng màu đẹp nhất rồi dán chúng lại với nhau.

Từ các trang báo xé đó, không cần bút vẽ hay bột màu mà chỉ bằng tâm huyết, Boutadjine Mustapha dành hơn 1 tháng rưỡi để làm nên một bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thách thức đặt ra với Boutadjine Mustapha  khi đó là làm sao thể hiện được một cách tốt nhất thần thái của Bác.

Tuy nhiên, là một nghệ sĩ dành gần như cả sự nghiệp theo đuổi khát vọng cất lên tiếng nói của những người bị áp bức, đối với hoạ sĩ Boutadjine Mustapha, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương cách mạng đã đi vào lịch sử nhân loại trong thế kỷ 20.

Và ông nói rằng, ông tin là có thể cảm nhận được thần thái đó khi đã hiểu về cuộc đời đấu tranh của Chủ tịch Hồ Chí Minh: «Tôi thể hiện theo cách của tôi, tôi làm nên một bức chân dung toát lên vẻ thông thái, một Chủ tịch Hồ Chí Minh không quá già cũng không quá trẻ. Tôi chọn một hình ảnh trung dung vì muốn thể hiện được sức mạnh của đất nước Việt Nam, một sức mạnh vững chãi, và cũng muốn khắc hoạ sự cuốn hút và thông thái của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là tinh thần mà tôi đã lựa chọn để làm tác phẩm này ».

 Bức tranh tâm huyết xuất sắc của hoạ sĩ Mustapha giờ cũng đã được gửi tặng lại cho nhân dân Việt Nam. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu