Phía sau là bình yên - đêm nhạc của tình ca và những sẻ chia

Bảo Trang
Chia sẻ
(VOV5) - Toàn bộ số tiền thu được sẽ dùng để hỗ trợ các em nhỏ đang chạy thận tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Như đã trở thành một sự kiện thường niên, tháng 4 này chị Khuất Thanh Thúy - một giọng ca được yêu mến trong cộng đồng người Việt ở Texas, Hoa Kỳ trở về Việt Nam và tổ chức một đêm nhạc nhỏ xinh tại Hà Nội. Đêm nhạc với tên gọi “Phía sau là bình yên”, sẽ diễn ra ngày 2/4 tại Trixie, 165 Thái Hà, Hà Nội. Sự kiện nằm trong chuỗi chương trình của quỹ thiện nguyện “Hãy yêu nhau hơn”, đã được tổ chức đến nay là lần thứ 11. Sau đêm nhạc này, toàn bộ số tiền thu được sẽ dùng để hỗ trợ các em nhỏ đang chạy thận tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Phía sau là bình yên - đêm nhạc của tình ca và những sẻ chia  - ảnh 1Đêm nhạc Phía sau là bình yên sẽ diễn ra lúc 20h ngày 2/4/2024 tại Trixie 165 Thái Hà, Hà Nội
Để hiểu hơn về đêm nhạc này, BTV Bảo Trang có cuộc trò chuyện với chị Khuất Thanh Thúy và một khách mời đặc biệt của đêm nhạc – anh Nguyễn Hữu Thái Hòa, kiều bào tại Canada. Hiện là Phó Viện trưởng Viện Trí Việt (Hội Liên hiệp Khoa học Công nghệ Việt Nam), anh Nguyễn Hữu Thái Hòa cũng là một tài tử hát nhạc Trịnh với hàng chục album lãng du, riêng có… 
Nghe âm thanh chương trình tại đây:
Chị Khuất Thanh Thúy: Mỗi lần về Việt Nam, tôi đều cố gắng tổ chức những đêm nhạc nhẹ nhàng với mục đích là gây quỹ để xây cầu vùng cao, xây nhà vệ sinh cho các điểm trường, hay đi thăm hỏi các bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn ở các viện quanh Hà Nội. Gần đây tôi có sáng tác ca khúc “Phía sau là bình yên” – và đã chọn đó làm tên chương trình. Theo tôi, mỗi người trong cuộc sống bề bộn đều sẽ có khi gặp phải những khó khăn, thăng trầm. Và ca khúc Phía sau là bình yên ghi lại những tâm sự, đồng cảm của tôi, và để chia sẻ với mọi người về một góc bình yên sau những biến cố của cuộc đời.
Phía sau là bình yên - đêm nhạc của tình ca và những sẻ chia  - ảnh 2Chị Khuất Thanh Thúy trong đêm nhạc Hãy yêu nhau hơn mùa trước

Anh Nguyễn Hữu Thái Hòa: Tôi vô cùng ngỡ ngàng trước tâm hồn nghệ sỹ của Thúy. Trước kia chúng tôi cùng làm ở FPT nhưng chưa hề biết nhau. Thế rồi qua mối duyên từ những người bạn, gần đây tôi nhận được lời mời của Thúy tham gia đêm nhạc tại Hà Nội. Cái poster của đêm nhạc rất ấn tượng, nhưng đặc biệt cái tên Phía sau là bình yên lại là điều khiến tôi rất xúc động. Trong năm 2023 vừa rồi, không chỉ doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều vấn đề, nhiều biến cố, mà trong gia đình của tôi cũng có chuyện buồn. Mẹ tôi 87 tuổi đã ra đi, và điều đó để lại những cảm xúc rất không bình yên cho cá nhân tôi. Vì thế nên trong cuộc sống, trong âm nhạc, tôi đều đi tìm sự bình yên. Và khi biết được tên của chương trình thì tôi thực sự thấy ý nghĩa, thêm nữa chương trình được tổ chức vào dịp tưởng nhớ nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Tôi nghĩ đây sẽ là một đêm đầy cảm xúc!

Phía sau là bình yên - đêm nhạc của tình ca và những sẻ chia  - ảnh 3Anh Nguyễn Hữu Thái Hòa - gần 25 năm đam mê nhạc Trịnh

Đêm nhạc Phía sau là bình yên là một đêm nhạc không bán vé, nhưng chúng tôi trân trọng và làm đêm nhạc này rất cẩn thận. Nhạc Trịnh sẽ là phần đầu tiên – đó cũng là dòng nhạc tôi đã yêu gần 25 năm, và mỗi năm đều có tác phẩm, có dấu ấn để trả tình cảm của người nhạc sỹ tài hoa. Trịnh Công Sơn là bạn của cha tôi từ khi học lớp 5. Nhưng vì trong âm nhạc, ông không cho gọi là “cậu” hay “chú”, mà phải gọi là “anh”. Anh Sơn đã hướng dẫn tôi rất nhiều, từ khi tôi còn là một cậu học sinh ở Canada về, với chất giọng còn non nớt. Anh đã chỉ ra 2 điều cho tôi. Thứ nhất là chất lãng tử - anh không muốn tôi đi hát mà được gọi là ca sỹ chuyên nghiệp hay không chuyên, mà anh muốn tôi là một ca sỹ “tài tử”. Chữ “amateur” dịch đúng nghĩa là “tài tử”, và theo anh Sơn thì chất “tài tử” cho phép chúng ta đi xa, lạc lối, bỏ mọi khuôn phép của học thuật hay showbiz. Chữ “tài tử” đi theo tôi rất nhiều. Tôi tin rằng đêm nhạc sắp tới với chất nhạc Trịnh và chất Hà nội trong đêm nhạc của Thúy sẽ rất đẹp!

Chị Khuất Thanh Thúy: Chương trình này sẽ khác hẳn so với những lần trước, bởi đây sẽ là một buổi chuyện trò. Điều mà anh Nguyễn Hữu Thái Hòa vừa nói về Trịnh Công Sơn, đặc biệt là định nghĩ về “tài tử” rất hay, lần đầu tiên tôi được biết. Một người đam mê nhạc Trịnh và hát thì sẽ khi hát bằng cảm xúc, không bị học thuật hạn chế. Anh Thái Hòa hát nhạc Trịnh kiểu tài tử, thì cũng như một nhạc sỹ không chuyên là tôi khi viết ca khúc cũng bằng chất “tài tử” đó...

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu